11:13 27/11/2017

Các vụ bạo hành trẻ em phần lớn từ người thân, người chăm sóc trẻ

Liên quan đến vụ bạo hành trẻ em tại cơ sở mầm non tư thực Mầm Xanh (quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh), ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết: Ở Việt Nam, những vụ bạo hành trẻ em phần lớn do người thân như cha mẹ, cô giáo, bảo mẫu gây ra.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em.

Theo Cục Trẻ em, tổng hợp thông tin từ báo chí và các cuộc gọi đến Tổng đài tư vấn trẻ em, đa số các cuộc bạo hành lại do chính người chăm sóc trẻ gây ra. Nguyên nhân do những người chăm sóc trẻ em thiếu kiềm chế và thiếu tôn trọng đứa trẻ và thường trút cơn nóng giận lên đứa trẻ.


“Xu hướng các vụ bạo hành trẻ em tăng lên thời gian gần đây do người trực tiếp chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về pháp luật. Luật Trẻ em có hiệu lực từ 1/6/2017 và các văn bản pháp luật khác quy định xử lý nặng hành vi xâm hại trẻ em. Trẻ càng nhỏ, mức độ xử phạt càng tăng. Nhiều người bạo hành trẻ em khi đối diện với mức xử phạt theo quy định pháp luật thì đã muộn”, ông Đặng Hoa Nam cho biết.


Tiếp đến là nguyên nhân những người trực tiếp gần gũi với trẻ thiếu kỹ năng làm việc với trẻ. Rất nhiều cha mẹ thiếu kỹ năng chăm sóc trẻ. Đối với giáo viên, nhất là các cơ sở mầm non tư thục, ngoài trang bị kiến thức về dạy, chăm sóc trẻ về dinh dưỡng, phát triển thể chất, thì cũng cần có kỹ năng bảo vệ trẻ. "Những ai đã chấp nhận làm nghề chăm sóc trẻ thì khi đến lớp cũng phải để ngoài bực dọc lo âu từ gia đình, xã hội để không xâm hại cho trẻ", ông Nam nhận xét.


Để hạn chế bạo hành trẻ em, các trường thực hiện công tác phòng ngừa qua việc theo dõi giám sát môi trường chăm sóc trẻ. Đối với gia đình, cha mẹ cần tổ chức các lớp kỹ năng chăm sóc trẻ. Tại các trường sớm có lớp tham vấn tâm lý học đường cho cả học sinh và giáo viên để có điều chỉnh tốt hơn, nhất là khi phát hiện có sang chấn tâm lý để trị liệu sớm.


Việc bảo vệ không xâm hại trẻ em tại các cơ sở giáo dục trách nhiệm trước tiên thuộc về Bộ Giáo dục- Đào tạo. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 80 về xây dựng môi trường thân thiện trong học đường. Về chính quyền địa phương, cần nhanh chóng triển khai mô hình bảo vệ chăm sóc trẻ em khi bị bạo hành tại gia đình, chuyển tuyến. Thực tế, khi có Nghị định 56 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, sự phối hợp giữa công an, chính quyền địa phương với ngành lao động và giáo dục đã tốt hơn khi có phản ánh các vụ việc xâm hại trẻ em. Như vụ việc trẻ em bị bạo hành tại xã Vĩnh Hòa Phú (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), nhờ tổng đài hỗ trợ chăm sóc trẻ em kết nối tư vấn, các bước can thiệp đã làm theo đúng Nghị định 56 Chính phủ hướng dẫn. Huyện Châu Thành đã thành lập Hội đồng và cách ly từng bước theo diễn biến tâm lý của trẻ và môi trường chăm sóc trẻ…


“Bên cạnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về trẻ em, Cục Trẻ em đang triển khai tư vấn từng trường hợp. Ngay sau khi thông tin báo chí đăng tải về vụ bạo hành trẻ em tại cơ sở Mầm Xanh, Cục Trẻ em liên hệ với Bộ Giáo dục Đào tạo và địa phương áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em như đóng cửa cơ sở, chuyển trẻ em sang các lớp khác, đồng thời đề nghị địa phương hướng dẫn đưa trẻ em bị bạo hành tới các trung tâm xã hội sàng lọc tâm lý để được tư vấn”, ông Đặng Hoa Nam cho biết.


XC/Báo Tin tức