08:09 04/08/2014

Các phe nhóm tham gia xung đột hiện nay ở Libya

Đất nước Bắc Phi này đã trở thành cuộc đối đầu đẫm máu giữa một bên là phong trào Anh em Hồi giáo ở Libya cùng với các phần tử có quan hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda, với bên còn lại là đội quân do tướng về hưu Khalifa Haftar lãnh đạo.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị và xã hội ở Libya đang ngày càng xấu đi, thì tình trạng xung đột kéo dài 3 năm nay, kể từ khi chính quyền của nhà lãnh đạo, Đại tá Moamer Kadhafi bị lật đổ, đất nước Bắc Phi này đã trở thành cuộc đối đầu đẫm máu giữa một bên là phong trào Anh em Hồi giáo ở Libya cùng với các phần tử có quan hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda, với bên còn lại là đội quân do tướng về hưu Khalifa Haftar lãnh đạo.

 

Kể từ sau sự sụp đổ của chính quyền Kadhafi vào năm 2011, chính quyền mới ở Libya đã liên tục bị mất dần sự kiểm soát, và khoảng trống quyền lực ấy đã tạo ra cuộc xung đột giữa các nhóm phiến quân, các bộ lạc và các tổ chức Hồi giáo.

 

Có 4 lực lượng chính tham gia vào cuộc xung đột hiện nay, trong đó có 3 lực lượng hiện đang dồn tổng lực để chiếm lấy các địa điểm chiến lược như sân bay Tripoli, trong khi nhóm còn lại thì đang "ém mình" chờ thời cơ.

 

Lực lượng thứ nhất bao gồm khoảng 20 tổ chức vũ trang Hồi giáo, với các binh sĩ nước ngoài và địa phương. Những phần tử này nhận lệnh từ các tổ chức có quan hệ thường xuyên với Al-Qaeda hoặc từ tổ chức Anh em Hồi giáo ở vùng Misrata thuộc Libya, với mục tiêu chính là chiếm quyền kiểm soát thủ đô Tripoli. Lực lượng này cũng tham gia vào các cuộc đụng độ với đội quân của tướng Khalifa Hafta ở miền Đông Libya.

 

Tướng Khalifa Hafta.


Tại miền Tây, các phiến quân Hồi giáo đã lập ra cái mà họ gọi là "Lữ đoàn lá chắn", trong khi tại các thành phố Benghazi và Derna, lực lượng này lại tập hợp dưới cái tên "Ansar Al-Sharia" (Những người ủng hộ bộ luật Hồi giáo Al-Sharia). Tổ chức này mới bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố.

 

Lực lượng thứ hai bao gồm các nhân vật theo tư tưởng tiến bộ và ủng hộ chính quyền Trung ương. Nhóm này đang kiểm soát sân bay quốc tế Tripoli, với 2 nhóm chính l Lữ đoàn Qaqaa và Lữ đoàn Tia chớp. Bên cạnh đó còn có nhiều nhóm vũ trang nhỏ hơn đến từ thành phố Zintan. Đây cũng chính là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc lật đổ ông Kadhafi hồi năm 2011.

 

Nhóm thứ ba là tổ chức "Quân đội quốc gia" do tướng Khalifa Haftar cầm đầu chiến đấu chủ yếu ở phía Đông Nam Benghazi, với chiến lược tiến hành không kích nhằm vào các phần tử Hồi giáo cực đoan cùng với các đợt tiến công lẻ tẻ trên bộ.

 


Không giống như hai lực lượng đầu tiên, đội quân của ông Haftar là một lực lượng mới xuất hiện từ đầu năm 2014, song đã thu hút được sự tham gia của nhiều nghìn người ủng hộ. Số lượng người tham gia đông đảo này đã hình thành nên một lực lượng gần giống như quân đội của chính phủ tại khu vực Benghazi. Tuy nhiên, tướng Haftar vẫn chưa nhận được sự công nhận từ Chính phủ Libya hay bất kì bộ lạc lớn nào tại nước này.

 

Lực lượng thứ xuất hiện trong không gian của các bộ lạc ở Libya, vốn bị các tay súng Hồi giáo cực đoan cách ly ngay từ sau năm 2011. Các bộ lạc tại Libya vẫn giữ được ở mức độ nhất định sự đồng thuận và phối hợp, nhưng họ cũng không nghiêng hẳn về bên nào trong cuộc xung đột hiện nay. Hành động đáng kể nhất mà lực lượng này đã làm là lên án các "nhóm vũ trang Misrata", vốn bị coi là đã ủng hộ ông Gaddafi trong cuộc nội chiến năm 2011.

 

Vào đầu tuần vừa qua, ông Issa Abdul Majid, thủ lĩnh bộ lạc Tebu cho biết tình hình tại Libya đang ngày càng trầm trọng và cũng giống như thủ lĩnh của nhiều bộ lạc khác, ông không muốn can dự vào cuộc xung đột đang diễn ra giữa hai phe Hồi giáo và cải cách tại Libya hiện nay.

 

Trước đó, tình trạng xung đột tại Libya bắt đầu nổ ra sau khi ông Kadhafi bị giết chết và chính quyền mới không thể thành lập được một lực lượng quân đội đủ mạnh để đảm bảo tình hình an ninh. Chính quyền Trung ương cũng không thành công trong việc hoà giải dân tộc thời hậu nội chiến. Tại các nước láng giềng trong khu vực, sự trỗi dậy của phe Hồi giáo ở Ai Cập, Tunisia, Algeria, Mali, Yemen... cũng là nguồn cổ vũ cho phe Hồi giáo ở Libya. Theo một số nguồn tin an ninh Libya, hiện có khoảng 15.000 chiến binh Hồi giáo nước ngoài đang tham chiến, nhưng phục vụ các lực lượng, phe phái khác nhau, tại Libya.

 

Khói bốc lên trong vụ cháy kho chứa dầu do trúng đạn pháo trong cuộc giao tranh giữa các phe phái gần sân bay ở Tripoli ngày 2/8. Ảnh: THX-TTXVN


Các nhóm Hồi giáo ở Libya cảm nhận được sự đe doạ đến từ tổ chức của ông Haftar cũng như các nhóm dân quân khác. Chính điều này đã thu hút các tay súng từ Algeria và Ai Cập, những người hiện đang đóng vai trò quan trọng trong các tổ chức Hồi giáo ở Libya. Lực lượng này càng được củng cố sau khi các tay súng người Libya trở về từ Syria và Iraq.

 

Cũng cần phải nói thêm rằng sự thất bại của phe Hồi giáo trong cuộc bầu cử nghị viện vừa qua cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự đối đầu giữa phe này với phần còn lại của đất nước Bắc Phi này. Theo một số nguồn tin từ Libya, trong vòng 3 năm qua, phe Hồi giáo đã tập hợp được một lượng lớn vũ khí cả từ lực lượng quân đội dưới thời Kadhafi, lẫn từ nước ngoài. Trong những ngày cuối của cuộc nội chiến năm 2011, các tay súng Hồi giáo ở Misrata đã thu được hàng trăm xe tăng và tên lửa đất đối không từ tay quân đội Kadhafi.

 

Cũng trong 3 năm qua, các nhóm Hồi giáo như Lữ đoàn Lá chắn, Phòng tác chiến Hồi giáo Cách mạng đã thành lập được nhiều trại huấn luyện tân binh với trang, thiết bị rất hiện đại. Tổ chức “Ansar Al-Sharia” (Những người ủng hộ bộ luật Hồi giáo Al-Sharia), vốn bị coi là tán ác như Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và vùng Levant (ISIL) cho biết họ muốn áp dụng "luật của Chúa"(tức là luật Al-Sharia) trên toàn cõi Libya, và rằng các cuộc bầu cử và tiến trình dân chủ hoá trong thời gian vừa qua tại quốc gia này, là hành động của những kẻ bội giáo, bất chấp một sự thật làhọ đã lợi dụng một cách triệt để quốc hội và chính phủ Libya trong suốt 2 năm qua để làm mất trật tự, trị an của đất nước. Trên chiến trường, Ansar Al-Sharia tập trung vào các cuộc đối đầu với lực lượng của tướng Haftar ở miền Đông Libya, trong khi các nhóm từ Misrata lại tập trung ở miền Tây.

 

Theo các nguồn tin thân cận với tướng Haftar, trong tháng 7 vừa qua, tổng số binh sĩ và nhân viên làm việc dưới quyền viên tướng về hưu này, đã lên đến 70.000 người, trong đó có 40.000 tân binh. Tuy nhiên, nguồn tin này cũng cho biết con số thành viên của các nhóm Hồi giáo còn lớn hơn nhiều, và họ nhận được sự trợ giúp rất lớn từ bên ngoài.

 

Trong 2 tháng qua, lực lượng của ông Haftar đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các doanh trại của nhóm Ansar Al-Sharia ở Benghazi và Derna, nhưng sau đó phe Hồi giáo nhanh chóng rút lui về các đô thị, gây khó khăn cho đối phương. Trước đó, lực lượng dưới quyền tướng Haftar có khả năng thắt chặt vòng vây ở các khu vực nông thôn ngoại ô Benghazi, song hiện nay họ đã bắt đầu tiền vào các thành phố.

 

Nếu nhìn vào sự chồng chéo về cấu trúc cũng như tổ chức của các bên tham chiến hiện nay tại Libya, ngay cả những người lạc quan nhất cũng phải nhận định rằng cuộc xung đột hiện nay ở Libya sẽ vẫn còn tiếp diễn với quy mô ngày càng rộng lớn hơn, và đương nhiên cũng sẽ đẫm máu hơn.

 

 

Phạm Phú Phúc