11:06 11/11/2014

Cách làm mới về sách giáo khoa phổ thông

Một chủ đề thời sự giáo dục đang được bàn luận nhiều hiện nay là “Đề án đổi mới chương trình - SGK phổ thông”. Dù vẫn còn ý kiến khác nhau về một số công việc cụ thể, nhưng đội ngũ trí thức và các nhà sư phạm đều nhất trí cho rằng...

Một chủ đề thời sự giáo dục đang được bàn luận nhiều hiện nay là “Đề án đổi mới chương trình - SGK phổ thông”. Dù vẫn còn ý kiến khác nhau về một số công việc cụ thể, nhưng đội ngũ trí thức và các nhà sư phạm đều nhất trí cho rằng triết lý giáo dục mới và cách làm mới là những bước tiến bộ không thể phủ nhận của đề án này.

Hướng đi rõ ràng


Những bất cập của nền giáo dục nước ta đã được bàn luận và phân tích trong thời gian khá lâu như: Quá tải, nhồi nhét kiến thức, không hiệu quả, nặng lý thuyết, nhẹ thực hành, nặng dạy chữ, nhẹ dạy người,… Ngành giáo dục và đâu đó từng địa phương, cơ sở giáo dục, đã có những nỗ lực để khắc phục các hạn chế trên, nhưng vẫn mang tính lẻ tẻ và thiếu triệt để. Đổi mới theo nhiều khuynh hướng, nhiều quan điểm khác nhau, cũng đã được tiến hành. Nhưng mãi gần đây, tư tưởng của Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã soi đường nên “Đề án đổi mới Chương trình - SGK” lần này xác định được một phương diện lý luận chắc chắn, vạch ra cho giáo dục một hướng đi mới rất rõ ràng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận nhiều lần nhấn mạnh: Mục tiêu của đổi mới giáo dục lần này là phải chuyển hẳn từ trang bị kiến thức, sang phát triển năng lực toàn diện cho người học.

GS Hồ Ngọc Đại bày tỏ: “Trong xã hội hiện đại, nguyên tắc giáo dục là mọi cá nhân phải được tôn trọng như nhau. Tôi rất đồng tình với phát biểu của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khi ông nói giáo dục phải chuyển từ việc dạy lớp 40 em, sang dạy 40 em một lớp. Tức là phải dạy từng em trong một lớp. Điều đó có nghĩa là phải thấy được sự khác biệt các em với nhau. Mỗi em có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Giáo dục cần phát huy năng lực phẩm chất của từng cá nhân”.

GS Hoàng Tụy cũng đã từng lên tiếng trước công luận: “Bây giờ không thể đào tạo con người thụ động mà phải đào tạo con người có tinh thần độc lập, có đầu óc phê phán, trung thực, con người luôn luôn cởi mở với cái mới - có như vậy con người mới sáng tạo được. Triết lý này trong nhiều năm thảo luận còn có ý kiến khác nhau nhưng cuối cùng thì đã đồng thuận.”

Khi việc truyền thụ và trang bị kiến thức không còn là mục tiêu duy nhất và cao nhất, “Đề án đổi mới Chương trình - SGK” lần này đặt vấn đề phải xây dựng chương trình trước, coi đây là căn cứ pháp lý, còn việc biên soạn SGK là việc làm tiếp sau đó. Nội dung viết SGK cũng quan trọng, nhưng không còn là thứ duy nhất và cao nhất mà mọi hoạt động dạy và học trong nhà trường phải hướng tới và học sinh phải học thuộc lòng như trước đây. Mục tiêu cao hơn là thông qua các bài học trong SGK ấy học sinh tự chắt lọc, rút ra bài học, từ đó hình thành năng lực và phẩm chất cho bản thân.

PGS.TS đại tá Trần Đình Tuấn - Phó Trưởng khoa Sư phạm Quân sự, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng cho rằng theo triết lý mới này ở trong nhà trường, các thầy cô có thể sẽ cung cấp cho các em kiến thức không đầy đủ để buộc người học phải xử lý và tìm xem đâu là kiến thức đúng, đâu là kiến thức nhiễu. Cuối cùng các em sẽ đưa ra chính kiến của mình. Với phương pháp này, PGS.TS Tuấn tin là người học sẽ phát triển được năng lực của mình.

Một chương trình, nhiều sách giáo khoa


Một bước tiến bộ mới của lãnh đạo ngành giáo dục khi xác định hướng thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông lần này là xây dựng Một chương trình - nhiều SGK. Đây là quyết định mang tính dân chủ, xóa bỏ tư tưởng dộc quyền SGK đã tồn tại lâu nay. Bởi chỉ có với cách làm dân chủ ấy, mới phát huy được trí tuệ của toàn bộ xã hội.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa; trong đó chỉ có chương trình là mang tính pháp lý; sách giáo khoa là một tài liệu quan trọng nhưng không có tính pháp lý. Chủ trương này mang lại nhiều lợi ích vì huy động được nhiều trí tuệ của các nhà xuất bản, các tổ chức và cá nhân có năng lực tham gia biên soạn sách giáo khoa; tạo ra nhiều nguồn thông tin đa dạng và phong phú, nhiều cách tiếp cận, nhiều cách thức tạo ra sách giáo khoa; tạo cơ hội có nhiều sách giáo khoa phù hợp với từng vùng miền, đặc điểm của từng địa phương, tránh được hiện tượng độc quyền; tạo ra được sự cạnh tranh trong biên soạn, in ấn, phát hành, kinh doanh… sách giáo khoa”.

Thật ra không phải đợi đến khi pháp luật cho phép mà ngay trong thực tế 3 năm gần đây, với tinh thần dân chủ và coi trọng tri thức, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép mở rộng thí điểm áp dụng thêm một bộ SGK tiếng Việt theo công nghệ giáo dục vào dạy học lớp 1, mang lại hiệu quả cao giúp trẻ em dân tộc nhanh tiếp cận tiếng Việt, đem lại niềm vui mỗi ngày tới trường cho nhiều trẻ em. Quyết định này cũng xóa bỏ thế độc quyền duy nhất một bộ SGK tồn tại hàng chục năm qua. Chủ trương mở rộng dân chủ trong tư tưởng, học thuật, trong môi trường sư phạm, giáo dục tiếp tục được phát huy khi Bộ chỉ đạo thực hiện đổi mới Chương trình - SGK lần này.

Tuy vẫn còn nhiều việc cần suy tính cụ thể tiếp như: Cách thức thẩm định các bộ SGK sao cho công bằng, cách kế thừa và phát triển tri thức sao cho hiệu quả, tiết kiệm… nhưng với tư tưởng triết lý mới và với cách làm mới - dân chủ, tiến bộ, ở tầm quyết định cao nhất là hoạch định đường lối, “Đề án Chương trình - SGK” được trình tại Quốc hội lần này đã cho thấy những căn cứ tin cậy để có thể thực hiện thành công, tạo nên những bước chuyển chắc chắn, cơ bản cho thấy đổi mới giáo dục phổ thông giai đoạn tới sẽ đi đúng hướng và theo kịp thời đại.

Gia Huy