01:10 19/01/2021

Các huyện biên giới tỉnh Điện Biên chủ động phòng, chống rét cho học sinh 

Thời gian qua, các đợt không khí lạnh tăng cường đã gây rét đậm, rét hại trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đặc biệt là ở các địa bàn vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như việc học tập của học sinh.

Trước tình hình đó, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các trường học triển khai nhiều biện pháp chống rét cho học sinh, nhất là bậc học Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở. 

Chú thích ảnh
 Cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) đốt lửa sưởi ấm. 

Mường Nhé là huyện biên giới ở cực Tây của tỉnh Điện Biên. Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp ở Mường Nhé vẫn còn hạn chế. Bởi vậy, việc chủ động phòng chống rét cho học sinh luôn được ngành Giáo dục và Đào tạo huyện quan tâm mỗi khi mùa Đông đến.

Theo khảo sát của phóng viên tại một số trường học như: Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Leng Su Sìn, Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở Sín Thầu, Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Mường Toong, hầu hết các nhà trường đã chủ động biện pháp giữ ấm cho học sinh từ việc đảm bảo cho các em mặc đủ ấm, đủ chăn ấm, gia cố lớp học, phòng ở… Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trường trên địa bàn Mường Nhé vẫn đảm bảo công tác dạy và học. 

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Mường Toong là một trong những trường học có đông học sinh ở bán trú nhất của huyện Mường Nhé với hơn 340 học sinh ở bán trú. Trong những ngày qua, do thời tiết rét đậm, rét hại đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học của giáo viên cũng như học sinh.

Theo cô Lê Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Mường Toong, để chủ động phòng, chống rét cho học sinh, nhà trường đã thực hiện nhiều biện pháp như: tuyên truyền đến phụ huynh và học sinh luôn đảm bảo mặc đủ ấm cho các em; luôn đảm bảo chăn đủ ấm cho các em sinh hoạt ở nhà bán trú của nhà trường; gia cố, che chắn lại lớp học và phòng ở bán trú cho học sinh. Khi nhiệt độ xuống thấp khoảng 7-8 độ C có thể đốt lửa sưởi ấm cho học sinh và lùi giờ vào lớp từ 7 giờ 30 phút lên 8 giờ. Bên cạnh đó, việc đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh cũng sẽ tăng sức đề kháng cho các em ở bán trú tại nhà trường,… 

Ông Phạm Thiết Chùy - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết, toàn huyện hiện có hơn 6.200 học sinh bán trú. Thời gian qua, nền nhiệt trên địa bàn huyện Mường Nhé xuống thấp, đặc biệt tại một số địa bàn như xã Sín Thầu, Sen Thượng có thời điểm xuống còn khoảng 4 - 5 độ C. Để chủ động chống rét cho học sinh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường phải đảm bảo đời sống cho học sinh cùng việc tổ chức dạy và học theo đúng quy định.

Những ngày thời tiết xuống dưới 7 độ C, phòng đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức cho học sinh nghỉ học. Trong việc dạy và học cũng như ở bán trú của học sinh, các nhà trường phải đảm bảo giữ ấm và đảm bảo dinh dưỡng cho các em. Đối với các trường học đã cho học sinh nghỉ học để tránh rét phải điều chỉnh lịch học phù hợp, đảm bảo dạy bù, không dồn ép, cắt xén chương trình học của các em. Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng đã chủ động kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ học sinh về chăn ấm, áo ấm, giày dép cho các em vượt qua mùa Đông lạnh giá. 

Tại huyện biên giới Nậm Pồ, mùa Đông năm nay có thời điểm toàn huyện có 13 trường học với trên 7.000 học sinh phải nghỉ học để tránh rét. Các trường cho học sinh nghỉ học thuộc hai cấp Mầm non và Tiểu học tại các xã Si Pa Phìn, Phìn Hồ, Nà Bủng, Na Cô Sa. Trong số trên 7.000 học sinh tại Nậm Pồ phải nghỉ học có gần 2.500 em bán trú. Để bảo đảm sức khỏe cho học sinh, cán bộ y tế các nhà trường đã thường xuyên kiểm tra sức khỏe học sinh. Giáo viên chủ nhiệm kiểm tra, rà soát, bổ sung chăn, áo ấm; chỗ ngủ bảo đảm kín và ấm áp, có nước ấm để phục vụ, chăm sóc các cháu; đồng thời, phải bảo đảm chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn hợp lý trong những ngày rét đậm, rét hại.

Thầy Bùi Xuân Quý, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Phìn Hồ cho biết: Trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, đối với học sinh ngoại trú, nhà trường cho nghỉ học nhưng vẫn thường xuyên theo dõi việc học của các em ở nhà. Còn đối với các em ở bán trú dù không tổ chức việc dạy học tại lớp nhưng các giáo viên vẫn quán xuyến việc học của các em, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động để các em khỏi nhàm chán trong những ngày nghỉ học. Ngoài ra, trong những ngày rét, nhà trường đã tăng cường thêm dinh dưỡng để các em có sức khỏe chống chọi với thời tiết. 

Chú thích ảnh
Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) hướng dẫn học sinh giữ ấm trong những ngày giá rét. 

Đợt rét đậm, rét hại vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giáo dục ở Điện Biên. Trong đó, có thời điểm như ngày 11/1, toàn tỉnh có 130 trường với gần 55.000 học sinh thuộc ba cấp Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở phải nghỉ học. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã có văn bản chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại.

Theo đó, căn cứ vào thông tin dự báo thời tiết, Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương chỉ đạo hiệu trưởng các trường trên địa bàn được phép quyết định cho học sinh nghỉ học để đảm bảo sức khỏe. Trường hợp học sinh vẫn đến trường, nhà trường phải bố trí cho học sinh vào phòng ấm và quản lý cho đến khi phụ huynh đón về, không để học sinh đứng ở ngoài cổng trường và không tổ chức hoạt động tập trung học sinh ngoài trời...

Bài và ảnh: Xuân Tư (TTXVN)