03:23 09/03/2012

Các đoàn đại biểu Quốc hội giám sát tại các địa phương

Bình Định: Thực hiện Chương trình Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 8-10/3/2012, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn công tác của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đi kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật, quản lý về khai thác khoáng sản...

*Bình Định: Thực hiện Chương trình Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 8-10/3/2012, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn công tác của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đi kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật, quản lý về khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường tại tỉnh Bình Định.

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý lãnh đạo tỉnh cần quan tâm giải quyết những bất cập trong công tác quản lý khai thác khoáng sản. Tỉnh cần có qui hoạch từ cấp phép, đến khai thác chế biến phù hợp với điều kiện về năng lực, công nghệ và công suất chế biến, tránh tình trạng chồng chéo. Các ngành chức năng trong tỉnh cần tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại khu vực mỏ và chỉ đạo các ngành, các cấp theo dõi và yêu cầu các đơn vị được cấp phép có nghĩa vụ trích kinh phí từ doanh thu khai thác khoáng sản phù hợp để xây dựng lại cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường tại địa phương. Tỉnh cần rà soát và tăng cường quản lý nhà nước theo pháp luật hiện hành trong quản lý, khai thác và gắn với bảo vệ môi trường ngày càng hiệu quả hơn.

Theo báo cáo của tỉnh Bình Định, đã có 115 tổ chức, cá nhân được Bộ Tài nguyên và Môi trường và tỉnh cấp phép cho thực hiện việc thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp khai khoáng ước đạt 1.970 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước đạt gần 300 tỷ đồng, bằng 10 % tổng số thu ngân sách của cả tỉnh.

*Thái Bình: Chuẩn bị cho kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã tiến hành giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai trên địa bàn toàn tỉnh.

Qua giám sát tại 2 huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy cho thấy, việc thực hiện Luật Đất đai ở một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định, đặc biệt chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp; lấn chiếm đất đai vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi; kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa đạt yêu cầu; hồ sơ địa chính chưa được cập nhật thường xuyên, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai. Hầu hết các vụ việc KNTC của công dân liên quan đến đất đai chủ yếu là các khiếu nại về tranh chấp đất đai trong khu vực dân cư; giá bồi thường hoa màu để giải phóng mặt bằng; việc thu hồi đất bãi triều ven biển... Mặc dù các vụ việc trên đã được chính quyền cơ sở giải quyết thông qua tổ chức đối thoại, hòa giải và đề nghị của công dân nên nhiều vụ việc được giải quyết kịp thời, có tình, có lý, hạn chế tình trạng đơn thư phát sinh. Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ việc do nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành nên chưa giải quyết dứt điểm. Nổi cộm là những vụ việc như bồi thường giải phóng mặt bằng để xây dựng Nhà máy nhiệt điện tại xã Mỹ Lộc; việc xử lý môi trường tại Nhà máy bột cá và khu vực cảng cá Tân Sơn tại xã Thụy Hải; việc tự ý chiếm đất bãi triều để nuôi ngao tại xã Thái Thượng (huyện Thái Thụy)...

Đoàn cũng giám sát tình hình KNTC của công dân về đất đai tại Thanh tra tỉnh và thành phố Thái Bình. Theo Thanh tra tỉnh, từ khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành đến nay tình hình KNTC về đất đai trên địa bàn tỉnh Thái Bình có chiều hướng giảm rõ rệt. Qua phân tích nội dung đơn cho thấy, đơn khiếu nại tố cáo về đất đai chiếm trên 80%. Các vụ việc KNTC kiến nghị đông người hầu như chỉ xảy ra ở những nơi có các dự án đầu tư xây dựng các khu, cụm CN, các dự án mở rộng nâng cấp đường giao thông phải thu hồi đất. Tuy nhiên, trong các vụ việc KNTC đông người gần đây cũng nảy sinh một số biểu hiện phức tạp. Đó là, trong KNTC về chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, công dân thường so sánh giá đất và các chính sách hỗ trợ giữa địa phương mình với địa phương khác (cả trong và ngoài tỉnh), năm trước với năm sau, so các dự án với nhau nên không chịu thực hiện các quyết định thu hồi đất, không bàn giao mặt bằng, không nhận tiền đền bù. Thậm chí có nơi, công dân đã nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng nhưng khi nhà đầu tư tổ chức thi công thì ra cản trở, không cho thi công, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, gây thiệt hại về kinh tế cho nhà đầu tư và ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội...

TTN