02:08 24/02/2014

Cách mạng Venezuela đối mặt với những âm mưu lật đổ

Một năm sau sự ra đi vĩnh viễn của Tổng thống Hugo Chavez, người khởi xướng công cuộc cách mạng theo tư tưởng của người anh hùng dân tộc Simon Bolivar từ cách đây hơn một thập kỷ, đất nước Venezuela đang phải trải qua những thách thức lớn lao hơn bao giờ hết...

Một năm sau sự ra đi vĩnh viễn của Tổng thống Hugo Chavez, người khởi xướng công cuộc cách mạng theo tư tưởng của người anh hùng dân tộc Simon Bolivar từ cách đây hơn một thập kỷ, đất nước Venezuela đang phải trải qua những thách thức lớn lao hơn bao giờ hết trước những âm mưu phá hoại, gây bất ổn nhằm lật đổ chính quyền cách mạng thời hậu Chavez của Tổng thống Nicolas Maduro.


Kỳ 1: Kịch bản cũ

 

Từ đầu tháng 2 vừa qua, một bộ phận phe đối lập cánh hữu tại Venezuela, đứng đầu là thủ lĩnh đảng Voluntad Popular (Ý chí nhân dân) Leopoldo Lopez, nghị sỹ quốc hội Maria Corina Machado và Quận trưởng quận thủ đô Caracas Antonio Ledezma, đã phát động một làn sóng biểu tình tại nhiều tỉnh thành của nước này với cái cớ phản đối tình trạng khan hiếm hàng hóa, nạn lạm phát và bạo lực xã hội. Đỉnh điểm của làn sóng căng thẳng xảy ra hôm 12/4, nhân kỷ niệm ngày Thanh niên Venezuela, khi phe đối lập tổ chức các cuộc biểu tình lớn với thành phần chính là tầng lớp thanh niên, sinh viên để tiếp tục gây sức ép buộc chính phủ của Tổng thống Maduro phải rút lui. Các nhóm quá khích trong các đoàn biểu tình của phe đối lập đã đập phá trụ sở của nhiều cơ quan chính quyền ở thủ đô Caracas và các địa phương, phá hoại phương tiện công cộng, bến tàu điện ngầm, xô xát với cảnh sát tham gia giữ gìn trật tự. Bạo động bắt nguồn từ các cuộc biểu tình do các thủ lĩnh đối lập kích động đã khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và gần 100 người bị thương, gây ra một bầu không khí hết sức căng thẳng tại Venezuela trong những ngày qua.

Thủ lĩnh phe đối lập Venezuela Leopoldo Lopez.


Trên thực thế, không khó để nhận thấy đây chính là kịch bản mà phe đối lập đã từng áp dụng cách đây 12 năm (tháng 4/2002), gây ra tình trạng bạo loạn mất kiểm soát trong xã hội Venezuela khiến hàng chục người thiệt mạng dẫn tới cuộc đảo chính và bắt giam Tổng thống lúc bấy giờ Hugo Chavez trong vòng 48 tiếng. Một điểm đáng chú ý nữa là việc thủ lĩnh đối lập Leopoldo Lopez, nhân vật phát động các cuộc biểu tình chống chính phủ lần này, cũng chính là một trong những người đã dẫn đầu đoàn biểu tình tấn công vào Dinh Tổng thống Miraflores trong cuộc đảo chính năm 2002, đồng thời là người đã chỉ huy bắt giữ Bộ trưởng Nội vụ lúc bấy giờ Rodriguez Chacin.


Phe đối lập Venezuela không ngần ngại tuyên bố rằng mục tiêu của các cuộc biểu tình phản đối chính phủ lần này là nhằm “thay đổi chế độ” bằng phương án khác để chấm dứt bước tiến của cách mạng Bolivar trong bối cảnh họ đã không thể thành công trong hai cuộc bầu cử dân chủ trong năm 2013 sau khi nhà lãnh đạo Hugo Chavez qua đời. Leopoldo Lopez và những người đồng quan điểm với ông ta trong phe đối lập cho rằng họ không thể chờ đợi cho đến một cuộc bầu cử mới, có thể là bầu cử quốc hội năm 2015, bỏ phiếu tín nhiệm 2016 hay bầu cử tổng thống 2019, vì khi đó mọi sự có thể khác và cơ hội để phe đối lập trở lại nắm quyền cũng không thực sự chắc chắn. Trong bài phát biểu phát động biểu tình hôm 12/4, Leopoldo Lopez từng hô hào những người ủng hộ tham gia vào cuộc biểu tình với tên gọi “La Salida” (Lối thoát) cho tới khi nào chính phủ của Tổng thống Maduro phải từ bỏ quyền lực. Những lời kêu gọi này đã phần nào kích động tâm lý quá khích của một bộ phận những người biểu tình dẫn tới những vụ đập phá và đụng độ gây thương vong.

Nhóm quá khích phe đối lập tấn công trụ sở Bộ Công cộng hôm 12/4.


Giới quan sát ở Mỹ Latinh đánh giá, việc phe đối lập phát động chiến dịch biểu tình bạo lực, gây bất ổn tình hình an ninh xã hội để tìm cách lật đổ chính quyền cách mạng Bolivar bắt nguồn từ việc chính phủ kế tục những thành quả do cố Tổng thống Hugo Chavez khởi xướng vẫn tiếp tục củng cố được vị thế của mình. Các chính sách kinh tế xã hội của Tổng thống Maduro vẫn kiên định con đường xã hội chủ nghĩa thế kỷ 21 và điều đó cho thấy những hy vọng của phe đối lập về sự tan rã của “Chủ nghĩa Chavez” sau khi nhà lãnh đạo này qua đời vẫn còn xa vời.


Một lý do nữa dẫn tới những hành động chống phá mạnh mẽ của phe đối lập trong thời gian vừa qua chính là sự lớn mạnh của cách mạng Bolivar thời hậu Chavez thông qua hai cuộc bầu cử năm 2013. Trong khi cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 4/2013, một tháng sau khi ông Chavez qua đời, người kế nhiệm Nicolas Maduro chỉ thắng sít sao ứng cử viên duy nhất của phe đối lập Henrique Capriles 1,2 điểm phần trăm thì đến cuộc bầu cử cấp quận, huyện hồi tháng 12/2013, phe chính phủ và những người ủng hộ “Chủ nghĩa Chavez” đã giành thắng lợi cách biệt, vượt qua mọi sự tính toán của phe đối lập.


Tuy nhiên, rõ ràng là phe đối lập Venezuela sẽ không thể đơn phương hành động nếu không có sự hậu thuẫn, kể cả về tài chính và chính trị, khi mà chính phủ cách mạng Bolivar đã lớn mạnh hơn rất nhiều so với những gì đã diễn ra cách đây hơn một thập kỷ…


Hoài Nam (P/v TTXVN tại Cuba)

 

Đón đọc kỳ 2: Bên ngoài can thiệp như thế nào?