08:12 26/08/2011

Các đồng tiền châu Á xuống giá mạnh khi Mỹ từ bỏ nỗ lực nới lỏng tiền tệ

Ngày 25/8 ,các đồng tiền châu Á, dẫn đầu là đồng uôn của Hàn Quốc, đã xuống giá mạnh sau khi Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke thông báo FED từ bỏ nỗ lực nới lỏng tiền tệ lần thứ 3 để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế Mỹ.

Ngày 25/8 ,các đồng tiền châu Á, dẫn đầu là đồng uôn của Hàn Quốc, đã xuống giá mạnh sau khi Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke thông báo FED từ bỏ nỗ lực nới lỏng tiền tệ lần thứ 3 để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế Mỹ. Đồng uôn Hàn Quốc giảm 0,5%; đồng ringghít của Malaixia giảm 0,4%, đồng rupi của Inđônêxia giảm 0,3% và đồng đôla Xinhgapo; đồng bạt Thái Lan và đồng rupi Ấn Độ cùng giảm 0,2%; đồng đôla Đài Loan và pêxô Philíppin cùng giảm 0,1% so với đồng USD...

Mỹ đã bác bỏ tin đồn về khả năng FED lại có một đợt bán trái phiếu mới để bơm thêm tiền vào nền kinh tế của nước này vốn đang trì trệ. Theo ông Sim Moh Siong, nhà chiến lược hối đoái của Ngân hàng Xinhgapo, đợt nới lỏng tiền tệ lần thứ 3 của Mỹ không cần thiết vì các dữ liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ không cần một hành động tiền tệ khẩn cấp. Giá nhà ở Mỹ đã tăng 0,9% trong tháng 6, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 9/2005, trong khi đơn đặt các mặt hàng sử dụng lâu bền đã tăng tới 4% trong tháng 7/2011. Việc đồng USD mạnh lên nhất quán với xu hướng này của nền kinh tế Mỹ.

Trong bối cảnh trên, Ngân hàng UBS AG, một trong số rất ít thể chế tài chính lớn nhất thế giới, đã giảm mạnh dự báo tăng trưởng năm 2011 của các nền kinh tế Đông Nam Á, trong đó giảm mức tăng trưởng của nền kinh tế Thái Lan năm 2011 từ 4,5% xuống 3,5%, Xinhgapo từ 5,5% xuống 4,5%. UBS AG cũng giảm dự báo giá trị đồng bạt vào cuối năm 2011 từ 31 xuống còn 30 bạt/USD và đồng ringghít từ 3,1 xuống còn 3 ringghít/USD. Các quỹ toàn cầu đã bán ra 3,7 tỷ USD giá trị các chứng khoán Hàn Quốc, Thái Lan và Inđônêxia, nhiều hơn mua vào trong 3 ngày đầu của tuần này. Lòng tin tiêu dùng ở Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm nay, trong khi nhập khẩu của Philíppin giảm tới 7,9% trong tháng 7 so với tháng 6/2011.

Anh Tuấn (P/v TTXVN tại Mỹ)