10:06 17/10/2017

Cách bảo vệ đồ đạc khi bị dính nước trong mùa mưa lũ

Mấy ngày nay, trời mưa gió thường xuyên khiến nhiều nơi bị ngập lụt. Vậy phải làm sao nếu đồ đạc trong nhà bị thấm nước?

1. Đồ gỗ

Đồ dùng bằng gỗ sẽ nhanh chóng hư hỏng nếu bị ngâm nước quá lâu. Đặc biệt là gỗ công nghiệp, quá trình mục rữa sẽ xảy ra nhanh hơn nhiều.

Ảnh minh họa.

Để "cứu nguy" cho đồ gỗ bị thấm nước, đầu tiên bạn nên tìm đến các loại dung dịch chuyên dụng để tẩy rửa, lau chùi sạch sẽ. Sau đó để chúng khô tự nhiên và dùng vecni để chống ẩm và mối mọt.

Một lưu ý là bạn tuyệt đối không được phơi đồ gỗ dưới trời nắng gắt vì nó sẽ khiến món đồ của bạn bị phồng rộp, nứt mặt, hư hỏng.

2. Vật dụng có khả năng thấm hút cao

Ghế sofa bằng vải, chăn đệm hoặc những vật dụng khác có khả năng thấm hút cao sẽ rất khó làm sạch nếu như bị thấm nước, ẩm. Nếu không kịp thời làm sạch, chúng sẽ là môi trường lý tưởng cho nấm mốc gây mùi và vi khuẩn sinh sôi, ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình bạn.

Để khắc phục điều này, bạn cần phải giặt tẩy chúng bằng dung dịch chuyên dụng và làm khô hoàn toàn. Tuy nhiên, để tốt hơn, bạn nên đem chúng đến các cơ sở cung cấp dịch vụ làm sạch chuyên dụng vì họ sẽ có đầy đủ dụng cụ làm sạch món đồ của bạn một cách tốt nhất.

3. Quần áo

Quần áo là món dễ dàng xử lý nhất khi bị thấm nước. Bạn có thể phân loại quần áo và giặt chúng như bình thường nếu quần áo chỉ bị thấm nước nhẹ. Nhưng nếu chúng bị ngấm nước nặng hay dính quá nhiều bùn đất, hãy dùng chất tẩy rửa có tính khử trùng để giặt qua chúng, sau đó ngâm qua đêm với bột giặt và giặt lại bằng máy giặt bình thường.

4. Giày dép

Trước khi làm sạch, bạn cần phân loại giày dép của mình. Giày vải: Cần loại bỏ sạch bùn đất bám trên giày, ngâm chất khử trùng và sử dụng bột giặt để giặt. Cuối cùng, để khô và sạch khuẩn, bạn nên phơi khô dưới nắng.

Giày da: Với loại giày đắt tiền và dễ hư hỏng này, bạn hãy dùng khăn ẩm nhẹ lau sạch bùn đất, sau đó thấm hoặc để khô tự nhiên trong gió (tuyệt đối không phơi dưới nắng gắt). Cuối cùng dùng xi chuyên dụng để đánh lại cho thật sạch đẹp.

5. Đồ da

Để xử lý tốt cho những món đồ da đắt đỏ bị thấm nước, bạn nên thấm sạch nước cả trong và ngoài của món đồ bằng khăn bông, sau đó để khô tự nhiên (tuyệt đối không được phơi nắng hoặc dùng máy sấy vì nó sẽ khiến da bị cứng hoặc rạn nứt, làm hư hỏng món đồ của bạn). Khi đồ đã khô hoàn toàn, để bảo quản được tốt hơn, bạn hãy dùng xi mềm đánh lên toàn bộ bề mặt da một lần.

                                                                                 Ảnh minh họa

Một mẹo nhỏ cho bạn để lớp xi lên đẹp và "mướt" hơn, đồng thời chống nấm mốc là dùng vải mịn hoặc mút loại mềm nhúng vào dung dịch dấm ăn, hoặc cồn pha loãng với nước ấm lau nhẹ lên bề mặt da trước khi đánh xi.

6. Các món đồ điện gia dụng

Để xử lý đồ điện gia dụng (tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh, điện gia dụng,...) bị thấm nước, bạn phải cần nhờ đến các chuyên gia sửa chữa hay các thợ điện lành nghề càng nhanh càng tốt để họ kịp thời sấy khô từng chi tiết bên trong thiết bị. Tuyệt đối không được sửa tại nhà vì có thể gây chập điện, cháy nổ, làm hỏng thiết bị vĩnh viễn, thậm chí gây nguy hiểm cho chính bạn.

7. Sách vở, tranh ảnh, tài liệu (vật dụng làm từ giấy)

Sách vở, tranh ảnh, tài liệu quan trọng mà bị thấm nước thì quả là "ác mộng". Đối với sách hay tài liệu, nếu không có thời gian để xử lý ngay, bạn có thể tạm thời cho chúng vào ngăn đông của tủ lạnh (cần lưu ý để giấy sáp hay giấy nến ở giữa các trang), cách làm này sẽ làm chậm đi quá trình phân hủy của sách.

Khi có thời gian, bạn hãy áp dụng cách sau để làm khô tranh ảnh, sách vở, tài liệu của mình:

- Đối với sách vở hay tài liệu: Đặt chúng trên bề mặt khô thoáng và sạch sẽ. Nhẹ nhàng lật liên tục để nó có thể khô bớt. Sau đó dùng khăn giấy phủ lên từng trang còn ẩm và dùng bàn ủi (bàn là) ở mức nhỏ nhất để chúng được khô hoàn toàn.

- Đối với những bức ảnh hoặc phim: Đặt giấy thấm ở dưới và để bức ảnh ngửa lên trên, tránh chạm vào bề mặt ảnh vì nó sẽ làm ảnh bị nhòe. Sau đó để nó khô tự nhiên.

Ngoài ra để bảo vệ an toàn cho bạn vào mùa mưa lũ, nên kiểm tra các đường dây điện, đường dẫn khí gas trước khi sử dụng.

H.Dương/Báo Tin Tức (tổng hợp)