04:18 20/04/2021

Các gia đình gốc Á tại Mỹ lo con đến trường giữa làn sóng bạo lực và COVID-19

Trong bối cảnh các trường học trên khắp nước Mỹ dần mở cửa trở lại, các gia đình người Mỹ gốc Á đau đầu với câu hỏi liệu có nên để con cái quay lại trường hay không.

Chú thích ảnh
Kim Horrigan ngồi cạnh con trai Conor đang học trực tuyến tại nhà ở thành phố Quincy. Ảnh: AP

Tại khu vực Dallas, một gia đình người Mỹ gốc Hàn dự định cho con gái trong độ tuổi thiếu niên học trực tuyến đến hết năm 2021 sau khi họ phát hiện một câu hỏi mang hơi hướng phân biệt chủng tộc đối với người Trung Quốc, trong đó có hành vi ăn thịt chó mèo, trong bài kiểm tra của con.

Theo hãng tin AP, trong bối cảnh các trường học trên khắp nước Mỹ dần mở lại hình thức học trên lớp, các gia đình người Mỹ gốc Á đau đầu với việc câu hỏi liệu có nên để con cái quay lại trường hay không, đặc biệt là khi quan điểm và hành vi bạo lực nhằm vào người gốc Á đang gia tăng.

Một số phụ huynh gốc Á cho biết họ dự định cho con tiếp tục tham gia học trực tuyến, đặc biệt là khi cũng sắp hết năm học và các ca mắc COVID-19 ngày một nhiều hơn. 

Trên thực tế, học sinh người Mỹ gốc Á có tỷ lệ học trực tuyến cao nhất trong hơn một năm sau khi đại dịch COVID-19 buộc các trường phải đóng cửa. Một cuộc khảo sát của chính phủ liên bang công bố vào đầu tháng này cho thấy chỉ có 15% học sinh lớp 4 người Mỹ gốc Á đến trường vào tháng 2, trong khi tỷ lệ đó đối với học sinh da trắng là một nửa.

Tỷ lệ này dường như đang tăng lên ở một số thành phố nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ của học sinh, sinh viên người da màu, Latinh và da trắng. Cụ thể, tại các trường công lập Sacramento, Boston và Chicago, khoảng 1/3 học sinh người Mỹ gốc Á dự kiến trở lại lớp học trong tháng này, trong khi con số đó với học sinh da trắng là 70%.

Giới trẻ gốc Á cũng không tránh khỏi những hành vi phân biệt chủng tộc. Một báo cáo vào tháng 9 của tổ chức Stop AAPI Hate trụ sở tại San Francisco cho thấy khoảng 25% thanh niên người Mỹ gốc Á được khảo sát đã từng trải qua tình huống phân biệt đối xử, bao gồm quấy rối bằng lời nói, bắt nạt trên mạng và tấn công thân thể khi đại dịch bùng phát. Khảo sát của tổ chức cho hay trên 12% các vụ việc được báo cáo xảy ra đối với các em từ 17 tuổi trở xuống.

Ông Peter Kiang – người đứng đầu khoa Nghiên cứu người Mỹ gốc Á thuộc Đại học Massachusetts ở Boston – giải thích nỗi lo ngại về sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và tình trạng phân biệt chủng tộc gia tăng là những yếu tố dẫn đến tỷ lệ lên lớp chênh lệch giữa các nhóm học sinh. 

Chú thích ảnh
Cô bé Grace Hu háo hức mong trở lại trường học. Ảnh: AP

Đối với Grace Hu – một thiếu niên 16 tuổi tại Sharon, Massachusetts dành cả năm ngoái để học trực tuyến – chia sẻ quyết định quay trở lại trường học trong tháng này hoàn toàn là một điều dễ dàng đối với cô.

Trước đó, cô bé đã từng tham gia tổ chức một cuộc biểu tình đòi công bằng cho người châu Á tại Boston. Sinh sống tại một quận có số học sinh gốc Á đáng kể, Grace cho biết cô cảm thấy an toàn và được chào đón.

“Cháu cảm giác như bị nhốt trong nhà vậy. Cháu chỉ muốn gặp lại bạn bè mình”, Grace nói.

Tại thành phố Quincy gần Boston với lượng người Mỹ gốc Á tập trung nhiều, Kim Horrigan cho biết vợ chồng cô vẫn đang phân vân không biết liệu có nên duy trì hình thức học trực tuyến đối với con trai 8 tuổi cho đến hết năm hay không.

Mặc dù không lo ngại về nạn phân biệt chủng tộc song Horrigan giải thích cô sợ những người còn lại trong gia đình, bao gồm bố mẹ đã 70 tuổi và hai đứa con nhỏ, dễ có nguy cơ mắc COVID-19 từ ngoài. Tuy nhiên, Horrigan cũng sợ con trai sẽ bị các bạn bỏ xa nếu như tiếp tục học ở nhà.

Swan Lee - một bà mẹ gốc Hoa ở vùng ngoại ô Brookline của Boston - không chắc việc giữa các con ở nhà là câu trả lời cho những vấn đề đang tồn tại ở Mỹ.

Hai người con trong độ tuổi trung học của cô đang chuẩn bị trở lại trường học vào cuối tháng này. Cô ấy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sống tích cực và mạnh mẽ, mặc dù cũng thừa nhận khá lo lắng về những gì có thể xảy ra bên ngoài trường học.

“Đó không phải là cách bảo vệ và che chở cho các con. Điều đó tạo ra sự thụ động và phòng thủ thái quá. Chúng ta phải đối mặt bằng cách xây dựng nó. Mọi người cần hiểu kiểu phân biệt chủng tộc này là sai và đây là cách duy nhất để nó biến mất”, Lee kết luận.

Bảo Hà/Báo Tin tức