Trước nhu cầu lớn về tuyển dụng nhân lực làm việc cho ngành Công nghệ ô tô, hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã mở và đào tạo ngành này.
Đáp ứng nhu cầu thị trường
Theo khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng với nghề Công nghệ ô tô từ các showroom, cửa hàng bảo dưỡng ô tô là rất lớn. Nắm bắt nhu cầu thị trường lao động, các trường cao đẳng, trung cấp liên tục tuyển sinh nhân lực trong lĩnh vực này.
Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội Nguyễn Hằng Nga cho biết: Nhà trường đã mở và đào tạo ngành Công nghệ ô tô trình độ sơ cấp và đang phối hợp với Công ty TNHH và Dịch vụ Motorcycles TV để mở trung tâm đào tạo, sửa chữa ô tô, xe điện, xe máy ứng dụng công nghệ cao, với các mục tiêu: Tăng cường khả năng ứng dụng sát với thực tế trong công tác đào tạo của trường.
"Hiện nay, Trường có một số ngành liên quan như: Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ kỹ thuật điện và điện công nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp có thể ra làm ở một số bộ phận của công ty sản xuất và lắp ráp ô tô. Vì vậy, định hướng của nhà trường tới đây sẽ mở thêm ngành Công nghệ ô tô trình độ trung cấp và cao đẳng để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và người học. Việc mở Trung tâm Đào tạo sửa chữa ô tô, xe điện, xe máy ứng dụng công nghệ cao nằm trong Khoa điện lạnh sẽ là bước khởi đầu đáp ứng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này”, bà Nguyễn Hằng Nga cho biết.
Đại diện doanh nghiệp hợp tác với Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, ông Nguyễn Thạch Lân, Giám đốc kỹ thuật và là người sáng lập Công ty TNHH và Dịch vụ Motorcycles TV chia sẻ: Đơn vị đã có thời gian hình thành, hoạt động khoảng 7 năm và nhận thấy, nhu cầu nhân lực của thị trường Việt Nam hơn 100 triệu dân về Công nghệ ô tô rất lớn. Ngay khi khai trương Trung tâm, trường đã phối hợp với hơn 200 cửa hàng sửa chữa ô tô, xe máy giới thiệu những ứng dụng công nghệ mới...
Theo ông Nguyễn Thạch Lân, các em học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp nghề Công nghệ ô tô, ngoài việc làm ở những nhà máy lớn, có thể chọn showroom, cửa hàng bảo dưỡng sửa chữa ô tô hoặc tự khởi nghiệp mở cửa hàng riêng.
Bà Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết, mùa tuyển sinh năm 2024, ngành Công nghệ ô tô của trường đã tuyển được hơn 550 sinh viên, vượt chỉ tiêu. Số sinh viên đăng ký học nghề Công nghệ ô tô chiếm gần 40% số sinh viên đăng ký của trường. Đáp ứng nhu cầu thị trường, trường có liên kết đào tạo về xe điện, phối hợp đào tạo về xe tự lái qua công ty du lịch.
Còn ông Trần Việt Hùng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội cho biết: Đợt tuyển sinh năm học mới này, Khoa Công nghệ ô tô tuyển được 360 em, vượt chỉ tiêu giao. Trường đào tạo mảng mới liên quan đến xe điện; đồng thời, vẫn duy trì chiến lược liên kết với doanh nghiệp đào tạo sơn xe công nghệ Đức theo tiêu chuẩn châu Âu.
Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hôi) cho rằng: Việc các trường liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo là hướng đi đúng cần phát huy để cập nhật công nghệ mới, qua đó giúp học sinh, sinh viên được thực hành, nâng cao kỹ năng để ra trường có thể làm việc được ngay.
Thu nhập ổn định
Những năm gần đây, ngành ô tô vẫn đang tiếp tục phát triển. Các nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước vẫn tiếp tục tuyển nhiều nhân sự học ngành nghề Công nghệ ô tô để làm việc tại vị trí dịch vụ sau bán hàng; sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng ô tô... Theo thời gian, ô tô sẽ phải sửa chữa, bảo dưỡng, đó cũng là cơ hội việc làm cho những người học ngành Công nghệ ô tô.
Ngành Công nghệ ô tô có chương trình đào tạo chuyên sâu với các nội dung như: Sơn ô tô, chẩn đoán hệ thống điện thân xe, điều khiển động cơ, hệ thống gầm, sửa chữa hệ thống điều hòa và công nghệ xe điện Hybrid.
Một trong những lý do nghề Công nghệ ô tô thu hút được đông học sinh, sinh viên theo học là mức thu nhập tương đối ổn định. Ông Trần Việt Hùng cho biết: Theo khảo sát của nhà trường, tuỳ từng vị trí và năng lực, kỹ năng, mức thu nhập khoảng từ 8 triệu đến 20 triệu đồng/tháng.
Còn bà Phạm Thị Hường cho biết: Sinh viên năm cuối khoa Công nghệ ô tô thường được các doanh nghiệp đến đặt hàng tuyển dụng, nhất là với sinh viên có tay nghề, mức lương thường từ 10 triệu đồng/tháng.
Để lựa chọn học các trường đào tạo về Công nghệ ô tô, các chuyên gia khuyên người học cần tìm hiểu kỹ về năng lực đào tạo; bên cạnh chương trình đào tạo chuẩn, nhà trường còn xây dựng chương trình đào tạo kết hợp với doanh nghiệp, thực hành nghề. Cùng với đó, một số trường còn có chương trình đạo tạo chất lượng cao, sinh viên được học theo hướng tiếp cận quốc tế. Vì thế, các sinh viên phải bảo đảm yêu cầu về trình độ Tiếng Anh, Tin học và học trên những dòng xe nâng cao hơn là ô tô điện và xe tự hành.