05:13 28/05/2021

Các đối thủ cạnh tranh cảnh báo nguy cơ SpaceX 'độc chiếm' không gian

Việc tập đoàn SpaceX của tỷ phú công nghệ Elon Musk phóng hàng nghìn vệ tinh tầm thấp vào quỹ đạo của Trái Đất cho thấy nguy cơ "độc chiếm không gian".

Chú thích ảnh
Tàu Starship SN15 được SpaceX phóng từ Boca Chica, Texas, Mỹ, ngày 5/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là cảnh báo của ông Stephane Israel - người đứng đầu công ty Arianespace ra tại hội nghị về các mục tiêu phát triển bền vững trong không gian, do LHQ tài trợ và tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 27/5.

Cảnh báo của ông Stephane Israel được đưa ra trong bối cảnh cơ quan quản lý Mỹ vừa cấp phép cho dự án dịch vụ Internet Starlink của SpaceX, cung cấp băng thông rộng từ không gian vũ trụ nhưng sử dụng vệ tinh đặt ở tầm thấp hơn so với đề xuất. Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đánh giá dự án này sẽ "phục vụ lợi ích cộng đồng" và “bật đèn xanh” cho SpaceX, bất chấp sự phản đối từ các đối thủ cạnh tranh như Arianespace hay Amazon.

Theo kế hoạch, SpaceX sẽ phóng khoảng 2.800 vệ tinh vào không gian để hướng tới mục tiêu bao phủ Internet cho các khu vực có kết nối kém, cũng như các khu vực trên thế giới hiện chưa thể tiếp cận Internet.

Tuy nhiên, các đối thủ cạnh tranh với SpaceX lại cho rằng việc triển khai vệ tinh ở tầm thấp hơn có thể làm gia tăng nguy cơ va chạm trong không gian, cũng như tình trạng nhiễu sóng vô tuyến.

Phát biểu tại hội nghị trên, ông Israel nêu rõ: "Chúng ta muốn tận dụng không gian vũ trụ để phục vụ các hoạt động của con người... nhưng cũng có trách nhiệm phải đảm bảo quỹ đạo thấp trên bề mặt Trái Đất đó sẽ bền vững lâu dài”.

Ông Israel cho biết trong số hơn 9.000 vệ tinh được phóng lên quỹ đạo kể từ năm 1957, có 1.677 vệ tinh do SpaceX triển khai cho dự án Starlink, tương đương 35% tổng số tất cả các vệ tinh đang hoạt động. Trong số này lại có tới hơn 50% là các vệ tinh có trọng lượng hơn 50kg.

Theo ông Israel, những năm gần đây thế giới đã chứng kiến một số vụ va chạm trong không gian và ít nhất hai trong số này liên quan đến vệ tinh thuộc dự án Starlink. Ông đồng thời cảnh báo về một “kịch bản thảm khốc” nếu xu hướng này tiếp tục gia tăng.

Ông Israel cũng cho rằng SpaceX có “nguy cơ độc quyền không gian” với dự án Starlink, do là một trong những công ty đầu tiên thiết lập một mạng vệ tinh như vậy và đã được FCC “bật đèn xanh”.

Hồi tháng 4 vừa qua, FCC đã đánh giá rằng việc triển khai ở độ cao dưới mức 540km so với mức đề xuất ban đầu là 570 km "sẽ cải thiện trải nghiệm cho người dùng dịch vụ của SpaceX, bao gồm cả ở các vùng cực thường không được các dịch vụ này bao phủ”. Theo FCC, dự án này đồng thời cũng sẽ cho phép các vệ tinh di chuyển nhanh hơn khỏi quỹ đạo và qua đó sẽ có lợi trong việc giảm các mảnh vụn không gian.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Fortune Business Insights, thị trường phóng vệ tinh vào không gian ước tính đạt giá trị gần 13 tỷ USD trong năm 2019, và sẽ tăng lên mức 26 tỷ USD vào năm 2027.

Thanh Phương (TTXVN)