12:00 24/12/2021

Các ‘ông lớn’ trong ngành ô tô toàn cầu nhân đôi đặt cược vào xe điện

Trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, các hãng xe hơi gần như không mấy chú tâm đến thị trường xe điện, khiến đầu tư cho lĩnh vực này không có đột phá.

Chú thích ảnh
Một số mẫu xe điện mô hình của Toyota. Ảnh: Hotcar

Nhưng chỉ trong gần một năm trở lại đây, chính phủ nhiều nước đã đưa ra cam kết về mục tiêu trung hòa carbon (phát thải ròng bằng 0), đi cùng đó là các kế hoạch, lộ trình chi tiết về cắt giảm sử dụng phương tiện chạy dầu diesel và xăng. Bước chuyển này đã tạo sức ép lên nhiều ngành công nghiệp lớn, theo hướng dịch chuyển sang “công nghệ xanh”. Các hãng chế tạo ô tô lớn nhất thế giới cũng không thể đứng ngoài xu hướng này. Họ buộc phải tăng cường đầu tư cho các kế hoạch phát triển xe điện trong thập kỉ tới đây.

Một trong những thay đổi lớn dễ nhận thấy chính là các kế hoạch đầu tư ngắn hạn của một vài ông lớn trong ngành chế tạo ô tô thế giới, số đang hướng đến mục tiêu cung ứng ra thị trường một lượng lớn xe điện nhằm đáp ứng nhu cầu tăng nhanh, cùng với đó là các quy định chặt chẽ hơn áp dụng cho xe ô tô thông thường.

Một khảo sát do hãng tin Reuters thực hiện hồi tháng 11 vừa qua cho thấy, các hãng xe hơi toàn cầu có kế hoạch chi khoảng 500 tỉ USD để phát triển xe điện và pin xe điện từ nay đến năm 2030. Con số này nhiều hơn 200 tỉ so với tính toán ở thời điểm ba năm trước đây.

Cũng có lo ngại cho rằng việc đổ dồn đầu tư cho xe điện sẽ làm xuất hiện tình trạng dư thừa nguồn cung. Dù thời điểm áp dụng phát thải ròng bằng 0 chuẩn bị được áp dụng cho nhiều thành phố như London hay Paris gắn với nhu cầu mua xe điện tăng, vẫn chưa thể đoán chắc được khả năng tiêu thụ ở mức nào vào năm 2030.

Bất chấp những nghi ngại về nguồn cầu, nhiều công ty đã gia tăng mạnh khoản đầu tư cho xe điện. Hồi đầu tháng 12 này, Toyota công bố kế hoạch đầu tư 1,29 tỉ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất pin cho xe điện ở bang North Carolina. Sau khi đi vào sản xuất từ năm 2025, ông lớn xe hơi của Nhật Bản này kỳ vọng cơ sở này sẽ sản xuất được 200.000 bộ pin/năm. Mức sản lượng hàng năm sau đó có thể được đẩy lên 1,2 triệu bộ pin/năm, khi lượng xe điện mà Toyota cho ra thị trường tăng.

Trước đó, Toyota hồi tháng 10/2021 từng công bố kế hoạch tăng đầu tư vốn cho xe điện, với tổng số vốn lên đến 3,4 tỉ USD, chưa kể dự án ở North Carolina. Công ty chọn North Carolina làm cứ điểm sản xuất pin xe điện do đây là bang có tỉ lệ sản lượng điện từ năng lượng tái tạo cao. Điều này nằm trong một chiến lược lớn hơn của Toyota về đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chú thích ảnh
Thương hiệu xe điện Audi Artemis của Volkswagen. Ảnh: Slashgear

Nissan cũng có những cam kết tương tự, với kế hoạch đầu tư 17,6 tỉ USD cho phát triển xe điện trong chiến lược có tên gọi “Tham vọng năm 2030”. Nissan kỳ vọng sản lượng xe điện của hãng sẽ chiếm 50% tổng lượng xe cung ứng ra thị trường vào năm 2030, thông qua việc cho ra lò nhiều mẫu xe mới, thích ứng với nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Theo kế hoạch, khoảng 75% sản lượng xe của Nissan bán ra tại thị trường châu Âu sẽ là xe chạy điện và xe hybrid (chạy cả điện và xăng). Tỉ lệ này ở Nhật Bản là 55%, ở thị trường Mỹ và Trung Quốc là 40%.

Nissan kỳ vọng sẽ tung ra thị trường mẫu xe điện chạy bằng pin thể rắn (ASSB) vào năm 2028, với cơ sở thử nghiệm sản xuất điểm được khai trương ở Yokohama vào năm 2024. Kiểu pin ASSB đột phá này giúp rút ngắn thời gian sạc điện và đây là một phần trong kế hoạch của Nissan về giảm giá pin xuống còn 75 USD/kWh, tức chỉ còn một nửa so với mức giá tại thời điểm năm 2020.

Hãng Volkswagen (VW) của Đức thậm chí còn gây tiếng vang lớn hơn, khi công bố bản kế hoạch trị giá 100 tỉ USD về chuyển đổi sang xe điện. Mục tiêu trước mắt VW đề ra là xe điện chiếm 25% doanh số bán hàng vào cuối năm 2026.

Trước đó, hãng đã công bố tên gọi của chiếc xe điện hàng đầu dự kiến ra mắt vào năm 2026, có tên gọi là Project Trinity. Đây là một nền tảng hoàn toàn mới với ít nhất khả năng tự chủ ở Cấp độ 2 và sẽ sẵn sàng ở Cấp độ 4 khi các nhà lập pháp đưa ra quyết định. Chiếc xe có khoang bên trong rộng hơn, khi VW tập trung vào thay đổi thiết kế nội thất truyền thống của xe.

Tham vọng VW muốn đạt tới là cạnh tranh và vượt lên trên cả Tesla, người đang dẫn đầu trên thị trường xe điện hiện nay. Mục tiêu mà hãng xe Đức hướng tới là chiếm thị phần áp đảo ở châu Âu, đồng thời tấn công vào thị trường Mỹ, “sân nhà” của Tesla. Giám đốc điều hành VW Herbert Diess cho biết công ty có kế hoạch tăng gấp đôi thị phần tại thị trường Mỹ vào năm 2030, lên mức 10%, nhờ vào các mẫu xe điện đời mới như ID Buzz microbus hay Audi Artemis.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo Oilprice)