08:05 14/08/2011

Các tỉnh lưu vực sông Đồng Nai: Ô nhiễm do nước xả thải ở các khu công nghiệp

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gần 50% khu chế xuất, KCN (KCN) trên phạm vi cả nước chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải; số còn lại đã đi vào hoạt động nhưng hiệu quả của nó đến đâu trong việc bảo vệ môi trường vẫn là ẩn số...

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gần 50% khu chế xuất, KCN (KCN) trên phạm vi cả nước chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải; số còn lại đã đi vào hoạt động nhưng hiệu quả của nó đến đâu trong việc bảo vệ môi trường vẫn là ẩn số. Riêng các tỉnh nằm trong lưu vực sông Đồng Nai dù có tốc độ phát triển công nghiệp được đánh giá cao nhất nước, nhưng tình hình bảo vệ môi trường vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mức.

Sống trong ô nhiễm

Được thành lập từ năm 2005, KCN Nam Tân Uyên nằm trên địa bàn huyện Tân Uyên (Bình Dương) có gần 50 dự án đã đi vào hoạt động. Tại khu vực ấp Ông Đông (xã Tân Hiệp), doanh nghiệp đã xây dựng một nhà máy xử lý nước thải tập trung loại A có công suất 12.000 m3/ngày đêm với tổng vốn đầu tư 18 tỷ đồng, nhằm phục vụ việc xử lý nước thải của các dự án trong KCN trước khi thải ra môi trường.

Tuy nhiên, gặp chúng tôi, chị Dương Thị Hồng - một người dân sống gần nhà máy xử lý nước thải, bức xúc: “Từ khi có nhà máy, hơn 40 hộ dân sống xung quanh phải chịu mùi hôi thối của nước thải chảy tràn ra bên ngoài, đặc biệt là vào mùa mưa. Suối Ông Đông vốn trước đây rất nhiều tôm cá nhưng hiện đã trở thành con suối chết với dòng nước đen ngòm do chứa nước xả thải của nhà máy”.

Đầm chứa nước thải của Công ty Vedan, một trong những công ty gây ra ô nhiễm sông Thị Vải thời gian qua. Ảnh :Sỹ Tuyên - TTXVN

Là điểm đen bị người dân khiếu nại nhiều lần về gây ô nhiễm môi trường, KCN Mỹ Xuân A2 thuộc huyện Mỹ Xuân (Bà Rịa - Vũng Tàu) tập trung nhiều dự án nằm trong nhóm có mức độ gây nguy hại đến môi trường cao, như dệt nhuộm, giày da… Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động đến từ Đài Loan (TQ) và nhà máy xử lý nước thải cũng do chính đối tác Đài Loan (TQ) thực hiện và vận hành. Theo thiết kế giai đoạn 1, hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN này có công suất khoảng 7.500 m3/ngày đêm và sẽ góp phần giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường trong KCN. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân sống quanh khu vực, chất lượng nước thải vẫn chưa cải thiện nhiều. Mùi hôi thối và tanh nồng từ các loại hóa chất tẩy màu của thuốc nhuộm vẫn làm khó thở những ai lỡ hít phải.

Tỉnh Lâm Đồng có hai KCN đi vào hoạt động, nhưng đều chưa có nhà máy xử lý và nước thải được xả thẳng ra môi trường. Tại KCN Phú Hội (huyện Đức Trọng), mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ nước thải của một doanh nghiệp Nhật Bản cách xa cả chục mét. Màu nước đen ngòm từ nhà máy chảy ra ngoài theo các dòng chảy tự nhiên tràn cả xuống lưu vực sông Đồng Nai. KCN Lộc Sơn nằm trên địa bàn phường Lộc Sơn, thị xã Bảo Lộc thì tình trạng có đỡ hơn khi tỉnh chỉ chú trọng thu hút các DN ít gây ô nhiễm. Tuy nhiên, theo ông Triệu Thanh Nguyên – GĐ Công ty Phát triển hạ tầng KCN Lộc Sơn, người dân vẫn than phiền nhiều về tình trạng xả nước thải của KCN và tỉnh đang gấp rút kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống xử lý.

Ngang nhiên vi phạm

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm quan trắc môi trường thuộc Tổng cục Môi trường, hiện khoảng 70% trong số hơn 1 triệu m3 nước thải/ngày từ các KCN đang được xả thẳng ra môi trường, không qua xử lý. Trong đó, tập trung nhiều nhất là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương… với hơn 400.000m3/ngày đêm. Ngoài 95 khu chế xuất, KCN vẫn chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải, các KCN đã đầu tư rồi nhưng hệ thống xử lý vận hành lại không hiệu quả, thường xuyên xả nước thải chưa đạt yêu cầu ra môi trường. “Điều đáng lo ngại khác, tất cả các KCN vẫn chưa xây dựng hệ thống thu gom và xử lý khí thải hay chất thải rắn. Trong khi đó, phần lớn các nhà máy trong KCN đều sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, cũng như ý thức tự giác chấp hành việc đấu nối vào khu xử lý chung vẫn chưa cao”, ông Lê Hồng Hải - Bộ phận dự án Công ty CP Sonadezi Long Thành, cho biết.

Tại TP Hồ Chí Minh, 6/15 KCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhưng qua kiểm tra đã phát hiện có nồng độ chất thải vượt quy chuẩn cho phép từ gần 2 lần đến gần 40 lần. Hàng loạt KCN xả thải gây ô nhiễm môi trường đang nằm trong “tầm ngắm” của các ngành chức năng, như: KCN Cát Lái 2, Hiệp Phước, Tân Tạo, Tân Thới Hiệp… Những đơn vị khác nhẹ hơn là: KCN Tân Phú Trung, Khu chế xuất Linh Trung III… Trong khi đó, tỉnh Bình Dương có 28 KCN với tổng diện tích hơn 8.700 ha, trong đó 21 KCN đã đi vào hoạt động với tổng lượng nước thải công nghiệp khoảng 49.000 m3/ngày đêm. Qua kiểm tra của các ngành chức năng mới đây đã phát hiện 14/21 KCN ở tỉnh này xả thải vượt chuẩn cho phép. Những KCN được xếp hạng “đen” là KCN Bình Đường, Sóng Thần 2, Tân Đông Hiệp A, Tân Đông Hiệp B…

Thực tế thời gian qua, các KCN đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều tỉnh, thành và là nhân tố chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, tăng khả năng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sau thời gian “bùng nổ” phát triển các KCN trên phạm vi cả nước, hiện nhiều tỉnh, thành đang đau đầu với bài toán giải quyết hậu quả về ô nhiễm môi trường, do thời gian dài lơ là công tác quản lý. Tính toán của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam có thể mất 5,5% GDP hàng năm do ô nhiễm môi trường và nếu không được khắc phục sớm tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn và trở thành trở ngại cho sự phát triển kinh tế bền vững cũng như ổn định cuộc sống người dân.

Báo động đỏ môi trường

Có thành phần rất đa dạng, nước thải ở các KCN chủ yếu là những chất lơ lửng, chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và kim loại nặng… Tại những khu vực bị phát hiện ô nhiễm môi trường cao, nồng độ các chất thải như BOD, COD, SS, kim loại nặng… đều vượt quy chuẩn loại B, nước biến thành sông đen, không thể sử dụng được và gây mùi hôi thối ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Riêng về khí thải, nồng độ các chất như bụi, NO2, CO, SO2 và tiếng ồn quan trắc đều vượt mức cho phép nhiều lần. “Điều đáng lo là các chất thải trên đã và đang thấm sâu vào môi trường nước, gây tổn hại không ít đến sức khỏe cộng đồng. Qua số liệu quan trắc của chúng tôi, các chỉ tiêu về ô nhiễm đang có sự gia tăng theo từng năm với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn”, ông Lê Viết Bình - PGĐ Trung tâm quan trắc & kỹ thuật môi trường tỉnh Đồng Nai, cho biết.

Báo cáo về hiện trạng môi trường của tỉnh Đồng Nai, cho thấy mạng lưới sông Đồng Nai (với tổng số trên 60 sông suối) phần lớn đang bị ô nhiễm trầm trọng. Cùng với chất thải sinh hoạt, cụm công nghiệp xen lẫn trong dân cư, nước xả ở các KCN trên địa bàn... đang làm môi trường của tỉnh càng ngày càng xấu thêm. Với 30 KCN được thành lập, trong đó có 21 KCN đã đi vào hoạt động, tổng lượng nước thải ra môi trường của các KCN vào khoảng 70.000 m3/ ngày đêm. Sông Đồng Nai đoạn chảy qua thành phố Biên Hòa là đoạn sông chịu tác động khá nhiều nguồn thải có nồng độ và thải lượng ô nhiễm rất cao từ nguồn thải công nghiệp của KCN Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, Amata, Loteco…

Trong khi đó, tại khu vực sông Thị Vải - ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, ô nhiễm hữu cơ diễn ra hầu hết ở các khu vực từ thượng lưu đến rạch Nước Lớn và khu vực Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ. Số liệu quan trắc tại khu vực này cho thấy nồng độ ô nhiễm hữu cơ như: DO, COD, BOD5… thường rất cao. Những KCN đang tác động trực tiếp lên chất lượng nguồn nước sông Thị Vải gồm có: KCN Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, Gò Dầu… Theo ông Bình, ngoài vấn đề ô nhiễm nguồn nước hiển hiện trước mắt, về lâu dài, vấn đề ô nhiễm môi trường đất sẽ ngày càng tăng lên theo sự tăng mức độ phát triển của các KCN.

Khó khăn quản lý

Bên lề Hội thảo tham vấn xây dựng Quy hoạch bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai được tổ chức gần đây tại TP Hồ Chí Minh, rất nhiều đại biểu khẳng định: Hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường của nước ta mặc dù đã cải thiện nhiều nhưng vẫn chưa hoàn thiện, thiếu tính đồng bộ cũng như thiếu những văn bản chi tiết hướng dẫn việc thực hiện quy chế quản lý chất thải nguy hại. Thực tế khó khăn này dẫn đến thực trạng nhiều địa phương áp dụng chưa thống nhất, lúng túng và nhất là thiếu các chế tài xử phạt cụ thể đối với những hành vi vi phạm. “Quyền hạn pháp lý của các tổ chức bảo vệ môi trường, đặc biệt là lực lượng cảnh sát môi trường, còn nhiều hạn chế đã tác động không nhỏ đến việc xử lý những sai phạm mang tính răn đe. Bên cạnh đó, một phần cũng do sự chồng chéo, thiếu cơ chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện giữa các ngành chức năng về quản lý nhà nước về môi trường”, Tiến sĩ Trần Hồng Thái, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Môi trường, nhận xét.

Xuất phát từ cao nguyên Lâm Viên thuộc tỉnh Lâm Đồng, lưu vực sông Đồng Nai với chiều dài 1.360 km đi qua 12 tỉnh thành, bao gồm nhiều tỉnh thành có tốc độ phát triển kinh tế cao như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu… Khảo sát của các ngành chức năng, trên lưu vực sông Đồng Nai đặc biệt khu vực cuối dòng đang có hơn 100 KCN, hàng chục cụm công nghiệp và khoảng 20 triệu người dân đang mỗi ngày thải ra hàng triệu m3 nước ra sông, trong đó phần lớn là nước chưa qua xử lý.

Là đơn vị làm hạ tầng KCN cũng như trực tiếp đầu tư, vận hành xử lý nước thải khu công nghiệp, theo ông Hải, “cái khó không phải thiếu kinh phí đầu tư, mà chủ yếu làm sao vận hành một cách hiệu quả, triệt để nhất. Với bất kỳ một doanh nghiệp nào được cấp phép đầu tư vào KCN, theo luật đều có cam kết với ngành chức năng về việc đảm bảo những quy định xả thải, tuy nhiên họ có thực hiện và làm nghiêm hay không mới là điều đáng nói. Thực tế sau khi đã cấp phép các thủ tục về môi trường, cần phải tăng cường công tác kiểm soát nhất là việc kiểm tra việc hoàn thành các công trình như đã phê duyệt cũng như đánh giá hiệu quả của nó, nếu như không đạt so với bản cam kết phải cho ngừng hoạt động ngay và bắt buộc bổ sung, làm đúng như quy định. Chỉ khi làm nghiêm như vậy, các ngành chức năng mới đỡ vất vả và chất lượng nước xả thải của các KCN mới mong đi vào nền nếp”.

Theo quy định của Bộ Tài nguyên-Môi trường, đến cuối năm 2010, những KCN tập trung chưa có nhà máy xử lý nước thải phải đóng cửa, nhưng thực chất vì nhiều lý do, vẫn còn nhiều KCN hoạt động và không biết đến khi nào mới tìm được nguồn vốn đầu tư. Để xử lý triệt để những KCN xả thải không đạt quy chuẩn cho phép đang là vấn đề nan giải, khi rất khó áp dụng biện pháp phạt bổ sung như buộc tạm ngưng hoạt động hoặc rút giấy phép đầu tư vì hoạt động của KCN liên quan đến hàng chục doanh nghiệp đang hoạt động. Thực tế theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hình thức phạt đối với chủ đầu tư hiện nay còn quá nhẹ. “Ngoài ra, đa số các doanh nghiệp trong KCN chưa nhận thức đúng đắn về công tác bảo vệ môi trường cũng như tuân thủ các quy định của pháp luật đặt ra. Trong khi đó chế tài của ta vẫn chưa đủ mạnh để các doanh nghiệp sợ, tự giác chấp hành”, ông Hải nói thêm.

Lê Nghĩa

Ý KIẾN

Ông Chiu Jung Kuan - Chủ nhiệm Công ty TNHH Phát triển quốc tế Formosa:
Cần những cơ chế thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực xử lý chất thải

Với mong mỏi góp một phần nhỏ bé thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực Đông Nam bộ, cũng như giúp tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu thu hút các nhà đầu tư, chúng tôi đã lựa chọn vùng đất Mỹ Xuân để đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN. Hiện tại KCN Mỹ Xuân A2 đã có 28 doanh nghiệp được cấp giấy phép đầu tư, trong đó có 14 công ty đang hoạt động, 9 đơn vị khác đang triển khai xây dựng nhà xưởng, với tỷ lệ 100% nhà đầu tư đã hợp đồng đấu nối xử lý nước thải. Nước thải từ các doanh nghiệp sẽ được chúng tôi thu gom qua các hệ thống xử lý sinh học, hóa học, cao cấp, bể khử trùng, hồ sinh thái… sau đó mới đưa ra môi trường.

Với vai trò là nhà đầu tư, theo tôi, đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải không cho lợi nhuận cao, chỉ mang tính xã hội là chính. Vì thế tôi rất mong các ngành chức năng ở cấp bậc cao hơn như Chính phủ cần ban hành những chính sách cụ thể ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực này. Các chính sách đó có thể là miễn tiền thuê đất, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị và được vay ưu đãi với lãi suất 0% trong thời gian xây dựng… Có như vậy các nhà đầu tư mới không ngần ngại trong việc đầu tư trong lĩnh vực lâu thu hồi vốn này.

Ông Tào Mạnh Quân – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Bình Dương:
Phải xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung ở các KCN cũng như giám sát tốt công tác vận hành


Để hạn chế ô nhiễm môi trường của các KCN, tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các doanh nghiệp chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung phải xây dựng hệ thống xử lý riêng trước khi đi vào hoạt động. Riêng Ban quản lý các KCN đã yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung và dứt khoát đóng cửa những đơn vị chưa có hệ thống xử lý nước thải riêng. Chúng tôi cũng đang tiến hành lắp đặt hệ thống máy quan trắc nước thải tự động tại các cửa xả thải, nỗ lực giám sát 24/24 giờ những động thái xử lý nước xả thải của các KCN. Ngoài ra, chúng tôi cũng phân công rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp trong việc tăng cuờng công tác kiểm tra, thanh tra, xử phạt các hành vi vi phạm môi trường.

Trên thực tế tại tỉnh Bình Dương, đến nay 21/28 KCN đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung và là một trong các tỉnh dẫn đầu cá nước về công tác này. Tùy đặc trưng riêng, mỗi khu được quy định một mức xả thải nhất định. Dựa trên mức quy định đó, mỗi doanh nghiệp trong khu sẽ xử lý cục bộ nước thải của mình thấp hơn một cấp, rồi mới chuyển đến hệ thống xử lý nước thải tập trung để xử lý thêm bước nữa trước khi thải ra môi trường. Mỗi năm chúng tôi tiến hành lấy mẫu 4 lần và thêm một số lần đột xuất, hầu hết đều cho chất lượng ở mức 60-70%. Với tôi, để đưa công tác quản lý chất thải của các KCN đi vào nền nếp, ngoài những vấn đề mang tính vĩ mô khác cần thiết phải xây dựng các hệ thống xử lý nước thải tập trung cũng như làm tốt công tác giám sát vận hành.

Ông Võ Văn Chánh – PGĐ Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Đồng Nai:
Chủ trương của tỉnh hạn chế cấp phép mới cho các ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm môi trường


 Theo cá nhân tôi, nên có những giải pháp đồng bộ trong việc bảo vệ sự phát triển bền
vững, ổn định lưu vực sông Đồng Nai, trong đó có những biện pháp căn cơ trong việc giảm xả thải các chất độc hại ra môi trường từ các KCN. Khác với thời gian trước đây khi chỉ tập trung cho phát triển kinh tế là chính mà ít chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, hiện Đồng Nai đã và đang làm song song cân bằng hai nhiệm vụ trên. Trong lĩnh vực thu hút các nhà đầu tư vào các KCN, tỉnh chủ trương có sự chọn lọc và chỉ cấp phép mới cho những ngành nghề ít gây ô nhiễm cũng như ưu tiên cho những doanh nghiệp có sự đầu tư về công nghệ, máy móc có sự thân thiện với môi trường.

Nhìn ở một góc độ khác, việc đồng bộ hóa khung pháp lý và những văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại KCN nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả để pháp luật đi vào cuộc sống phải được ưu tiên hàng đầu. Ngoài việc gỡ bỏ những vướng mắc từ quy định pháp luật không cần thiết, chúng ta cần rà soát tổng thể những quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, bổ sung thêm những chế tài có tính ràng buộc đối với các hành vi vi phạm… Chỉ khi nào chế tài mạnh, công tác giám sát xử lý vi phạm nghiêm minh, chúng ta mới mong đảm bảo được một môi trường trong lành cho thế hệ mai sau.