06:05 28/06/2014

Các yếu tố tác động chính sách đối ngoại Indonesia

Trong thập kỷ qua, dưới sự điều hành của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, chính sách đối ngoại của Indonesia đã góp phần nâng cao vai trò của quốc đảo trong khu vực và trên toàn cầu.

Trong thập kỷ qua, dưới sự điều hành của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, chính sách đối ngoại của Indonesia đã góp phần nâng cao vai trò của quốc đảo trong khu vực và trên toàn cầu. Tham gia tích cực tại các diễn đàn quốc tế, tăng trưởng kinh tế tương đối cao đã đưa quốc gia vạn đảo trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới và được coi là "quốc gia quyền lực tầm trung".

 

Các đại biểu dự Hội nghị quan hệ đối tác chính phủ mở (OGP) khu vực châu Á -Thái Bình Dương tại Indonesia ngày 5/5.Ảnh: AFP/TTXVN

 

Xung quanh vấn đề này, báo "Bưu điện Jakarta" số ra mới đây có bài "Đánh giá lại chính sách đối ngoại Indonesia" của tác giả Ferry Akbar Pasaribu thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia. Tác giả cho rằng chính sách đối ngoại của Indonesia trong thời gian tới cần tính tới những yếu tố hết sức quan trọng sau:
Tình hình khu vực và toàn cầu đang chứng kiến một số thay đổi quan trọng, trong đó các tranh chấp biên giới giữa các thành viên ASEAN cũng như giữa các thành viên ASEAN với các nước thứ ba không được giải quyết dứt điểm. Rõ ràng, nguyên tắc "không can thiệp vào công việc nội bộ" là một trong những nguyên nhân cơ bản ngăn cản ASEAN đưa ra cơ chế giải quyết xung đột mang tính ràng buộc pháp lý, trong khi ASEAN vẫn chưa thiết lập được cơ chế để tăng cường hỗ trợ các thành viên đang đối mặt với xung đột, lợi ích quốc gia bị đe dọa.


Ngoài ra, Trung Quốc đã trở nên "tự tin hơn" khi coi mình là nhân tố quan trọng trong mối quan hệ địa chính trị - kinh tế khu vực và toàn cầu. Trước đây, Trung Quốc đánh giá ASEAN là đối tác mang lại nhiều lợi ích, phản chiếu hình ảnh cường quốc đang "trỗi dậy hòa bình" nên theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với khối này. Tuy nhiên, Trung Quốc đã thay đổi nhiều trong 5 năm qua và đã được coi là quyết đoán hơn. Trung Quốc quyết định hạ đặt giàn khoan ở vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cho thấy nước này không còn do dự thách thức phá vỡ "nguyên trạng" ở khu vực. Tuyên bố về cách ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng đã không ngăn cản được Trung Quốc từ bỏ những hành động đơn phương vốn có thể khiến ASEAN xa lánh.


Nhà ngoại giao Ferry Akbar Pasaribu nói rằng những thay đổi này tác động lớn tới Indonesia, quốc gia đang phát triển với dân số lớn, kinh tế tăng trưởng cao trong thời gian dài với mục tiêu vươn lên trở thành nước phát triển. Tuy nhiên cho đến nay, Indonesia vẫn cần sự hỗ trợ của nước ngoài như: công nghệ, dịch vụ, đầu tư và tiếp cận thị trường để phục vụ mục tiêu phát triển. Điều này lý giải tại sao chính sách đối ngoại cần được thúc đẩy trong thời gian tới. Về song phương, Indonesia cần phải tăng cường quan hệ kinh tế với các nước trong khu vực để đảm bảo đem lại nhiều lợi ích cho cả Indonesia và khu vực. Indonesia cũng nên tăng cường tham gia trong Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) để thúc đẩy dòng chảy tự do thương mại, vốn, dịch vụ và công nghệ trong khu vực.


Hơn nữa, mục tiêu phát triển kinh tế của Indonesia sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu khu vực không ổn định về chính trị. Những tiến triển đáng lo ngại tại Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Indonesia, chẳng hạn như tuyên bố "đường 9 đoạn" của Trung Quốc bao trùm Biển Đông, chồng lấn một phần lãnh thổ trên biển của Indonesia tại khu vực Natuna. Rất có thể Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách hiện tại trong khu vực nếu không có sự răn đe đáng tin cậy. Nhật Bản - với sự ủng hộ của Mỹ, xác định Biển Đông đóng vai trò huyết mạch đối với nền kinh tế - sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh với các nước ASEAN, để bảo đảm các tuyến đường giao thông trên biển. Chính sách này có thể được chào đón bởi các nước ASEAN nhưng chắc chắn không được Trung Quốc hoan nghênh.


Tác giả kết luận rằng, với những nhân tố trên, Indonesia cần xây dựng vị thế quốc gia có "sức nặng mặc cả" thông qua vai trò lãnh đạo, đưa ASEAN trở thành khu vực thịnh vượng và gắn kết. Với sự hỗ trợ của một ASEAN vững mạnh, quốc đảo này sẽ trở thành đối tác quan trọng để duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng khu vực.


Trần Hiệp