02:17 12/02/2020

Các địa phương phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N6

Ngày 12/2, ông Nguyễn Công Trình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho biết, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bắc Ninh đã tiêu hủy hơn 8.500 con vịt nhiễm dịch cúm gia cầm A/H5N6, trên địa bàn huyện thành phố Bắc Ninh và huyện Quế Võ.

Chú thích ảnh
Hộ chăn nuôi tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, rắc vôi bột phòng chống dịch cúm gia cầm. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Theo ông Nguyễn Công Trình, dịch cúm gia cầm đầu tiên xảy ra vào ngày 5/2/2020, tại hộ chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Hữu Huân, khu Hữu Chấp, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với cúm A/H5N6 và buộc tiêu hủy 4.475 con vịt; trong đó có 1.588 con vịt đẻ và 2.887 con vịt thịt, của gia đình ông Huân và 2 hộ chăn nuôi liền kề.

Ngoài ra, vào ngày 9/2, dịch cúm gia cầm tiếp tục xảy ra tại hộ chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Quyết, thôn Việt Hưng, xã Việt Thống, huyện Quế Võ làm chết và buộc tiêu hủy 4.256 con vịt thịt của gia đình ông Quyết và 1 hộ chăn nuôi liền kề.

Theo ông Nguyễn Công Trình, ngay khi có dịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo, hướng dẫn UBND thành phố Bắc Ninh, huyện Quế Võ công bố dịch cúm gia cầm trên địa bàn khu phố, thôn có dịch; đồng thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo các địa phương vệ sinh, thu gom rác thải, khử trùng tiêu độc bằng vôi và hóa chất khu vực chăn thả xung quanh các hộ có dịch; rà soát, thống kê toàn bộ số gia cầm trên địa bàn địa phương có dịch và khu vực lân cận; chỉ đạo tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho toàn bộ đàn gia cầm trên địa bàn.

Đối với các hộ chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh yêu cầu nuôi nhốt gia cầm tại chuồng trại, không chăn thả tránh lây nhiễm dịch đối với các hộ chăn nuôi gia cầm khác tại các địa bàn có dịch; tạm dừng hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn các địa phương có dịch.

Mặt khác, Sở cũng đã thông báo, yêu cầu các xã, phường, thị trấn tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm; triển khai kế hoạch tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường.

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông và tổ kiểm dịch động vật liên ngành lưu động thành phố; tăng cường giám sát thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia cầm trái phép vào địa bàn.

* Tỉnh Khánh Hòa cũng đã gấp rút triển khai tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi. Dự kiến từ nay đến hết ngày 8/3, lực lượng chức năng sẽ phun 6.350 lít hóa chất trên toàn bộ 127 xã, phường tại các khu vực có hoạt động chăn nuôi, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm.

Cụ thể, số hóa chất trên sẽ phân bổ cho các thành phố, thị xã và các huyện tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại từng hộ chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm. Việc phun xịt hóa chất do lực lượng của xã, phường tổ chức thực hiện theo từng đợt nhằm ngăn ngừa, tiêu diệt mầm bệnh truyền nhiễm; phòng chống dịch bệnh, ngăn chặn và hạn chế phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chợ buôn bán gia súc, gia cầm… tự dọn vệ sinh xung quanh chuồng trại, khu vực giết mổ, buôn bán tập trung. Đồng thời, tỉnh tiến hành khử trùng, vệ sinh sạch sẽ bằng hóa chất, vôi bột theo định kỳ nhằm phòng chống dịch bệnh có thể xảy ra.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa, trong tháng 1/2020, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện bệnh cúm gia cầm H5N6 trên đàn gà 2.458 con của hộ dân Hồ Văn Lành (xã Suối Tân, huyện Cam Lâm) và dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn 100 con của 3 hộ chăn nuôi tại huyện Khánh Vĩnh và thành phố Cam Ranh. Sau khi ghi nhận dịch bệnh, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy đàn gà và số lợn nhiễm bệnh để phòng trừ lây lan.

Đinh Văn Nhiều - Nguyễn Dũng (TTXVN)