07:14 25/07/2015

Các nước thành viên WTO đạt thỏa thuận lịch sử về IT

Các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đại diện cho các nhà xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin (IT) đã đạt được thỏa thuận loại bỏ thuế quan cho hơn 200 sản phẩm công nghệ, góp phần mang lại khoảng 1.300 tỷ USD mỗi năm.

Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, ngày 24/7, các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đại diện cho các nhà xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin (IT) đã đạt được thỏa thuận loại bỏ thuế quan cho hơn 200 sản phẩm công nghệ, góp phần mang lại khoảng 1.300 tỷ USD mỗi năm.

Dù chỉ có 54 thành viên WTO tham gia các cuộc đàm phán kéo dài suốt 3 năm qua về hệ thống định vị GPS cũng như các thiết bị công nghệ, nhưng tất cả 161 quốc gia thuộc tổ chức này đều có thể được hưởng lợi từ thỏa thuận trên, vốn được xây dựng dựa trên việc mở rộng Hiệp định Công nghệ thông tin (ITA) năm 1996.

Theo đó, đa số các dòng thuế sẽ được loại bỏ đối với 201 sản phẩm IT trong vòng ba năm, với mức giảm bắt đầu được áp dụng từ năm 2016. Những điều khoản này sẽ chính thức được chuyển đến tất cả các nước thành viên trong cuộc họp của Đại hội đồng WTO ngày 28/7 tới.

Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo nhấn mạnh đây là thỏa thuận đầu tiên về cắt giảm thuế mạnh mẽ trong WTO trong 18 năm qua. Ước tính giá trị thương mại hàng năm đối với 201 sản phẩm IT nói trên chiếm khoảng 7% tổng thương mại toàn cầu, lớn hơn so với giao dịch toàn cầu của các sản phẩm ô tô, hay tổng thương mại của hàng dệt may, quần áo và sắt thép cộng lại.

Việc loại bỏ thuế quan sẽ có tác động rất lớn, giúp mở cửa các thị trường, tạo công ăn việc làm, hạ giá thành sản phẩm cho người tiêu dùng và khuyến khích tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới.

Ủy viên phụ trách thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom đánh giá đây là thỏa thuận tuyệt vời cho người tiêu dùng, cho các công ty lớn cũng như các doanh nghiệp nhỏ.

Trong khi đó, đại diện thương mại Mỹ Michael Froman nhận định thỏa thuận trên có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp Mỹ, những đơn vị vốn chuyên sản xuất và xuất khẩu các các sản phẩm công nghệ cao trong ngành công nghệ thông tin, qua đó bảo đảm việc làm cho 60.000 lao động của nước này.

Trước đó, hồi năm 2012, các nước thành viên WTO thừa nhận sự đổi mới công nghệ đã tiến đến mức mà nhiều chủng loại mới của các sản phẩm không còn phù hợp với ITA. Vì vậy, WTO đã tổ chức các cuộc đàm phán trong suốt 3 năm qua để mở rộng phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này.

TTXVN/Tin tức