09:14 01/09/2015

Các địa phương mít tinh kỷ niệm Quốc khánh 2/9

Ngày 1/9, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức mít tinh kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Ngày 1/9, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức mít tinh kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.


Tham dự Lễ mít tinh tại Hải Dương có gần 400 người là đại diện các tập thể, cá nhân là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên, đại diện các tầng lớp nhân dân...
Hải Dương là 1 trong 4 tỉnh giành chính quyền sớm nhất cả nước. Chỉ trong 6 ngày từ 17 - 22/8/1945, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh đã hoàn toàn thắng lợi. Sáng 25/8/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh đã tổ chức mít tinh chào mừng thắng lợi, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến ở Hải Dương và thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời, chính quyền cách mạng hợp pháp quản lý thống nhất toàn tỉnh. Trong những năm gần đây, kinh tế Hải Dương liên tục phát triển. Năm 2015, quy mô kinh tế tỉnh đạt 74.550 tỷ đồng (gấp 1,83 lần năm 2010), thu nhập bình quân đầu người đạt 1.950 USD, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,27%. Đến nay, tỉnh có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2015 có thêm 49 xã đạt nông thôn mới.


Tỉnh Kiên Giang tổ chức họp mặt kỷ niệm và trao tặng Huy hiệu Đảng cho 583 đảng viên. Ảnh: Trường Giang - TTXVN


Theo Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thanh Quyến, thời gian tới, các cấp, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; tập trung xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại các ngành trong sản xuất nông nghiệp đi đôi với tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa lớn; nâng cao chất lượng giáo dục, các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân...


Tại Phú Yên, đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã ôn lại chặng đường vẻ vang của Cách mạng Việt Nam trong 70 năm qua. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời và Việt Minh, từ ngày 14 - 28/8/1945, nhân dân Phú Yên cùng cả nước đã vùng dậy, đánh đổ hoàn toàn ách thống trị của thực dân, đế quốc, giành chính quyền về tay nhân dân. Từ thành quả của Cách mạng tháng Tám, nhân dân Phú Yên một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, góp phần vào thắng lợi của công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…


Nhân dịp này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, đơn vị, hội đoàn thể của tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn thăm hỏi, tặng quà các lão thành cách mạng. Tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên đã trưng bày trên 120 hình ảnh và hiện vật, tư liệu quý với nội dung khái quát lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc ta từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Bên cạnh đó, chương trình nghệ thuật đặc biệt được Nhà hát ca múa nhạc Sao Biển dàn dựng công phu, với sự tham gia biểu diễn của hàng trăm nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên để phục vụ công chúng, gồm 2 phần "Bài ca chiến thắng" và "Phú Yên ngày mới".

Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã đọc diễn văn ôn lại bối cảnh diễn ra Cách mạng tháng Tám, dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại Bến Tre, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre luôn phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đặc biệt, sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, Bến Tre có sự phát triển khá nhanh và toàn diện. Kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng ở mức cao, bình quân đạt trên 7%/năm; thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên, hiện đạt 31,15 triệu đồng/người, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 7%.

Đảng bộ và nhân dân Bến Tre tiếp tục vận dụng bài học Cách mạng tháng Tám về phát huy sức mạnh của nhân dân, tích cực huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh phong trào thi đua "Đồng khởi mới", nhằm tạo ra xung lực mới để phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến năm 2020, nhân dân Bến Tre có mức sống bằng mức bình quân chung của các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tại Cần Thơ với sự tham của các đồng chí lão thành cách mạng qua các thời kỳ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang và đông đảo cán bộ, chiến sĩ trên địa bàn.


Tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ kỷ niệm; trao tặng Huy hiệu Đảng cho 26 đảng viên và trao Huân chương Lao động cho 13 cá nhân. Ảnh: Nguyễn Thanh Liêm - TTXVN


Trải qua 70 năm đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, quân và dân Cần Thơ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, liên tục giành nhiều thắng lợi. Đặc biệt, hơn 10 năm xây dựng, phát triển, là thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc về kinh tế - xã hội. Với tốc độ phát triển kinh tế đạt bình quân 12,22%/năm, Cần Thơ đã thay đổi nhanh về diện mạo và đang từng bước trở thành trung tâm của vùng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng: Công nghiệp - thương mại, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao. Phong trào xây dựng nông thôn mới được quan tâm đầu tư. Nhiều công trình quan trọng được khánh thành đưa vào sử dụng đã khẳng định vị thế của Cần Thơ là một cực phát triển, đóng vai trò động lực cho toàn vùng Tây Nam bộ...


Dịp này, thành phố Cần Thơ cũng đã tổ chức trao 221 huy hiệu 30 năm, 40 năm, 50 năm, 55 năm và 60 năm tuổi Đảng cho các đồng chí cao tuổi Đảng.

Trong không khí hào hùng của lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Trung Hiếu đã kêu gọi toàn đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh đoàn kết một lòng, hăng hái thi đua sản xuất, xây dựng xã hội ngày một văn minh tiến bộ, đảm bảo vững chắc an ninh trật tự, phấn đấu đến hết năm 2015, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh đảng bộ đề ra… Những năm gần đây, Sóc Trăng đã phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%, thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt trên 35 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 11%. Đời sống đồng bào Khmer tại địa phương đã được cải thiện nhanh chóng thông qua các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước...

Tại lễ mít tinh, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh phát huy tinh thần đoàn kết để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.

Từ chỗ tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 28% vào năm 1997, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Bạc Liêu chỉ còn dưới 4%; tốc độ tăng trưởng GDP luôn ở mức 11-12%/năm. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt trên 38 triệu đồng/người/năm. Du lịch có sự đột phá, là tỉnh đứng thứ 5 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long với nhiều điểm du lịch hấp dẫn. 8 tháng năm 2015, tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định với mức 12%; nhiều chỉ tiêu lớn về phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch như sản lượng lương thực, sản lượng khai thác thủy hải sản, giá trị xuất khẩu, dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động...

P/v TTXVN tại các địa phương