11:11 12/11/2012

Các nước Tây Phi quyết định can thiệp quân sự vào Mali

Các nhà lãnh đạo Tây Phi ngày 11/11 đã thông qua kế hoạch can thiệp quân sự vào miền Bắc của Mali, với một lực lượng 3.300 quân và trong thời hạn một năm, để giành lại vùng lãnh thổ bị các nhóm vũ trang chiếm đóng từ gần nửa năm nay.

Các nhà lãnh đạo Tây Phi ngày 11/11 đã thông qua kế hoạch can thiệp quân sự vào miền Bắc của Mali, với một lực lượng 3.300 quân và trong thời hạn một năm, để giành lại vùng lãnh thổ bị các nhóm vũ trang chiếm đóng từ gần nửa năm nay.

Quyết định trên được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra cùng ngày tại Abuja (Nigeria) với sự tham gia của lãnh đạo 15 nước thành viên Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và một số nước khác trong vùng như Angieri, Morocco, Mauritania (Môritani), Lybia.

Các tay súng Hồi giáo Mali. Ảnh: AFP/TTXVN


Tại cuộc họp, Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan nhấn mạnh đến sự cần thiết phải sử dụng giải pháp quân sự ở Bắc Mali để tránh hậu quả xấu đối với toàn châu Phi

Phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch đương nhiệm ECOWAS, Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara cho biết số quân tham gia chiến dịch sẽ được lấy chủ yếu từ các nước thành viên tổ chức này gồm Nigeria, Senegal, Niger, Burkina Faso, Togo và Ghana. Một số nước không phải thành viên ECOWAS, như Cộng hòa Sát, cũng cam kết gửi quân tham gia. Tổng thống Ouattara cho biết ECOWAS đang tiếp xúc với một số nước khác như Mauritania, Nam Phi để vận động các nước này gửi quân tham gia chiến dịch.

Tổng thống Ouattara tỏ ý hy vọng Hội đồng Bảo an LHQ sẽ thông qua nghị quyết cho phép tiến hành can thiệp vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 năm nay.

* Trong khi đó, phát biểu trên kênh truyền hình France 3 ngày 11/11, Tổng thống Pháp François Hollande khẳng định nước ông có "nghĩa vụ" phải hỗ trợ các nước châu Phi nếu các nước này quyết định can thiệp quân sự vào Bắc Mali.

Cùng ngày, giới truyền thông Pháp cũng dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố rằng việc các phần tử Hồi giáo cực đoan chiếm đóng khu vực miền Bắc Mali không chỉ đe dọa an ninh vùng này mà còn đe dọa cả an ninh của châu Âu, trong đó có Pháp. Ông Le Drian cũng bày tỏ lo ngại cho các con tin người Pháp đang bị các nhóm Hồi giáo cực đoan giam giữ và cho rằng can thiệp quân sự có thể là cách tốt nhất giúp chấm dứt nạn bắt cóc con tin.


TTXVN/Tin tức