05:11 23/05/2011

Các ngân hàng đua nhau huy động vốn

Ngày 30/6 tới đây là thời hạn cuối cùng các ngân hàng thương mại (NHTM) phải báo cáo về lộ trình tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian qua các NHTM gặp khó khăn trong việc huy động vốn trong dân.

Ngày 30/6 tới đây là thời hạn cuối cùng các ngân hàng thương mại (NHTM) phải báo cáo về lộ trình tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian qua các NHTM gặp khó khăn trong việc huy động vốn trong dân. Thống kê của Ngân hàng nhà nước, tính đến 21/4, tiền gửi của khách tại ngân hàng chỉ tăng 0,46% trong khi lượng vốn ngân hàng cung ứng cho nền kinh tế tăng 5,01% so với cuối năm ngoái. Riêng tháng 4, tiền gửi VND giảm 1,84% so với tháng trước.

Cạnh tranh khuyến mãi

Theo các NHTM, với trần lãi suất huy động 14%, người dân không mặn mà gửi tiết kiệm dù đây là kênh an toàn và hiệu quả. Trước tình hình trên, các NHTM đã đưa ra nhiều chương trình, chính sách nhằm thu hút tiền nhàn rỗi trong dân.

Ngày 15/5, Ngân hàng Đại Á (DaiAbank) triển khai chương trình khuyến mãi tặng quà hấp dẫn cho các khách hàng gửi tiết kiệm, nhân kỷ niệm 18 năm thành lập (30/7/1993 - 30/7/2011). Theo đó, từ ngày 15/5 - 30/7/2011, với mỗi hạn mức gửi tiết kiệm, khách sẽ nhận được quà tặng tương ứng có giá trị là áo đi mưa, nón bảo hiểm và bộ chén sứ cao cấp. Đặc biệt, chỉ từ 5 triệu đồng tiết kiệm cho kỳ hạn 6 tháng, khách hàng đã có ngay quà tặng mang về. Ngoài ra, khi tham gia các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm tại DaiABank, khách hàng còn được thụ hưởng các tiện ích bổ trợ như nhắc nhớ đến kỳ hạn nhận lãi, kết thúc kỳ hạn gửi tiền qua điện thoại bằng dịch vụ SMS - Banking, nhận lãi qua thẻ ATM, truy vấn lịch sử giao dịch trên hệ thống E - Banking...

Giao dịch tại Hội sở Habubank. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Trước đó, Việt Nam Tín Nghĩa Ngân hàng (TinNghiaBank) cho ra thị trường sản phẩm "Tiền gửi Bảo an" dành cho khách hàng gửi VND có kỳ hạn. Theo đó, nếu có biến động lãi suất, người gửi tiền sẽ được hưởng lãi suất cao hơn hoặc bằng lãi suất ghi trên Thẻ tiết kiệm, Hợp đồng tiền gửi (lãi suất gốc)...

Còn với sản phẩm "Tiền gửi đầu tư" của NHTMCP Đại Tín (TRUSTBank), khách hàng có số dư càng lớn, lãi suất càng cao. Cụ thể, khi khách hàng duy trì số dư bình quân hàng tháng từ 100 triệu đồng/tháng trở lên (đối với cá nhân) hoặc từ 500 triệu đồng/tháng (đối với doanh nghiệp) dành cho kỳ hạn gửi không kỳ hạn, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất đầu tư hấp dẫn tối đa lên đến 8,7%/năm...

“Đi đêm” lãi suất

Cạnh tranh khuyến mãi của các NHTM chỉ là bề nổi trong việc huy động vốn. Thực tế, phần lớn các ngân hàng đói vốn đều đang phải tìm nhiều cách khác nhau để trả lãi cao hơn 14%. Theo đó, tùy từng lượng tiền gửi, khách hàng có thể thỏa thuận lãi suất với các ngân hàng từ 15 - 21%/năm. Hầu hết, các ngân hàng “đi đêm” lãi suất với khách hàng chủ yếu là các ngân hàng nhỏ như Maritime Bank, OceanBank, SeaBank, OCB, SouthernBank, WesternBank...

Anh Tuấn Nam - ngụ tại quận 3, TP.HCM cho biết: “Hiện nay, tôi đang lưỡng lự chọn ngân hàng để gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng với lãi suất ưu đãi trên 14%/năm. Theo tư vấn của chi nhánh NHTM S. quận 1, nếu tôi đồng ý gửi tiết kiệm với kỳ hạn trên 1 năm sẽ được hưởng lãi suất đến 18%/năm, đồng thời được rút lãi suất trước 4 tháng”. Tuy nhiên, theo anh Nam, trên sổ tiết kiệm vẫn ghi mức lãi suất 14%/năm, còn lại 0,4% được lách bằng cách thưởng cho người môi giới khách hàng đến gửi tiết kiệm.

Chị Thanh Huyền – khách hàng tại TP Nha Trang cũng cho hay: “Vì kinh doanh nên tháng nào tôi cũng có một số tiền nhàn rỗi nhất định để gửi tiết kiệm. Ngân hàng nào lãi suất cao, tôi sẽ gửi. Chính vì là khách hàng thân thiết của các NHTM, tôi luôn được ưu tiên hưởng lãi suất ưu đãi và hấp dẫn. Mới đây, tôi đã thỏa thuận với chi nhánh NHTM M. tại TP Nha Trang với lãi suất lên đến 19%/năm”.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc các NHTM thỏa thuận lãi suất với khách hàng không có gì lạ bởi lãi suất thị trường liên ngân hàng đã lên mức 21 - 24%/năm, trong khi lãi suất tái cấp vốn mới ở mức 14%/năm từ ngày 1/5 vừa qua và lãi suất trên thị trường mở kỳ hạn 7 ngày ở mức 14%/năm. Do đó, lãi suất trên thị trường 1 (thị trường huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế) vượt xa mức trần 14%/năm. Như vậy, lãi suất huy động 14%/năm hiện nay không còn phù hợp.

TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị và Kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, để kiểm soát lãi suất huy động, nên chăng NHNN kiểm soát lãi suất thị trường liên ngân hàng trước, đồng thời phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt việc cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách, cũng như các giải pháp được đưa ra tại Nghị quyết 11/2011/NĐ - CP. NHNN cũng cần hỗ trợ về thanh khoản cho những ngân hàng quy mô nhỏ, chưa có nhiều lợi thế về thị phần huy động vốn.

Hải Yên