12:15 03/12/2010

Cài bẫy Hitler (kỳ 8)

Bất kỳ một chiến dịch quân sự nào, bí mật, bất ngờ luôn giữ một vị trí quan trọng, đảm bảo sự thành bại. Chiến dịch Bá vương không là ngoại lệ. Nhiều biện pháp đã được áp dụng để ngăn không cho thông tin liên quan lọt ra ngoài.

Tháng 6/1944, những đơn vị tinh nhuệ nhất, xe tăng mạnh nhất của Đức Quốc xã được lệnh tập kết tại khu vực Calais ở miền bắc nước Pháp. Trong khi phát xít Đức chuẩn bị cho một trận sống mái với quân Đồng minh tại Calais thì đối phương lại đổ bộ lên bán đảo Normandy, tiến về Pari, phá tan thế bố trí lực lượng của quân Đức. Tại sao quân Đức lại tập kết ở Calais chứ không phải Normandy? Nguyên nhân không nằm ở sự “ấm đầu” của giới tướng lĩnh Đệ tam Đế chế, mà là bởi họ trúng phải kế sách liên hoàn của quân Đồng minh.

>>Chiến dịch Bá vương báo hiệu ngày tàn của Đệ tam Đế chế>> /
 
>>“Quân đoàn ma”>> 


Kỳ 8: Những lỗ hổng bất ngờ

Bất kỳ một chiến dịch quân sự nào, bí mật, bất ngờ luôn giữ một vị trí quan trọng, đảm bảo sự thành bại. Chiến dịch Bá vương không là ngoại lệ. Nhiều biện pháp đã được áp dụng để ngăn không cho thông tin liên quan lọt ra ngoài. Tuy nhiên, vẫn có những “lỗ hổng” bất ngờ xuất hiện, chút nữa làm tiêu tan công sức của hàng triệu người và phá sản Chiến dịch Bá vương.

Một số trang thiết bị dùng để đổ bộ của quân Đồng minh còn lưu lại trên bãi biển Gold ở Normandy.

“Lỗ hổng” đầu tiên xuất hiện ngay trong Bộ Chỉ huy Tối cao quân Đồng minh ở Luân Đôn. Do làm việc quá căng thẳng, lại nhớ đến người chị đang ốm đau bệnh tật, một thượng sĩ Mỹ gốc Đức không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà đã ghi nhầm địa chỉ nơi nhận trên phong bì công văn. Thay vì gửi đến một đơn vị thuộc lực lượng đổ bộ lên bán đảo Normandy, anh ta đã ghi địa chỉ của chị mình vào phần “nơi nhận”. May mắn thay, gia đình người chị của viên thượng sĩ kia lại có lai lịch rõ ràng, không liên hệ gì với phát xít và sự việc được nhận định là không thuộc chủ ý, nên viên thượng sĩ không bị xử phạt nặng. Tuy nhiên, những người trong gia đình đã đọc công văn trên thì lại “gặp hạn”, không chỉ bị thẩm tra kĩ càng mà mọi lời ăn tiếng nói, nhất cử nhất động đều bị giám sát, điện thoại bị nghe lén, không được rời nơi cư trú. Mãi tới sau D-Day, họ mới được tự do như cũ.

“Lỗ hổng” thứ hai xuất hiện trong một bữa tiệc ở khách sạn Claridge tại Luân Đôn. Do uống quá nhiều, viên sĩ quan chỉ huy thuộc đơn vị không quân số 9 của Mỹ, Thiếu tướng Henry J. F. Miller đã ba lần buột miệng lộ ra thời gian cụ thể diễn ra Chiến dịch Bá vương. Giọng nói vốn bình thường đã to của Miller, giờ lại thêm sự trợ giúp của hơi men khiến cho ai có mặt trong bữa tiệc hôm đó đều nghe rõ mồn một những lời của viên tướng đã chuếnh choáng này. Một may mắn nữa cho Chiến dịch Bá vương là tham dự bữa tiệc hôm đó có một viên sĩ quan tình báo. Sự việc lập tức được báo lên trên. Các biện pháp đảm bảo an toàn lập tức được áp dụng. Sau khi biết chuyện, Tướng Eisenhower đã không chần chừ quyết định giáng quân hàm của Miller từ Thiếu tướng xuống trung tá và ra lệnh cho người bạn học cũ tại trường quân sự West Point này phải rời nước Anh trong vòng 24 giờ, trở về Mỹ.

Một góc khu vực đổ bộ ở Normandy.

“Lỗ hổng” thứ ba đến từ một chuyến taxi. Mang theo tập tài liệu về phương án đảm bảo thông tin liên lạc trong Chiến dịch Bá vương, viên sĩ quan giữ chức phó phòng thông tin thuộc Bộ Chỉ huy Tối cao quân Đồng minh rời nhiệm sở bắt chuyến tàu muộn về nhà. Sau đó, anh ta không thể nhớ rõ là mình đã bị mất tập tài liệu ở đâu, vào thời gian nào. Cho rằng anh ta uống rượu say và đánh rơi tài liệu mật, trưởng phòng thông tin đã ra lệnh cách chức cấp phó của mình. Ai cũng lo lắng, bởi nếu tập tài liệu mật đó rơi vào tay quân địch, Chiến dịch Bá vương chưa đánh đã nhìn thấy thất bại. Khi mọi biện pháp truy tìm tập tài liệu trở nên vô vọng thì họ nhận được điện thoại của phòng quản lý đồ thất lạc của Sở Cảnh sát Luân Đôn thông báo nhận được tập tài liệu bên ngoài đóng dấu “tuyệt mật” và ghi địa chỉ phòng thông tin. Thì ra sau khi xuống tàu ở ga Waterloo, viên phó phòng thông tin bắt taxi về nhà và để quên luôn tập tài liệu trên xe. Người lái xe taxi nhặt được tập tài liệu đã mang đến giao cho phòng quản lý đồ thất lạc của Sở Cảnh sát Luân Đôn.

“Lỗ hổng” thứ tư xuất hiện ở Bộ Tư lệnh lục quân Anh. Một hôm, cửa sổ của văn phòng Bộ Tư lệnh lục quân Anh bị một cơn gió mạnh thổi bật ra. Mười hai trang tài liệu tuyệt mật liên quan đến Chiến dịch Bá vương theo gió cuốn ra ngoài đường phố. Các sĩ quan lập tức ùa cả xuống đường để tìm kiếm. Nhưng nỗ lực tới mấy, họ cũng chỉ thu về được 11 trang tài liệu. Hơn 2 giờ sau, một người mang chiếc kính cận thị dày cộp đến gõ cửa Bộ Tư lệnh lục quân Anh. Gặp nhân viên cảnh vệ, anh ta bảo rằng mình nhặt được một trang tài liệu trên đóng dấu tuyệt mật, nội dung khó hiểu. Nói xong, anh ta trao cho nhân viên cảnh vệ thứ mình nhặt được. Đó chính là trang thứ 12 trong số tài liệu bị gió cuốn.

“Lỗ hổng” thứ năm xuất hiện trong thời gian diễn ra cuộc tập trận quy mô lớn trước D-Day của quân Đồng minh. Một chiếc tàu phóng lôi cao tốc của Đức bất ngờ lọt được vào hạm đội tàu tham gia tập trận của Mỹ và bắn chìm hai tàu đổ bộ chở xe tăng của Mỹ và làm một chiếc khác hư hỏng nặng. Qua điều tra, trên hai chiếc tàu bị bắn chìm có hơn 1.000 người, trong đó 503 người bị mất tích. Trong số những người mất tích có 10 viên sĩ quan biết về bí mật Chiến dịch Bá vương. Nếu không tìm thấy họ sẽ không có cách nào xác định rằng họ có bị rơi vào tay quân Đức hay không và như vậy Chiến dịch Bá vương thực sự trở thành “canh bạc”. Hoạt động tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích được triển khai trên diện rộng. Hai ngày sau, đội cứu hộ đã vớt được xác của 9 viên sĩ quan biết về bí mật Chiến dịch Bá vương. Tối thứ ba, họ tìm thấy nốt xác của viên sĩ quan còn lại bị sóng đánh dạt gần bờ. Tới lúc đó, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.

Những “lỗ hổng” về bí mật Chiến dịch Bá vương sau đó đã được bịt kín, một phần vì nỗ lực của những người trong cuộc, một phần là do ý thức bảo mật của người dân, nhưng không thể không nói tới yếu tố may mắn. Tưởng chừng phá sản tới nơi bởi sai lầm của vài cá nhân, nhưng rốt cuộc mọi sự lại ổn thỏa. Chính vì thế, các nhà lịch sử đã gọi Chiến dịch Bá vương là một chiến dịch vô cùng may mắn, là kỳ tích trong lịch sử chiến tranh.

Gia Hân (Tổng hợp)