04:09 06/04/2020

Cách ly tại nhà vì COVID-19 có làm bùng nổ tỷ lệ sinh sau 9 tháng?

Nhiều người cho rằng tỷ lệ sinh sẽ bùng nổ sau 9 tháng tính từ thời điểm nhiều nước áp dụng biện pháp cách ly tại nhà để phòng chống dịch COVID-19. 

Tuy nhiên, theo kênh CNN (Mỹ), có nhiều lý do để hoài nghi điều đó và các chuyên gia cho rằng mang thai vào thời điểm này là không nên. Khi Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin cảnh báo viễn cảnh kinh tế ảm đạm với tỷ lệ thất nghiệp 20%, những cặp vợ chồng có nghề nghiệp dễ bị ảnh hưởng bởi đại dịch có thể sẽ nghĩ lại về kế hoạch sinh con.

Chú thích ảnh
Mang thai và sinh con trong đại dịch COVID-19 sẽ gặp nhiều rủi ro. Ảnh: Shutterstock

Ngoài ra, còn có lý do nữa khiến tỷ lệ sinh không tăng sau đại dịch COVID-19, đó là khả năng nhiều cặp vợ chồng ly hôn. Một quan chức phụ trách đăng ký kết hôn ở Trung Quốc cho biết các vụ ly hôn liên quan tới cách ly tăng vọt, cho thấy dành nhiều thời gian cạnh nhau trong bốn bức tường nhà có thể có hại cho mối quan hệ vợ chồng hơn là có lợi.

Tuy nhiên, với những cặp vợ chồng hòa hợp và cùng nhau vượt qua đại dịch, họ có chọn thời điểm này để tăng thành viên gia đình?

Tiến sĩ Renee Wellenstein, một chuyên gia y khoa chức năng ở New York, nói: “Tôi cho rằng số lượng trẻ em sẽ không bùng nổ sau 9 tháng nữa”.

Trong tình hình ít nghiêm trọng, ví dụ như bão tuyết, tỷ lệ sinh tăng sau 9 tháng là điều phổ biến ở Mỹ. Bà Wellenstein cho biết ở miền Đông Bắc Mỹ, nhiều trẻ em chào đời vào cuối mùa Hè và mùa Thu.

Các nghiên cứu chứng minh quan sát của bà Wellstein là đúng. Theo nghiên cứu năm 2017 của các nhà khoa học Đại học Texas và Johns Hopkins, các cơn bão nhỏ có thể gây mất điện và có ảnh hưởng tích cực trong tăng tỷ lệ sinh. Tuy nhiên, cơn bão lớn có thể gây chết người hay tàn phá nhà cửa thì lại có ảnh hưởng tiêu cực, làm giảm tỷ lệ sinh.

Học giả Lyman Stone viết trong một bài báo đăng tháng 3 của Viện Nghiên cứu Gia đình: “Ốm đau, cách ly và tử vong đều có ảnh hưởng lớn tới việc thụ thai, mang thai và sinh nở. Nghiên cứu học thuật trước đó chỉ ra rằng các sự kiện có tỷ lệ tử vong cao như nạn đói, động đất, đợt nóng, dịch bệnh đều làm giảm tỷ lệ sinh 9 tháng sau đó”.

Ông Stone đã nghiên cứu xu hướng sinh đẻ sau các thảm họa gần đây, như bão Maria và Katrina ở Mỹ cũng như dịch Ebola năm 2015 ở Liberia, Sierra Leone và Guinea. Kết quả đều cho thấy tỷ lệ sinh giảm đáng kể.

Trái lại, những sự kiện như khủng hoảng tên lửa Cuba và vụ đánh bom thành phố Oklahoma ở Nhật Bản có thể làm tỷ lệ sinh cao hơn, một phần do ảnh hưởng tới tâm lý người Mỹ, khiến các cặp vợ chồng có xu hướng gần nhau hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, tỷ lệ sinh khó có thể tăng sau 9 tháng nữa. Đại dịch hiện nay gây nhiều căng thẳng cho các cặp vợ chồng. Bà Wellenstein nói: “Hứng thú giảm và vòng kinh có thể bị ảnh hưởng. Có thể thụ thai là bất khả thi do vấn đề này”.

Chú thích ảnh
Không có nhiều dịch vụ chăm sóc thai phụ trong đại dịch COVID-19. Ảnh: CNN

Với những người vẫn muốn sinh con thì bà Wellenstein cho rằng hoàn toàn không nên vì rất nhiều điều ta còn chưa biết về COVID-19. Bà khuyên: “Bạn có thể trì hoãn thụ thai và mang bầu”.

Có nhiều yếu tố rủi ro, trước hết là không có dịch vụ chăm sóc thai phụ ở nhiều khu vực vì các bệnh viện đều ưu tiên nguồn lực để giúp bệnh nhân COVID-19.

Với phụ nữ đã mang thai trước đó, mỗi lần tới bệnh viện trong đại dịch sẽ tăng thêm rủi ro mắc bệnh. Bà Wellenstein nói: “Việc mắc bệnh truyền nhiễm trong thời kỳ mang thai sẽ không tốt vì có thể gây tác động tiềm tàng với đứa trẻ. Phải vào viện khiến thai phụ gặp rủi ro”.

Dù khoa học chưa kết luận về việc truyền virus SARS-CoV-2 qua nhau thai nhưng không ai đủ dũng cảm để thử rủi ro. 

Nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí Nhi khoa JAMA cho thấy trong 33 phụ nữ mang thai nhiễm SARS-CoV-2 thì chỉ có ba người sinh ra đứa trẻ xét nghiệm dương tính trong tuần đầu tiên. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ba em bé nhiễm virus sau khi sinh ra chứ không phải từ trong bụng mẹ.

Tiến sĩ Andrew Whitelaw, giáo sư danh dự y khoa sơ sinh tại Đại học Briston, nói: “Vì mọi trẻ sơ sinh đều có xét nghiệm nước ối và máu ở dây rốn âm tính với COVID-19 nên đây là bằng chứng cho thấy virus không truyền từ mẹ sang bào thai qua nhau thai”. 

Tuy vậy, các bác sĩ vẫn lo về khả năng mẹ khiến con nhiễm virus sau khi sinh. Tiến sĩ Leana Wen, cựu thành viên y tế tại thành phố Baltimore, cho biết bà sợ nhiễm bệnh và lây cho con. Bà Wen mang thai 39 tuần và cho biết sẽ đeo khẩu trang khi sinh con. Bà cho biết nếu con sinh ra đã ốm thì sẽ ốm nặng do chưa có hệ miễn dịch hoàn chỉnh và trẻ sơ sinh rất yếu ớt.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị ngăn cách bà mẹ nhiễm virus và con mới chào đời.

Hiện vẫn còn quá sớm để dự báo về tỷ lệ sinh sau đại dịch COVID-19. Vẫn chưa ai biết đại dịch năm nay có lặp lại hay không và tác động thế nào tới người trẻ cũng như kinh tế toàn cầu.

Lịch sử cho thấy tỷ lệ sinh tăng vọt sau thảm kịch. Ví dụ như Mỹ có cả một thế hệ Baby Boom sinh từ năm 1946 đến 1964 sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Các học giả cho rằng có nhiều nguyên nhân nhưng nhìn chung đều cho rằng sau biến động như Đại Suy thoái hay Chiến tranh Thế giới thứ hai, các cặp vợ chồng thấy tình hình khả quan hơn và có thể nuôi con khi nền kinh tế thịnh vượng, bình ổn sau chiến tranh.

Mặc dù Giáo sư Stone cho rằng COVID-19 có thể khiến tỷ lệ sinh sụt giảm trong ngắn hạn nhưng ông cho rằng tỷ lệ này có thể bật tăng trở lại trong một tới 5 năm tới. Còn bà Wellenstein thì cho rằng tỷ lệ mang thai có thể tăng sau vài tháng đại dịch kết thúc.

Thùy Dương/Báo Tin tức