12:15 03/12/2010

Cài bẫy Hitler (Kỳ 7)

Trong Chiến dịch Ngoan cường, vai trò của các điệp viên hai mang như Dusko Popov (Tricycle), Nathalie Sergueiew (Treasure), Roman Czerniawski (Brutus) và Joan Pujol (Garbo) đã được sử dụng tối đa để đánh lừa quân Đức, phục vụ cho Chiến dịch Bá vương.

Tháng 6/1944, những đơn vị tinh nhuệ nhất, xe tăng mạnh nhất của Đức Quốc xã được lệnh tập kết tại khu vực Calais ở miền bắc nước Pháp. Trong khi phát xít Đức chuẩn bị cho một trận sống mái với quân Đồng minh tại Calais thì đối phương lại đổ bộ lên bán đảo Normandy, tiến về Pari, phá tan thế bố trí lực lượng của quân Đức. Tại sao quân Đức lại tập kết ở Calais chứ không phải Normandy? Nguyên nhân không nằm ở sự “ấm đầu” của giới tướng lĩnh Đệ tam Đế chế, mà là bởi họ trúng phải kế sách liên hoàn của quân Đồng minh.

Cài bẫy Hitler Kỳ 7: “Quân đoàn ma”

Trong Chiến dịch Ngoan cường, vai trò của các điệp viên hai mang như Dusko Popov (Tricycle), Nathalie Sergueiew (Treasure), Roman Czerniawski (Brutus) và Joan Pujol (Garbo) đã được sử dụng tối đa để đánh lừa quân Đức, phục vụ cho Chiến dịch Bá vương. Hầu hết những tin tức mà họ gửi về cho cơ quan tình báo Đức đều là các “mảnh ghép” tạo nên sự tồn tại của “quân đoàn 1”, dưới sự chỉ huy của Tướng Patton tại Dover (Anh). Trên thực tế, đây chỉ là “quân đoàn ma” do tình báo quân Đồng minh phối hợp dựng lên nhằm làm cho phát xít Đức tin rằng quân Đồng minh sẽ đổ bộ lên Calais thay vì Normandy.

Xe tăng M4 Sherman (trái) và xe tăng M47 Patton bằng cao su rỗng của “quân đoàn ma”.


Để tạo ra “quân đoàn ma”, ban đầu, họ tổ chức cho hơn 300 nhân viên báo vụ hàng ngày trao đổi thông tin cho nhau theo đúng quy định của quân đội Mỹ về liên lạc từ cấp tiểu đoàn đến cấp quân đoàn. Một Bộ Tư lệnh giả cũng được thành lập ở Dover cùng rất nhiều đài vô tuyến kết nối với các đơn vị cấp dưới. Thậm chí, một phần mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Tập đoàn quân 21 thuộc lực lượng đổ bộ quân Đồng minh cũng được chuyển đến Bộ Tư lệnh giả qua sóng vô tuyến, rồi lại tiếp tục được đài vô tuyến ở Bộ Tư lệnh giả chuyển đi.

Dưới bàn tay nhào nặn của tình báo Anh và Mỹ, một hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến cấp quân đoàn được dựng lên một cách hoàn bị với đầy đủ mật danh của từng đài vô tuyến, quy ước liên lạc, quy luật hoạt động. Thói quen tác nghiệp trên sóng và kết thúc phiên liên lạc của từng nhân viên báo vụ cũng được phản ánh rõ nét. Thông qua theo dõi, phân tích và các thủ đoạn phá mã, quân Đức dần dần nắm được đầy đủ phiên hiệu, bố trí lực lượng, tên chỉ huy cũng như khả năng và nhiệm vụ tác chiến của các đơn vị thuộc “quân đoàn 1”.

Kế đó, nhằm che mắt lực lượng trinh sát đường không của Đức, quân Đồng minh còn cho xây dựng ở khu vực đông nam nước này một loạt doanh trại, ống dẫn dầu, kho quân lương, sân bay, máy bay, xe tăng, đại pháo. Đương nhiên, tất cả đều là đạo cụ Hollywood. Thậm chí, để đảm bảo mọi thứ như thật, người Anh còn tạo ra vệt xích xe tăng trên đường, vệt dầu loang trên biển như thể tàu vừa chạy qua và điều một số đơn vị chưa phải làm nhiệm vụ tác chiến đến đóng quân, luyện tập ở Dover.

Một điểm nữa mà tình báo quân Đồng minh cũng tính tới là khi đó hầu hết nhận định đều cho rằng tư lệnh lực lượng đổ bộ không phải Tướng Patton của Mỹ thì là Thống tướng Montgomery của Anh, nên họ đã tương kế tựu kế. Ngày 26/1/1944, Tướng Patton quả thực có mặt tại khu vực đông nam của Anh, thị sát tình hình binh sĩ, gặp gỡ các quan chức địa phương cũng như các nhân vật nổi tiếng thuộc các giới. Mọi hoạt động của Tướng Patton ở Anh đều được làm nổi bật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tháng 4/1944, Tướng Patton xuất hiện tại lễ khai trương một câu lạc bộ, tuyên bố: “Sau khi chiến tranh kết thúc, Anh, Mỹ và Liên Xô sẽ thống trị thế giới”. Nhưng khi đăng báo, lời tuyên bố của Tướng Patton bị “gọt” mất từ “Liên Xô”, nên đã gây ra một cơn sóng gió ngoại giao.

Điều làm mọi người khó hiểu là khi đó là thời chiến, nên chế độ kiểm duyệt báo chí của Anh rất khắt khe, không thể xảy ra hiện tượng “bỏ sót” hàng loạt như vậy được. Chỉ có cách giải thích hợp lý nhất cho việc này muốn thông qua “tuyên bố gây tranh cãi” để nhấn mạnh tới sự có mặt của Tướng Patton ở khu vực đông nam nước Anh, tạo ấn tượng rằng Tướng Patton đúng là Tư lệnh “quân đoàn 1” và ông ta đến khu vực đông nam nước Anh là để chỉ huy các lực lượng đổ bộ. Nếu vậy, Calais sẽ là sự lựa chọn số một của quân Đồng minh.

Tướng Patton kiểm tra binh sĩ tại Anh năm 1944.


Ngoài “quân đoàn ma” của Tướng Patton, tình báo quân Đồng minh còn tạo thêm một “quân đoàn ma” khác đồn trú ở Xcốtlen. Mục đích là nhằm giữ chân lực lượng tác chiến của Đức đóng ở Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan, gồm 27 sư đoàn với tổng cộng 380.000 lính. Trong một hành động phối hợp, người Liên Xô khi đó cũng cố ý để lộ cho người Đức biết rằng họ đang tập kết lực lượng và tàu thuyền, chuẩn bị tấn công Na Uy. Đài BBC của Anh cũng phát đi bản tin kêu gọi người dân ở Na Uy, Thụy Điển chuẩn bị cho khả năng bị tập kích đường không, tích lũy nhu yếu phẩm như lương thực, thuốc chữa bệnh, dầu...

Bên cạnh đó, với sự xuất hiện của Montgomery ở Angiêri, quân Đồng minh cũng đã đạt được mục đích là giữ chân 4 sư đoàn thiết giáp của Đức, không cho chúng rời phía nam sông Loir ở miền tây nước Pháp. Tất cả những động thái đó để ngăn không cho các lực lượng của Đức đến chi viện cho Normandy, giảm áp lực đối với lực lượng đổ bộ của quân Đồng minh ở đây. Đến khi tiếng súng đã vang lên ở Normandy, phát xít Đức vẫn tin rằng đây là hướng tấn công thứ yếu của quân Đồng minh. Các lực lượng đáng ra phải điều động để chi viện cho Normandy vẫn bị chôn chân bởi những lực lượng và thông tin hư cấu của quân Đồng minh. Khi Béclin nhận ra chân tướng sự việc, quân Đồng minh đã thiết lập được thế trận tại Normandy và tổ chức phát triển chiến đấu vào sâu trong tung thâm phòng ngự của quân Đức. Cánh cửa dẫn đến địa ngục của Đệ tam Đế chế mở toang.

Gia Hân
(Tổng hợp)