03:22 04/03/2020

Cách ly ngay những người trên chuyến bay có bệnh nhân COVID-19, diễn tập phòng chống dịch toàn quân

Trước tình hình dịch COVID-19 đang hết sức phức tạp hiện nay, cả nước tiếp tục kiên định các nguyên tắc, phương châm chống dịch nhưng phải có chiến thuật linh hoạt, phù hợp, lường trước các tình huống mới.

Chú thích ảnh
Chiều tối 4/3, tỉnh Ninh Bình tiếp nhận thêm và cách ly tập trung 177 người từ Hàn Quốc trở về Việt Nam. Ảnh: Đức Phương/TTXVN.

Ngay trong chiều 4/3, khi có thông tin một hành khách người Nhật Bản dương tính với virus SARS-CoV-2 khi bay trên chuyến bay VN814 của Vietnam Airlines, Việt Nam đã thực hiện cách ly tập trung ngay với 51 hành khách Việt Nam (trong đó có 1 trẻ em) và toàn bộ tổ bay.

Được biết, ngày 3/3, trên chuyến bay VN814 từ Siem Reap về TP Hồ Chí Minh (REP-SGN), khai thác bởi Vietnam Airlines, vận chuyển 73 hành khách; có 1 hành khách ngồi ghế 33D, chuyển tiếp chuyến bay (transit) đi Nagoya trên chuyến bay VN340, số ghế ngồi 2C giờ cất cánh 01:19 (giờ Việt Nam), khi đáp xuống tại Nhật đã có biểu hiện sốt và được Y tế Nhật kiểm tra sức khoẻ. Kết quả kiểm tra dương tính với virus SARS-CoV-2.

Cùng ngày, tại cuộc diễn tập phòng, chống dịch COVID-19 trong toàn quân do Bộ Quốc phòng tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu lên 5 điểm mới cần lưu ý trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Trước hết là tình huống từ một tâm dịch nay dịch bệnh COVID-19 đã xuất hiện thêm nhiều tâm dịch, lây lan rộng ra cộng đồng. Do vậy, các lực lượng phải lường trước, chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống có thể xuất hiện thêm ca nhiễm COVID-19 mới tại Việt Nam, nếu có. Dù xác định hay không xác định được nguồn lây nhiễm, các cấp bộ, ngành và địa phương đều phải nhanh chóng cách ly, điều trị kịp thời, khoanh vùng triệt để, tránh lây lan rộng ra cộng đồng.

Nếu giai đoạn trước, cả hệ thống chính trị tập trung vào ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ bên ngoài, thì hiện nay dịch bệnh đã lan rộng ra hàng chục nước nên bên cạnh việc tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn, thì cần chuyển sang giai đoạn phát hiện sớm các ca nhiễm tại cơ sở y tế, cộng đồng để kịp thời điều trị, khoanh vùng, dập dịch triệt để.

Tình huống sẽ thiếu các loại vật tư y tế, trang thiết bị, thuốc điều trị COVID-19 ở quy mô toàn cầu phải được tính đến để có phương án chuẩn bị các phương tiện, vật tư thay thế, không để bị động.

“Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới cần kiên định, kiên trì theo các phương châm chỉ đạo, nguyên tắc chống dịch đã đề ra nhưng sách lược chiến thuật thì thay đổi phù hợp với tình hình”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tiếp tục tăng cường năng lực cơ sở vật chất dự phòng trang thiết bị vật tư; năng lực phát hiện, cách ly, điều trị ngay tại y tế cơ sở với sự hỗ trợ của các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành bằng các ứng dụng công nghệ thông tin…

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến 18h ngày 4/3,  cả nước có 16.191 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe. Số xét nghiệm âm tính là 1.830 trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 (có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch).

Thực tế phòng, chống dịch vừa qua, điển hình là khoanh vùng, cách ly tại xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) cũng cho thấy cơ chế phối hợp liên ngành cần nhuần nhuyễn hơn nữa. Phó Thủ tướng cũng lưu ý, dịch bệnh COVID-19 là dịch bệnh mới nên chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, xem xét lại cơ chế phối hợp và kể cả văn bản pháp luật, từ đó đúc kết, rút kinh nghiệm, sửa đổi các văn bản pháp luật cho phù hợp với tình hình mới; xây dựng các kịch bản, phương án, cơ chế điều hành khi có dịch bệnh trong tương lai.

Tại buổi tiếp Đoàn doanh nghiệp (DN) thuộc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (US-ABC) do ông Alex Feldman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành US-ABC dẫn đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng việc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vừa đưa Việt Nam khỏi danh sách các khu vực có nguy cơ lây nghiễm COVID-19; khẳng định Việt Nam nỗ lực, kiên quyết thực hiện các biện pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh, nhờ đó đến nay đạt kết quả hết sức tích cực, Việt Nam là quốc gia an toàn.

Cũng trong ngày 4/3, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh và Bộ Chỉ huy quân sự 8 tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Lâm Đồng, Long An), Sư đoàn 5, Sư đoàn 302 và Sư đoàn 317 đã tham gia diễn tập phòng chống dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, dịch COVID-19 tác động chủ yếu đến ngành chế biến, chế tạo; cùng với đó là ảnh hưởng tiêu cực đến những ngành sản xuất, xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên, vật liệu, phụ kiện xuất xứ từ Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư, sản xuất ở Việt Nam. Dự báo, hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ còn gặp khó khăn sang đến quý II/2020. Trước tác động này, các bộ, ngành, doanh nghiệp đang tiếp tục nỗ lực triển khai các giải pháp để ổn định sản xuất, kinh doanh.

V.T/Báo Tin tức