10:22 27/10/2015

Các hoạt động chống ngầm ở Ấn Độ Dương - Kỳ 1

Trung tuần tháng 9/2015, Ấn Độ và Australia đã tiến hành cuộc diễn tập hải quân chung đầu tiên ở Vịnh Bengal. Truyền thông đưa tin cuộc tập trận diễn ra với trọng tâm là các hoạt động tác chiến chống ngầm. Đây được xem như một minh chứng cho sự đồng thuận ngày càng cao trong khu vực về mối đe dọa của tàu ngầm ở các vùng duyên hải châu Á.


KẾ HOẠCH DÀI HƠI

Australia đã cử máy bay trinh sát chống ngầm P-3 do Lockheed Martin chế tạo, một tàu ngầm lớp Collins và các khinh hạm chống ngầm, trong khi Ấn Độ điều máy bay chống ngầm tầm xa P-8 cùng các lực lượng mặt nước khác tham gia cuộc diễn tập
.
Trong hai năm qua, giới phân tích Ấn Độ đã lo “ngay ngáy” trước những động thái triển khai tàu ngầm của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Đến tháng 5/2015 khi một tàu ngầm lớp Yuan (Nguyên) của Trung Quốc cập cảng Karachi (Pakistan), nỗi lo ấy ở New Delhi càng tăng lên trước khả năng tàu ngầm Trung Quốc sẽ có sự hiện diện lớn hơn ở gần vùng biển Ấn Độ, trong một kế hoạch dài hơi nhằm mở rộng phạm vi hoạt động của Hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Với lý do triển khai các hoạt động chống cướp biển, tàu ngầm Trung Quốc đang thực thi những sứ mệnh độc lập nhằm tạo tiền đề cho một sự triển khai luân phiên nhưng lâu dài ở khu vực Ấn Độ Dương.

Một cuộc diễn tập có sự tham gia của tàu ngầm.

Những động thái triển khai tàu ngầm mới đây của Hải quân Trung Quốc đã hé lộ về một chiến lược nhằm thiết lập các không gian kiểm soát ở Ấn Độ Dương. Hồi tháng 10/2014, một tàu ngầm lớp Tống của Trung Quốc đã cập cảng Colombo của Sri Lanka. Cơ sở này lại do một công ty của Trung Quốc xây dựng và quản lý. Do đó, chuyến thăm như vậy đã vi phạm các quy định hiện hành là các tàu hải quân nước ngoài chỉ được cập những bến cảng do nhà chức trách Sri Lanka vận hành. Giới chức quốc gia Nam Á này đã đưa ra lời giải thích riêng cho động thái bất thường đó, cho là nước này đang có một nhu cầu tác chiến cấp bách. Tuy nhiên, một lý do như vậy là chưa đủ thỏa đáng để xua tan những đồn đoán rằng Sri Lanka chịu sức ép phải cho các tàu ngầm Trung Quốc triển khai tại một cơ sở đặc biệt.

Tàu ngầm lớp Nguyên.

Ở Karachi cũng vậy, tàu ngầm Hải quân Trung Quốc đã lưu lại cảng này trong một hoạt động bí mật kéo dài nhiều ngày mà chỉ được tiết lộ với báo chí vài tuần sau đó.

Đáng kể là, các nhà hoạch định hàng hải Trung Quốc đang gia tăng độ phức tạp trong các sứ mệnh tàu ngầm của nước này. Tàu ngầm lớp Nguyên xuất hiện ở Karachi báo hiệu một sự “tăng tiến” so với chuyến thăm Colombo, bởi khi đó tàu ngầm lớp Tống cần tới sự hỗ trợ của một tàu khác.

Lộ trình tàu ngầm lớp Nguyên đến cảng Karachi.

Việc sử dụng tàu ngầm lớp Nguyên 335, trang bị hệ thống đẩy độc lập với không khí (AIP) và có khả năng hoạt động lâu hơn dưới nước, trong những sứ mệnh sau cho thấy Bắc Kinh nay đang chuẩn bị “nâng cấp” các hoạt động tàu ngầm tại Ấn Độ Dương. Theo đó, Hải quân PLA đang hoàn thiện các quy trình vận hành tiêu chuẩn, tích lũy kinh nghiệm hoạt động dưới mặt nước cũng như thu thập các dữ liệu quan trọng về thủy văn và độ sâu nhằm duy trì sự hiện diện lâu dài tại khu vực Vành đai Ấn Độ Dương.

Trong khuôn khổ các chiến dịch mới của Hải quân PLA, tàu ngầm nhiều khả năng đóng một vai trò ngày càng quan trọng. Ngoài việc bảo vệ không gian hàng hải chiến thuật và thu thập thông tin tình báo quan trọng, các tàu ngầm Trung Quốc có thể tránh bị phát hiện và nhắm mục tiêu vào tàu ngầm Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Đáng kể hơn, sự xuất hiện của các tàu ngầm Trung Quốc có nguy cơ khiến cho các khả năng ngăn chặn của New Delhi ở Ấn Độ Dương trở nên “dư thừa”.

Hiện Bắc Kinh đã đang triển khai các tàu ngầm hạt nhân đến Ấn Độ Dương, dường như nhằm thể hiện sự tự tin của Trung Quốc trong việc duy trì sự hiện diện vững chắc ở Khu vực Ấn Độ Dương cũng như để chứng minh Ấn Độ không có khả năng bảo vệ các vùng duyên hải chiến lược. Tuy nhiên, Ấn Độ trước đó đã tung ra mẫu tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo đầu tiên của nước này mang tên INS Arihant vào năm 2009, trong khi chiếc thứ 2 và thứ 3 đang trong quá trình đóng mới.

Một số chuyên gia nhận định các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo có thể giúp làm giảm nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh lớn trong khu vực do không có đối thủ nào muốn tấn công phủ đầu một quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân bất khả xâm phạm. Mặc dù vậy, nhiều người cho rằng các tàu ngầm hạt nhân này có thể dẫn tới một giai đoạn bất ổn ban đầu do Ấn Độ và Trung Quốc đã bắt đầu triển khai chúng mà không có sự đồng bộ về hệ thống chỉ huy, thông tin liên lạc và chương trình huấn luyện thủy thủ đoàn phù hợp. Một rủi ro khác là việc triển khai những khí tài này có thể làm trầm trọng hơn những căng thẳng hàng hải hiện có trong khu vực và góp phần kích động các cuộc chạy đua vũ trang truyền thống.

Xem Kỳ cuối: Thế cân bằng trước nguy cơ suy yếu

Huy Lê