06:16 13/06/2019

Các ngân hàng dành 357 tỷ đồng hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi 

Ngày 13/6, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cho biết: Đến nay, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ người dân chăn nuôi lợn bị thiệt hại do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi số tiền 357 tỷ đồng thông qua hình thức cơ cấu nợ.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, để tháo gỡ khó khăn cho người dân chăn nuôi lợn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi vay; đồng thời cho vay mới để người dân chuyển đổi ngành nghề với số tiền 278 tỷ đồng.

Trước đó, NHNN đã yêu cầu các TCTD thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau khi dịch kết thúc, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ.  

Chú thích ảnh
Nhân viên Thú y phun tiêu độc, khử trùng tại chuồng nuôi lợn của người dân. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN/

Phía NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố luôn phải nắm sát diễn biến dịch trên địa bàn, chỉ đạo các TCTD kịp thời thống kê dư nợ cho vay chăn nuôi lợn, dư nợ bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra để chủ động có biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi lợn. 

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho hay: Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và kéo dài, nguy cơ lây lan cao. Tính đến ngày 8/6, đã có 58 địa phương  xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, với số lượng buộc phải tiêu hủy là hơn 2,3 triệu con.

Đề cập về nguồn vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của NHNN chia sẻ: Đến nay, ngành ngân hàng cơ bản đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, các nhu cầu đời sống của người dân. Thống kê tới ngày 10/6, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,75% so với cuối năm 2018. Tín dụng hướng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát.  

Minh Phương/Báo Tin tức