02:19 06/02/2020

Các trường học phải đảm bảo đủ xà phòng và bồn rửa tay cho học sinh

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị các cơ sở trường học đảm bảo đủ nước sạch, bồn rửa tay và xà phòng rửa tay cho học sinh. Bên cạnh đó, các giáo viên quan sát nhắc nhở học sinh rửa tay đúng cách.

Chiều 6/2 Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra tại trường học với sự tham gia của 24 điểm cầu tại UBND 24 quận, huyện, đại diện các phòng Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng, nhân viên y tế…

Chú thích ảnh
Bà Bùi Thị Diễm Thu, đề nghị các đơn vị giáo dục trên địa bàn thành phố cần thực hiện đúng chỉ đạo để đảm bảo sức khỏe cho học sinh khi trở lại trường học.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, hiện ngành giáo dục đã triển khai đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo, điều hành và thông tin diễn biến tình hình phồng chống dịch bệnh đến các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Phối hợp chặt chẽ thường xuyên với Sở y tế, trung tâm phòng chống bệnh tật thành phố… Đồng thời, theo dõi sát diễn biến đánh giá tình hình hàng ngày, kịp thời báo cáo tham mưu cho ban chỉ đạo các cấp thành phố. Ngoài ra, Sở đã tổ chức các đoàn kiểm tra chỉ đạo hướng dẫn và đánh giá việc triển khai công tác phòng chống, dịch bệnh tại các đơn vị trường học và cơ sở giáo dục. Hướng dẫn học sinh, giáo viên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đảm bảo vệ sinh, cơ sở vật chất trước khi cho học sinh trở lại trường.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo TP cho biết, hiện Sở đã phát hành 400.000 poster và tờ rơi hướng dẫn học sinh cách phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. 100% trường học đã phun thuốc khử khuẩn, trang bị máy đo thân nhiệt, khẩu trang y tế, nước rửa tay… cho học sinh và đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Song song đó, trong tuần qua ngành giáo dục cũng đã cập nhật thường xuyên, liên tục hàng ngày số lượng giáo viên, học sinh đến hoặc đi từ vùng có dịch hoặc có biểu hiện ho, sốt, nắm chắc tình hình sức khỏe của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh để kịp thời theo dõi, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trong trường học.

Chú thích ảnh
Trong mùa dịch việc rửa tay của học sinh cần phải được kiểm soát bởi giáo viên và bảo mẫu.

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho hay, Sở đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình phòng chống dịch bệnh tại các đơn vị trường học. Bên cạnh đó, Sở cũng tăng cường các kênh thông tin, tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng phòng chống cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong trường học.

Bên cạnh đó bà Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, trong tuần tới các trường tiếp tục cho học sinh nghỉ học do đó các quận huyện cần phải quan tâm kiểm tra, giám sát các nhóm trẻ tư thục, xem xét xem có những tổ chức nào giữ trẻ trong mùa dịch không để có hướng xử lý kịp thời. Đồng thời, các quận huyện phối hợp với các doanh nghiệp để doanh nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện cho công nhân chăm sóc trẻ tại nhà.

Tại buổi họp trực tuyến, bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa phòng chống dịch bệnh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh đã thông tin về tình hình dịch bệnh virus nCoV gây ra. Bác sĩ Nga cho rằng, theo nghiên cứu tỷ lệ tử vong của virus nCoV vẫn thấp hơn so với các cúm mùa và khả năng tồn tại trong môi trường còn yếu hơn loại virus gây bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, ở môi trường trường học, học sinh đông có sự tiếp xúc gần nên nguy cơ phát tán dịch bệnh virus nCoV phải đặt lên hàng đầu.

Bác sĩ Lê Hồng Nga đề nghị, trước khi học sinh đến trường nhà trường cần rà soát lại tất cả các bồn rửa tay tại trường học, đảm bảo đủ xà phòng, bồn rửa và nước sạch cho học sinh rửa tay, đồng thời củng cố lại các hoạt động kiểm soát bệnh trong trường học, đảm bảo phát hiện sớm trẻ bệnh để kịp thời cách ly. Đặc biệt, các trường cần bố trí một khu riêng tại phòng y tế của trường để kịp thời cách ly khi phát hiện trẻ bệnh trong giờ học. Những học sinh, giáo viên đi từ vùng dịch như Trung Quốc cần phải được cách ly ở nhà 14 ngày. Tất cả giáo viên, học sinh bị viêm hô hấp dù có đi tới vùng có dịch hay không đều không đi đến trường. Vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần, chủ yếu lau các bề mặt tay nắm cửa, bàn ghế… Trong ngày đầu tiên trẻ đi học lại cần phải tổ chức truyền thông về virus nCoV, tổ chức thực hành thao tác rửa tay và đeo khẩu trang đúng cách cho tất cả học sinh, giáo viên, công nhân viên nhà trường.

“Có một thực tế được ghi nhận thời gian qua là ở nhiều trường học, học sinh vẫn không thực hiện nghiêm việc rửa tay bằng xà phòng để sát khuẩn. Nhiều học sinh rửa tay bằng cách chìa tay vào vòi nước đang chảy rồi rút tay ra. Do đó việc rửa tay ở học sinh mầm non, tiểu học cần được giám sát bởi giáo viên và bảo mẫu”, bác sĩ Nga cho biết thêm.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, các trường không nhất thiết phải đo thân nhiệt tất cả học sinh. Quan trọng nhất là giáo viên, bảo mẫu theo dõi, phát hiện kịp thời để cách ly. Ông Hưng cũng đề nghị các trường cần bổ sung đầy đủ bồn rửa tay, xà phòng rửa tay, khăn giấy lau tay cho học sinh và các giáo viên giám sát nhắc nhở học sinh rửa tay cho đúng. Đồng thời nên xem xét lại phòng y tế đủ giường và trang thiết bị thiết yếu để cách ly kịp thời học sinh nghi nhiễm virus nCoV.

Tại buổi họp trực tuyến, đại diện phòng Giáo dục và Đào tạo các quận huyện đều cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện này của các cơ sở giáo dục là mua khẩu trang y tế và dung dịch rửa tay. Các quận huyện cũng đã đề xuất liên Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế có văn bản hướng dẫn các trường học trong việc bố trí kinh phí mua khẩu trang y tế và nước rửa tay cho học sinh.

Về vấn đề tài chính, đại diện Phòng Tài chính Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, Sở sẽ cân đối và đề nghị các đơn vị sử dụng các nguồn tại chỗ từ ngân sách và các nguồn thu để duy trì hoạt động này. Nếu như dịch bệnh chuyển biến phức tạp thì đề nghị ủy ban nhân dân các quận huyện có văn bản báo cáo đến sở tài chính, sở y tế và các đơn vị liên quan để tham mưu với ban nhân dân thành phố có hướng giải quyết.

Đan Phương/Báo Tin tức