11:20 23/11/2020

Các nước châu Âu sẵn sàng trừng phạt những bên cản trở tiến trình hòa bình Libya   

Ngày 23/11, các quốc gia châu Âu nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Libya cảnh báo sẽ áp lệnh trừng phạt với bất kỳ bên nào cản trở tiến trình hòa bình còn mong manh tại quốc gia này.

Chú thích ảnh
Khói bốc lên sau các cuộc giao tranh tại ngoại ô Tripoli ngày 12/4/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong thông báo chung mới đưa ra, Anh, Pháp, Đức và Italy đã kêu gọi tất cả các bên, dù là nội bộ Libya hay quốc tế, hạn chế triển khai những kế hoạch "song song và thiếu phối hợp", có nguy cơ làm suy yếu những nỗ lực thiết lập hòa bình ở Libya do Liên hợp quốc (LHQ) làm trung gian. Thông báo nêu rõ các quốc gia này sẵn sàng các biện pháp trừng phạt với bất kỳ bên nào cản trở tiến trình này, gây thiệt hại ngân sách hoặc làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, thông báo này không nêu rõ các bên vi phạm.

Bốn quốc gia trên cũng hoan nghênh lộ trình hòa bình đã được các bên tham chiến tại Libya thống nhất nhằm mở đường cho việc tổ chức tổng tuyển cử tại quốc gia này dự kiến vào ngày 24/12, sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 10 vừa qua, cho rằng đây là một bước đi quan trọng để  khôi phục chủ quyền cho Libya. Các quốc gia châu Âu cũng khẳng định ủng hộ quan điểm của người dân Libya phản đối mọi sự can thiệp từ nước ngoài cũng như ủng hộ ý chí đoàn kết hướng tới giải pháp đối thoại hòa bình và ái quốc tại nước này.

Sau khi rơi vào một cuộc nội chiến phức tạp kể từ năm 2011, tại Libya hình thành hai lực lượng chính là Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ và LHQ công nhận, trong khi Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Haftar được sự hậu thuẫn của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Nga. GNA và LNA đã ngừng giao tranh sau khi ký kết thoả thuận ngừng bắn hồi tháng trước tại Geneva (Thụy Sĩ) dưới sự trung gian của LHQ.

Sau thoả thuận này, tình hình tại Libya gần đây đã ghi nhận những tiến triển về các khía cạnh kinh tế và chính trị, làm dấy lên hy vọng về khả năng tiến tới một giải pháp toàn diện cho khủng hoảng tại quốc gia Bắc Phi. Tuy nhiên, tuần trước, báo cáo trước Hội đồng Bảo an LHQ, quyền Đại diện Đặc biệt của Tổng Thư ký (LHQ) về Libya, bà Stephanie Williams, cho biết các bên đối địch tại Libya vẫn chưa bắt đầu rút quân theo quy định của thoả thuận.

Lê Ánh (TTXVN)