Các thương hiệu xe hơi Đức và Nhật Bản đang trải qua giai đoạn doanh số bán hàng sụt giảm ở Đông Nam Á, do cạnh tranh gay gắt với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tại thị trường này.
Xe được sản xuất tại nhà máy của hãng Porsche ở Stuttgart, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Các thương hiệu xe hơi Đức từ lâu hiện diện mạnh mẽ ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, thời gian qua đã có sự đảo chiều. Tại Singapore, thị phần thương hiệu Đức trong các xe ô tô đăng ký mới là 28% vào năm 2024, giảm so với mức 32% của năm 2023. Trong khi đó, các thương hiệu Trung Quốc chiếm tới 18,2% số xe đăng ký mới, tăng vọt so với mức chỉ 5,9% vào năm 2023.
Xu hướng này thậm chí còn rõ rệt hơn ở Philippines, nơi các thương hiệu Đức chỉ bán được vài trăm xe mới mỗi năm. Theo công ty tư vấn AutoIndustriya (Philippines), doanh số của BMW đã giảm gần 1/3, trong khi Volkswagen ghi nhận mức sụt giảm 15%.
Tình hình tại Thái Lan cũng không mấy tích cực với các thương hiệu xe hơi Đức. Tuy nhiên, sự sụt giảm này trùng với diễn biến thu hẹp của thị trường ô tô Thái Lan, đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm qua vào năm 2024.
Các hãng ô tô lớn của Nhật Bản cũng đang trong giai đoạn sụt giảm đáng kể về thị phần. Toyota, thương hiệu bán chạy nhất ở Đông Nam Á, đang nhanh chóng tuột mất thị phần. Vào tháng 11/2024, hãng tin Bloomberg (Mỹ) đưa tin, trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến 2024, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản ghi nhận thị phần giảm đáng kể ở Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn tới thay đổi này. Theo Citigroup, vào năm 2023, Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 4,7 triệu ô tô, tăng gấp ba lần so với năm 2021, mặc dù 1/3 trong số chúng thuộc các thương hiệu quốc tế.
Ô tô điện được sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD đã nhanh chóng mở rộng hiện diện tại Đông Nam Á. Ở Singapore, năm 2023, BYD vượt qua Toyota để trở thành thương hiệu ô tô phổ biến nhất. Doanh số bán hàng tại Philippines của BYD cũng tăng vọt trong cùng kỳ.
Bất chấp thị phần của các thương hiệu Đức đang giảm, các nhà phân tích vẫn kêu gọi thận trọng khi diễn giải các con số. Một phát ngôn viên của BMW nói với kênh DW (Đức) rằng doanh số bán hàng của hãng tại Singapore đã tăng 49% vào năm 2024, với lượng xe điện chạy bằng pin (BEV) tăng 107%. Tăng trưởng này một phần được hỗ trợ bởi chương trình của chính phủ Singapore, cung cấp các khoản hoàn lại đáng kể cho lệ phí đăng ký xe điện.
Khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tiếp tục mở rộng mạnh mẽ, một số quốc gia đã thực hiện các biện pháp đối phó. Liên minh châu Âu (EU) gần đây áp thuế đến 45% với xe điện Trung Quốc, kèm cáo buộc chính phủ Trung Quốc trợ cấp không công bằng làm méo mó cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, các biện pháp như vậy khó có thể được thực hiện ở Đông Nam Á, nơi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang ngày càng nội địa hóa sản xuất.
Vào tháng 7/2024, BYD mở nhà máy đầu tiên ở Đông Nam Á tại Thái Lan, một cơ sở trị giá 492 triệu USD có khả năng sản xuất 150.000 xe mỗi năm. Tạp chí The Economist gần đây đưa tin rằng các nhà máy của Trung Quốc có thể sản xuất gần 45 triệu ô tô mỗi năm, nhưng hiện tại họ chỉ hoạt động ở công suất 60%.