09:16 28/09/2022

Các sông băng tại Thụy Sĩ đang tan nhanh kỷ lục

Theo một nghiên cứu được công bố ngày 28/9, các sông băng của Thụy Sĩ đã mất đi 6% thể tích trong năm nay do mùa Đông khô hạn và các đợt nắng nóng thường xuyên xảy ra trong mùa Hè, phá vỡ các kỷ lục băng tan trước đó.  

Chú thích ảnh
Sông băng Aletsch. Ảnh: AFP

Báo cáo nghiên cứu do Ủy ban Cryospheric (CC) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Sĩ thực hiện đã chỉ ra tốc độ tan chảy rất nhanh của các sông băng khi 3km khối băng - tương đương 3.000 tỷ lít nước - đã tan chảy và điều này có thể diễn biến nghiêm trọng hơn nữa.

CC nhấn mạnh 2022 là một năm tai họa đối với các sông băng của Thụy Sĩ khi tất cả các kỷ lục băng tan đều bị phá vỡ. Ủy ban này cho biết thêm rằng tỷ lệ băng tan 2% trong 12 tháng trước đây được coi là điều “cực đoan”. CC cho biết thêm hiện tượng tan chảy diễn biến đặc biệt nghiêm trọng đối với các sông băng nhỏ.

Trên thực tế, các sông băng Pizol, Vadret dal Corvatsch và Schwarzbachfirn đã biến mất. Tại khu vực Engadine, các khu vực thuộc bang Valais, miền Nam Thụy Sĩ, và cả ở miền Nam nước này, một lớp băng dày từ 4-6m ở độ cao 3.000 m so với mực nước biển cũng đã tan chảy hoàn toàn.

Vào giữa tháng 9 này, lớp băng dày một thời bao phủ con đèo giữa sông băng Scex Rouge và Tsanfleuron đã không còn tung tích. Ngoài ra, những thiệt hại đáng kể còn được ghi nhận ngay cả ở những điểm đo cao nhất, bao gồm đỉnh núi Jungfraujoch cao gần 3.500m.

Báo cáo nhấn mạnh xu hướng trên cũng cho thấy tầm quan trọng của các sông băng đối với việc cung cấp nước và năng lượng trong những năm khô nóng. Chỉ riêng lượng nước băng tan trong tháng 7 và tháng 8 đã cung cấp đủ nước trong năm nay để lấp đầy hoàn toàn tất cả các hồ chứa trên dãy núi Alps của Thụy Sĩ. 

Tuy nhiên, Giáo sư Matthias Huss, người đứng đầu Cơ quan giám sát sông băng tại Thụy Sĩ, cho biết nếu nước này tiếp tục trải qua các điều kiện khí hậu cực đoan như năm nay trong vòng 50 năm, tác động sẽ lớn hơn nhiều vì trong 50 năm nữa, giới khoa học dự đoán hầu hết các sông băng biến mất và do đó không thể cấp nước vào mùa Hè khô nóng.   

Giáo sư Huss nhấn mạnh rằng không thể làm chậm quá trình tan băng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu giảm phát thải khí CO2 và hành động vì khí hậu thì điều này có thể giúp bảo vệ được 1/3 thể tích sông băng tại Thụy Sĩ theo kịch bản lạc quan nhất. Ngược lại, gần như các sông băng tại quốc gia Trung Âu này sẽ tan chảy vào cuối thế kỷ 21.

Theo báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu được công bố vào tháng 2 năm nay, hiện tượng băng và tuyết tan là một trong 10 mối đe dọa chính mà biến đổi khí hậu gây ra.

Minh Tâm  (TTXVN)