05:15 17/05/2022

Các tổ hợp quốc phòng Mỹ chịu sức ép khi đơn hàng vũ khí tăng vọt do xung đột Ukraine

Các tổ hợp công nghiệp quốc phòng, sản xuất vũ khí có thể sẽ gặp khó khăn về mở rộng năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng vọt do chiến sự ở Ukraine.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine sử dụng tên lửa Javelin do Mỹ cung cấp. Ảnh: Reuters

Giám đốc điều hành tập đoàn Northrop Grumman, Kathy Warden, thông báo cả tin tốt lẫn tin xấu: Tổ hợp quốc phòng này sẽ nhận được nhiều đơn hàng đặt mua vũ khí trang bị, nhưng những đứt gãy về chuỗi cung có thể cản trở nỗ lực mở rộng sản xuất của tập đoàn. “Hiện tại, thách thức nằm ở chỗ phải tìm ra cách thức để nâng quy mô sản xuất, đủ khả năng lấp đầy kho dự trữ”, bà Warden phát biểu tại một sự kiện được tổ chức tại Washington hôm 12/5.

Nhà thầu quân sự lớn nhất của Mỹ dự kiến sẽ thu được khoản lợi nhuận lớn, khi chính phủ nhiều nước phương Tây đánh giá lại chiến lược an ninh quốc gia, tăng chi tiêu quốc phòng sau sự kiện Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Giới lãnh đạo điều hành của Lockheed Martin, Raytheon Technologies, Boeing, Northrop Grumman và General Dynamics - những nhà thầu tên tuổi của Bộ Quốc phòng Mỹ, từng thừa nhận khoản lợi nhuận ra tăng đến từ xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng. Giá cổ phiếu của Lockheed, Northrop Grumman và General Dynamics đã tăng từ 12-15% kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine.

Các tổ hợp quốc phòng giờ đây sẽ phải tính phương án mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu mua sắm của Mỹ và các nước châu Âu - số tái khẳng định cam kết tăng chi tiêu quân sự theo ngưỡng 2% GDP mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đề ra từ lâu.

Tuy nhiên, những công ty này đang gặp phải một số thách thức liên quan đến chuỗi cung, thiếu hụt nhân lực lao động và sức ép lạm phát vốn có thể cản trở nỗ lực mở rộng sản xuất. Giám đốc điều hành Raytheon, ông Greg Hayes, tiết lộ việc tiếp cận nguồn cung titan ngoài Nga gặp khó khăn, trong khi thiết kế điện tử của tên lửa Stinger sẽ cần phải được nâng cấp do “một số bộ phận cấu thành hiện không còn tồn tại trên thị trường thương mại”.

Hai mẫu tên lửa vác vai Stinger và Javelin đã trở thành vũ khí mang tính biểu tượng trong cuộc xung đột ở Ukraine, giúp quân đội Ukraine chống chọi hiệu quả trước cuộc tấn công của Nga. Mỹ cam kết viện trợ, chuyển giao 5.500 tên lửa Javelin cho Ukraine.

Theo Mark Cancian, cựu quan chức Lầu Năm góc, hiện đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), khoảng 1/4 kho tên lửa Stinger của Mỹ đã được chuyển tới Ukraine. Nhưng loại tên lửa này được sản xuất với quy mô nhỏ giọt, do chỉ có duy nhất một khách hàng quốc tế, còn quân đội Mỹ chưa đặt mua mới bất kỳ lô nào trong suốt 18 năm qua. Ông Hayes cho biết các đơn hàng lớn phải tới năm 2023, 2024 mới đáp ứng được, do Raytheon gần như cạn kho nguyên liệu, vật tư để chế tạo mới Stinger.

Chú thích ảnh
Đức quan tâm đến tiêm kích F-35 của Mỹ khi tiến hành hiện đại hóa quân đội. Ảnh: US Airforce

Lịch trình đáp ứng đơn hàng với Javelin cũng tương tự. Công suất chế tạo tên lửa Javelin đứng ở mức 2.100 đơn vị/năm, nhưng liên danh Lockheed-Raytheon, đầu mối đồng sản xuất mẫu tên lửa này, hướng đến mục tiêu nâng sản lượng lên 4.000 tên lửa/năm.

Jim Taiclet - Giám đốc điều hành Lockheed, thông báo việc nâng công suất sẽ mất vài năm, bởi hiện tại liên danh gặp phải khó khăn về nguồn cung nguyên liệu, vật tư đầu vào. Lầu năm góc đặt mua 866 tên lửa Javelin trong năm 2021 và muốn mua thêm 586 tên lửa này trong năm 2023.

Theo Greg Sanders – Phó Giám đốc Nhóm Sáng kiến Quốc phòng-Công nghiệp tại CSIS, nhu cầu về hệ thống vũ khí, tên lửa tầm xa sẽ vượt trội so với tên lửa tầm trung Javelin khi cuộc chiến tại Ukraine bước sang giai đoạn thiên về xung đột quy ước với chiến trường tập trung chủ yếu ở miền đông.

Ông Taiclet dự đoán sẽ có gia tăng đơn hàng đối với các tên lửa hành trình hiện đại cùng với vũ khí, thiết bị giúp kiểm soát đường không như tiêm kích F-16, F-35 hay tổ hợp tên lửa Patriot cùng một số hệ thống phòng thủ tên lửa khác.

Trên phạm vi toàn cầu, đã xuất hiện bước dịch chuyển quan trọng trong xem xét, đánh giá về an ninh quốc gia. Nhiều đồng minh của Mỹ cũng đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng. Đức có bước điều chỉnh mạnh mẽ về đường hướng quân sự khi Thủ tướng Olaf Scholz công bố gói chi tiêu trị giá 100 tỷ euro (112 tỷ USD) Mỹ để hiện đại hóa quân đội. Thụy Điển và Phần Lan cũng chính thức bày tỏ ý định muốn gia nhập NATO.

Giới phân tích trong ngành công nghiệp quốc phòng nhận định dù sản xuất, cung ứng một lượng lớn vũ khí ra thị trường, các tổ hợp quốc phòng của châu Âu vẫn không có đủ năng lực để nâng sản lượng lên ngưỡng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thực tế này sẽ khiến nhiều nước châu Âu phải xoay sang tìm kiếm nguồn cung vũ khí từ Mỹ, chủ yếu là từ nhóm “5 ông lớn” (Big five), gồm Lockheed Martin, Raytheon, Boeing, Northrop Grumman và General Dynamics.

Một số vũ khí do Mỹ chế tạo cũng được một số nước châu Âu ưa thích hơn. Các nước Đông Âu ưu tiên mua sắm vũ khí Mỹ, không chỉ bởi khía cạnh kỹ thuật mà còn là kết nối định danh với Mỹ. “Nguyên do là bởi các tổ hợp quốc phòng Mỹ hòa quyện trong lực lượng quân sự Mỹ và điều đó khiến những nước này có được cảm giác yên tâm hơn”, ông Cancian nói.

Với Washington, Nga nổi lên là mối đe dọa hiển hiện. Nhưng Lầu Năm Góc vẫn khẳng định Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ là chiến trường ưu tiên. Trong phân bổ ngân sách, Bộ Quốc phòng Mỹ ưu tiên đầu tư cho các tiềm lực nền tảng giúp xử lý thách thức đến từ Trung Quốc và Nga - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Michael McCord phát biểu tại phiên điều trần gần đây trước Quốc hội Mỹ.

Theo chuyên gia phân tích Richard Aboulafia thuộc hãng tư vấn AeroDynamic Advisory, dịch chuyển này đồng nghĩa với việc các tổ hợp chuyên về chế tạo vũ khí cho không quân, hải quân được hưởng lợi, trong khi các công ty thiên về chế tạo vũ khí bộ binh khó tiếp cận được đơn hàng của Lầu Năm Góc.

Tuấn Linh/Báo Tin tức (Theo FT)