12:08 01/12/2011

Các nước phát triển cam kết tiếp tục viện trợ cho các nước nghèo

Sau 3 ngày làm việc, hôm nay, 1/12, Diễn đàn cấp cao về hiệu quả viện trợ lần thứ 4 (HLF4) tại thành phố Busan, Hàn Quốc đã kết thúc tốt đẹp. Các cuộc thảo luận tại diễn đàn đều hướng tới một chủ đề chung “Vì một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người”.

Sau 3 ngày làm việc, hôm nay, 1/12, Diễn đàn cấp cao về hiệu quả viện trợ lần thứ 4 (HLF4) tại thành phố Busan, Hàn Quốc đã kết thúc tốt đẹp. Đây là Diễn đàn có qui mô lớn nhất từ trước tới nay với sự có mặt của 10 nguyên thủ quốc gia, 100 đại biểu cấp Bộ trưởng và khoảng 3.000 đại biểu đại diện cho các quốc gia, các tổ chức quốc tế và tổ chức xã hội… Các cuộc thảo luận tại diễn đàn đều hướng tới một chủ đề chung “Vì một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người”.


 
Các cuộc thảo luận tại diễn đàn đều hướng tới một chủ đề chung “Vì một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người”.

Diễn đàn HLF 4 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang có những biến đổi, hội nhập kinh tế mạnh mẽ kèm theo sự phân hóa giữa các nước ngày càng rõ nét. Nhiều nước đang phát triển không đủ sức để đương đầu với các thách thức của kinh tế toàn cầu, càng khó khăn hơn khi còn có các thách thức toàn cầu khác như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an toàn lương thực và năng lượng…

Ngay từ khi hình thành diễn đàn, vấn đề hiệu quả viện trợ đã được đề cập, trải qua 3 diễn đàn cấp cao, vấn đề này ngày càng thu hút sự quan tâm của các quốc gia, các đối tác phát triển và các tổ chức xã hội trên thế giới.

Tại Diễn đàn HLF4 lần này, khái niệm hiệu quả viện trợ đã được hài hòa với khái niệm hiệu quả phát triển, các đại biểu đều nhất trí coi đây là một trong những cách để các quốc gia cùng phát triển, hướng tới một tương lai tốt đẹp trong sự hợp tác. Không chỉ dừng lại ở vấn đề hiệu quả viện trợ, diễn đàn còn đề cập tới các vấn đề phát triển bền vững, minh bạch, vấn đề bình đẳng giới và đặc biệt là vai trò của chính các nước tiếp nhận viện trợ… Thông điệp được đưa ra cho các quốc gia cung cấp viện trợ là “đừng để cuộc khủng hoảng kinh tế trong ngắn hạn làm chệch hướng những cam kết lâu dài dành sự giúp đỡ cho những người nghèo trên thế giới”. Vì vậy, với các nỗ lực của mình, các quốc gia đều nhất trí về việc đảm bảo thực hiện các cam kết viện trợ. Một số nước thậm chí còn cam kết tăng nguồn vốn ODA trong thời gian tới như Australia, Hàn Quốc… Ngược lại, vai trò của các quốc gia tiếp nhận việc trợ cũng được đánh giá cân bằng trong quá trình hợp tác, đó là những đối tác để hợp tác cùng phát triển chứ không đơn thuần sử dụng nguồn viện trợ một cách thụ động.

Các nhà hoạch định chính sách từ khoảng 160 quốc gia đã nhất trí thiết lập một mối quan hệ đối tác mới trên toàn thế giới để giúp cho hoạt động viện trợ hiệu quả hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn có nhiều khó khăn. Tuyên bố Busan đã nhấn mạnh tới các vấn đề mấu chốt như: định hướng kết quả hợp tác; quan hệ đối tác phát triển toàn diện, tăng cường tính minh bạch và giám sát; Nâng cao hiệu quả hợp tác Nam-Nam và hợp tác tam giác, sự tham gia của khu vực hợp tác tư nhân. Tuyên bố cũng chính thức công nhận sự chuyển đổi từ “hiệu quả viện trợ” sang “hiệu quả phát triển”. Cũng tại Diễn đàn lần này, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Chương trình phát triển của Liên hợp Quốc đã cam kết hợp tác chặt chẽ với nhau trong các lĩnh vực hỗ trợ phát triển…

Tại Diễn đàn HLF4, Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông dẫn đầu đã tham gia vào phiên thảo luận “Hợp tác phát triển với các nước ASEAN”. Phiên thảo luận đã dành được sự quan tâm của nhiều đại biểu đến từ các quốc gia, các tổ chức xã hội; đặc biệt là Việt Nam với những thành tựu phát triển kinh tế trong những năm gần đây đã góp phần nâng cao vị thế của đất nước trong khu vực và trên thế giới. Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, trong 20 năm là quốc gia nhận viện trợ, Việt Nam đã giảm từ 50% số hộ nghèo xuống còn hơn 10%. Đặc biệt, Việt Nam đã đạt 2/3 các chỉ số phát triển trong Mục tiêu thiên kỷ và phấn đấu đến 2015 sẽ đạt 100%. Về kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, Thứ trưởng cho rằng Việt Nam có con đường riêng với những thuận lợi và khó khăn của mình, trong đó, 3 đột phá là cải cách thể chế (xây dựng thể chế kinh tế thị trường hoàn toàn); phát triển nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ. Đây cũng là những lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới…

Trong thời gian nhóm họp, các chương trình bên lề khá phong phú và đa dạng đã thu hút các đại biểu. Bên cạnh đó, nước chủ nhà Hàn Quốc cũng tổ chức nhiều chương trình triển lãm đa dạng như Triển lãm lịch sử viện trợ (Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc), Triển lãm ngoài trời chủ đề chia sẻ và giao tiếp (Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc), Triển lãm ảnh báo chí quốc tế Yonhap (Hãng thông tấn Yonhap) nhằm tạo không gian thư giãn và làm phong phú hơn nội dung của Diễn đàn cấp cao về hiệu quả viện trợ.

Diễn đàn đã khép lại với những cam kết, những nhận thức mới và những quan điểm nhất trí đã được thông qua trong Tuyên bố Busan, tuy nhiên, Cộng đồng quốc tế vẫn trông đợi nhiều hơn ở những kết quả viện trợ cụ thể sau Diễn đàn này.


Bài, ảnh: Đỗ Quyên