10:18 08/10/2021

Các doanh nghiệp hàng không nêu ý kiến về việc mở cửa bầu trời

Việc mở lại các đường bay sau nới lỏng giãn cách trong điều kiện thích ứng an toàn hiện còn không ít khó khăn do một số địa phương chưa đồng ý đón khách qua đường hàng không. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hàng không cho rằng, vận tải hàng không bị ngưng trệ sẽ để lại những hệ lụy lớn đối với nền kinh tế và cả về đời sống, nhu cầu của người dân.

Đảm bảo an toàn dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu của các hãng hàng không

Để chuẩn bị cho kế hoạch "mở cửa bầu trời" sau nới lỏng giãn cách, theo Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Nguyễn Quốc Phương, ACV đã xây dựng bộ tiêu chí an toàn với hành khách, chuyến bay, nhân lực hàng không và từng cảng hàng không cũng đã triển khai. Bộ tiêu chí dễ nhận diện khi hành khách đến sân bay sẽ thấy các pano, hướng dẫn tuân thủ 5K. Tại các sân bay đều dán ở những vị trí để hành khách đứng làm thủ tục đảm bảo tiêu chuẩn giãn cách. Các khu vực tiếp xúc giữa hành khách và nhân viên sân bay đều có tấm chống giọt bắn, đeo khẩu trang...

"Với sự phát triển của công nghệ thông tin, chuyển đổi số của tất cả các hãng hàng không và ACV, sắp tới những vấn đề liên quan giảm thiểu tiếp xúc sẽ được phát triển nhanh và thuận tiện cho hành khách. Từ đó, câu chuyện về sức khỏe, y tế, xét nghiệm của hành khách đi lại sẽ được nhận diện qua công nghệ, để giảm thiểu thời gian và tiếp xúc cho hành khách trong suốt quá trình di chuyển. Như vậy, chúng ta đảm bảo cho hành khách hành trình an toàn, hành trình xanh", ông Nguyễn Quốc Phương thông tin.

Chú thích ảnh
Việc đi lại bằng đường hàng không là an toàn nhất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Theo Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Hồng Quang, việc đi lại bằng đường hàng không là an toàn nhất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Tất cả hãng hàng không nói chung, Vietnam Airlines nói riêng đảm bảo đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh của Chính phủ, cũng như của các tổ chức hàng không quốc tế và các quốc gia mà Việt Nam có đường bay đến. Vietnam Airlines hiện được Skytrax đánh giá là hàng không 5 sao về phòng chống dịch bệnh. Điều này minh chứng, ngành hàng không nói chung đã ứng phó hiệu quả với dịch bệnh COVID-19, đem lại những chuyến bay an toàn nhất.

Còn Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân chia sẻ, hãng đã tham gia nhiều chuyến bay giải cứu, các chuyến bay "combo" thương mại và các chuyến bay vận chuyển vaccine, đến nay, 100% tổ lái và tiếp viên Bamboo Airways không có ai mắc COVID-19. Gần đây, với các chuyến bay sử dụng hộ chiếu vaccine, vận chuyển hành khách đã tiêm đủ 2 mũi, có xét nghiệm trước khi lên tàu bay, 100% hành khách đều âm tính. Như vậy, có thể thấy rằng, vận tải hàng không an toàn. Bamboo Airways ngoài đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế, thực hiện khử khuẩn liên tục tại các nhà ga và khu vực hành khách hay tiếp xúc, đảm bảo an toàn trong suốt quá trình hành khách đến sân bay và khi kết thúc hành trình của mình đều không bị lây nhiễm.

Riêng Giám đốc thương mại Vietjet Nguyễn Bác Toán cam kết: Vietjet hoàn toàn có thể tạo thành “hàng lang xanh”, “chuyến bay xanh” cho hành khách, kiểm soát dịch một cách tốt nhất. Vì trong thời gian dịch bệnh phức tạp, hãng vẫn tham gia đưa công dân ở nước ngoài trở về, nên đã có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống dịch. Tính đến thời điểm này, tất cả nhân viên của Vietjet đều hoàn thành tiêm chủng. Vì vậy, để hàng không trở lại bình thường mới, Chính phủ cần làm việc với lãnh đạo các địa phương để thống nhất kế hoạch hồi phục ngành hàng không.

Về vấn đề an toàn phòng dịch đối với hàng không, ông Nguyễn Mạnh Quân bổ cho rằng: Công tác tiêm chủng vaccine tại các địa phương trong cả nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây là nỗ lực lớn của Chính phủ, toàn dân và là tài nguyên quan trọng để hồi phục vận tải, không nên để lãng phí. Hiện nay, từ nhà ga đến các hãng bay đều đã sẵn sàng và tự tin có thể mở cửa an toàn.

Thống kê, Việt Nam đã có hơn 13 triệu người tiêm đủ 2 mũi vaccine. Do vậy, ở giai đoạn đầu mở cửa hàng không, với các đường bay nội địa, các cảng hàng không có thể đưa ra quy định cho phép người đã tiêm đủ 2 mũi, xét nghiệm âm tính được tham gia dịch vụ vận tải hàng không; đồng thời, kiểm soát chặt việc đi lại từ điểm xuất phát, thì những hành khách đủ tiêu chuẩn có thể đi lại dễ dàng.

Khó phục hồi kinh tế nếu không sớm mở lại vận tải hàng không

Đại điện các các hãng hàng không nội địa cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam phải ưu tiên phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho người dân, cũng như phục hồi và phát triển kinh tế, hàng không đã đến lúc cần hoạt động trở lại trên cơ sở nhất trí của tất cả các địa phương, không phải chỉ có sân bay và các hãng hàng không. Mở cửa bầu trời thì phải mở hoàn toàn, đồng đều, nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ theo lộ trình của Chính phủ, Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam.

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, nền kinh tế sẽ phải trả giá nếu không tái khởi động lại các hoạt động vận tải, trong đó có hàng không, loại hình vận tải vẫn được cho là an toàn, luôn đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt trong phòng chống dịch bệnh. Bởi không chỉ có vùng du lịch, địa phương nào cũng cần mở lại các đường bay để đón nhà đầu tư, chuyên gia và người lao động... đây chính là những nguồn lực của các hoạt động đầu tư thương mại của các địa phương.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chuyển đổi từ trạng thái mục tiêu không có COVID-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đối với dịch bệnh, để vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch.

Về kế hoạch và dự kiến mở lại đường bay nội địa, Cục Hàng không Việt Nam căn cứ hướng dẫn ban hành vận chuyển tạm thời của Bộ GTVT để lấy ý kiến 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 22 cảng hàng không. Đến thời điểm này, Cục đã nhận được 19 văn bản chính thức của các địa phương được hỏi ý kiến, còn 2 tỉnh không ý kiến là Quảng Ninh, Quảng Ngãi. Trong số 19 địa phương trả lời, có 3 tỉnh, thành phố chưa đồng tình là Hải Phòng, Gia Lai, Hà Nội. Bộ GTVT cần đề xuất, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các tỉnh có quyết định khôi phục lại hàng không nói riêng, GTVT nói chung để mở lại các đường bay nội địa. Việc kích hoạt này là bước thử quan trọng để đánh giá lại năng lực phòng chống dịch, cũng như năng lực chỉ đạo điều hành của các địa phương đối với dịch bệnh và sẵn sàng phục hồi kinh tế.

Qua tìm hiểu, lãnh đạo TP Hải Phòng khẳng định không mở đường bay nội địa và không nói rõ thời gian kích hoạt lại các đường bay. Còn tại tỉnh Gia Lai, do diễn biến dịch vẫn đang phức tạp, nên địa phương trong giai đoạn trước mắt tạm thời chưa mở cửa để tập trung phòng chống dịch. Riêng TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề nghị chỉ đạo Bộ GTVT chưa mở lại đường bay nội địa. Quan điểm của lãnh đạo TP Hà Nội đối với việc mở lại các đường bay nội địa cần có lộ trình, vì công suất các khu cách ly tập trung của Hà Nội hiện chỉ là 110.000 người, nếu mở cửa trở lại hàng không và đường sắt, số người cần cách ly tập trung sẽ vượt quá năng lực của thành phố.

Trao đổi vấn đề này, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT)  cho biết: Việc mở cửa hàng không đang là đòi hỏi bức thiết của xã hội. Ngành hàng không mong các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để từng bước mở lại các đường bay, chủ động đề ra các biện pháp mở cửa trở lại, tạo hành lang an toàn để người dân, doanh nghiệp đi lại và hoạt động.

Đặc biệt, TP Hà Nội hiện vẫn chưa đồng ý mở cửa sân bay Nội Bài, điều này ảnh hưởng lớn đến toàn mạng bay, vì Nội Bài và Tân Sơn Nhất là hai cảng hàng không trọng điểm quốc gia, kết nối hai đầu mối giao thông của cả nước, không thể mở cửa một đầu. Hiện nay có nhiều người mong muốn từ phía Nam ra phía Bắc để tái hoà nhập cuộc sống bình thường của mình đang bị ảnh hưởng do dịch bệnh và ngược lại, việc mở lại các chuyến bay đi và đến sân bay Nội Bài là vô cùng quan trọng.

Vân Sơn/Báo Tin tức