07:18 27/07/2018

Các địa phương thiết thực kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ

Kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2018), nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm tri ân các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Đồng chí Lữ Văn Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang trao bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình liệt sĩ. Ảnh: Hồng Thái/TTXVN

* Tại buổi họp mặt với sự tham dự của trên 200 đại biểu đại diện gia đình chính sách, người có công với cách mạng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lữ Văn Hùng đánh giá: Mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang còn gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần phát huy truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, tỉnh đã thực hiện tốt chính sách "đền ơn đáp nghĩa" đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tiếp tục góp phần giáo dục thế hệ trẻ thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, gia đình chính sách, người có công cần tiếp tục tham gia góp ý đối với những hạn chế trong quá trình lãnh đạo, điều hành của địa phương, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Cũng tại buổi họp mặt, tỉnh Hậu Giang trao bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sỹ Nguyễn Văn Thôn, huyện Vị Thủy.

Dịp này, tỉnh Hậu Giang tổ chức nhiều đoàn thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công tiêu biểu tại các địa phương trong tỉnh. Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh Hậu Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã đến dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh.

Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có trên 35.600 gia đình chính sách; trong đó có trên 140 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, trên 20 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trên 5.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, trên 12.000 liệt sỹ. Từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh đã xây dựng, sửa chữa trên 100 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách từ nguồn vận động xã hội hóa; xây dựng, sửa chữa trên 3.820 nhà tình nghĩa theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

* Tại quận Ninh Kiều, ông Trần Quốc Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy; ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố và 100 gia đình chính sách tiêu biểu, Mẹ Việt Nam Anh hùng… đã dự họp mặt nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 và 73 năm Ngày thành lập lực lượng vũ trang thành phố Cần Thơ (30/7/1945 – 30/7/2018).

Phát biểu tại buổi họp mặt, Bí thư Thành ủy Trần Quốc Trung ghi nhận những đóng góp của các gia đình chính sách vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, đề nghị lãnh đạo quận Ninh Kiều tiếp tục có những hành động thiết thực chăm lo cho các đối tượng chính sách để các gia đình có nơi ở ổn định, vươn lên trong cuộc sống. Ông Trần Quốc Trung mong muốn các gia đình chính sách sống gương mẫu, giáo dục con cháu tiếp nối truyền thống cách mạng, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần cùng các tầng lớp nhân dân xây dựng thành phố ngày càng phát triển… Sau buổi lễ, đại diện lãnh đạo thành phố đã đến thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình thương binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn quận Ninh Kiều.

Dịp này, Thành đoàn phối hợp với Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Cần Thơ tổ chức cho hơn 400 đoàn viên, thanh niên thuộc các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố ra quân làm đẹp khuôn viên Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Cần Thơ tại phường Ba Láng, quận Cái Răng.

Tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, 60 cán bộ, y, bác sỹ, nhân viên y tế của bệnh viện tham gia khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách. Tại Nhà thờ Giáo xứ Châu Long (huyện Vĩnh Thạnh), Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ tổ chức lễ giỗ các linh mục, tu sỹ, giáo dân đã hy sinh vì Tổ quốc.

* Ngày 27/7, tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Hòn Đất, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ truy điệu, an táng 66 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh trên chiến trường Campuchia và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sỹ. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình bày tỏ lòng biết ơn vô hạn các anh hùng liệt sỹ, các thế hệ cha anh và lớp lớp chiến sỹ cách mạng đã hy sinh để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, đem lại hạnh phúc cho nhân dân.

Mùa khô năm 2017 - 2018, Đội chuyên trách K92 Kiên Giang đã tìm kiếm, quy tập 57 hài cốt liệt sỹ ở các tỉnh Siha Nouk, Koh Kong, Kam pốt của Vương quốc Campuchia và 9 hài cốt liệt sỹ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Từ năm 2001 đến nay, Kiên Giang đã tìm kiếm, quy tập được 1.997 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Campuchia đưa về nước an táng tại các nghĩa trang liệt sỹ trong tỉnh. Đây là sự thể hiện lòng biết ơn và thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” và quyết tâm của tỉnh Kiên Giang trong giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh.

* Ngày 27/7, tại xã Bình Hòa Nam (huyện Đức Huệ, Long An), Binh đoàn 16, Bộ Quốc phòng phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức khánh thành nhà bia tưởng niệm vụ thảm sát Kinh Lò Đường và kỷ niệm 71 năm ngày diễn ra vụ thảm sát (28/1/1947 – 28/1/2018). Tham dự buổi lễ có lãnh đạo Binh đoàn 16 và Quân khu 7, Bộ Quốc phòng; lãnh đạo tỉnh Long An cùng đông đảo cán bộ, nhân dân địa phương.

Bia tưởng niệm được xây dựng nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, nguyện cầu cho anh linh người nằm xuống được yên nghỉ; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đến thắp hương tri ân; đồng thời, nhắc nhở thế hệ trẻ ghi nhớ sự hy sinh của các bậc tiền bối trong lịch sử, phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh

Tại buổi lễ, các đại biểu cùng tưởng nhớ ngày diễn ra vụ thảm sát tại Kinh Lò Đường 71 năm trước. Để bảo vệ người dân và giữ an toàn cho lực lượng cách mạng ở Quân khu Đông Thành, Chi đội 6 (lực lượng Việt Minh) đã lên kế hoạch đánh đồn Kinh Xáng (huyện Đức Huệ) - một cứ điểm quan trọng của thực dân Pháp ở khu vực này. Trận đánh bất ngờ diễn ra ngày 14/1/1947 khiến lính Pháp không kịp trở tay, Chi đội 6 giành chiến thắng hoàn toàn, tiêu diệt nhiều tên địch và tịch thu nhiều vũ khí. Đến ngày 28/1/1947, thực dân Pháp cho quân chi viện, huy động máy bay, tàu chiến càn quét khu vực quanh Kinh Lò Đường (nay thuộc xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ), đốt phá nhà cửa và bắt người dân để đánh đập, tra hỏi tung tích của Việt Minh. Tra hỏi không được, chúng bắt từng nhóm dân ra bờ kênh, xả súng bắn chết nhiều người. Đã có 64 người dân gồm người già, phụ nữ, trẻ em bị giết hại, có gia đình cả 11 người đều bị thảm sát, để lại sự mất mát, đau thương vô cùng to lớn trong lòng nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ và nhân dân.

* Cùng ngày, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
đã tổ chức nhiều hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" tại huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.

Đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đã bàn giao nhà tình nghĩa, vật dụng gia đình và phần quà với tổng trị giá 55 triệu đồng cho gia đình cựu thanh niên xung phong Vũ Như Lai, xã Buôn Tría. Cùng ngày, Đoàn công tác của Trung ương Đoàn đã dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại Bia tưởng niệm xã anh hùng Đắk Phơi và thăm Mẹ Việt Nam anh hùng H’Năr Ông, xã Đắk Phơi.

Dịp này Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 200 người dân có công với cách mạng và nhân dân xã Đắk Phơi; sửa chữa điện miễn phí cho 100 gia đình chính sách của huyện Lắk; bàn giao 4 nhà tình nghĩa cho các cựu thanh niên xung phong tại huyện Lắk, mỗi căn nhà trị giá 50 triệu đồng.

PV TTXVN tại các địa phương