07:12 16/07/2017

Các địa phương khẩn trương chống bão số 2

Tại Quảng Trị, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 2, từ ngày 13/7, trên địa bàn Quảng Trị có mưa lớn trên diện rộng, đặc biệt tại huyện đảo Cồn Cỏ, gió đã giật mạnh trên cấp 8.

Hình ảnh vệ tinh bão số 2. Nguồn:nchmf.gov.vn

Lượng mưa đo được ở trên địa bàn tỉnh đạt trung bình mức 50mm-100mm, tại huyện đảo Cồn Cỏ đo được 131mm, tại khu vực xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng lượng mưa lên đến 237mm. Ở khu vực ven biển gió giật mạnh cấp 4, độ cao sóng biển 2m. Theo dự báo, chiều tối ngày 16/7, các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có khả năng xuất hiện lũ, đỉnh lũ trên sông có khả năng dưới mức báo động 1.

Tỉnh Quảng Trị đang tập trung triển khai nhiều giải pháp phòng, chống bão số 2; kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu để đảm bảo an toàn; đề phòng sạt lở đất ở miền núi, sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra.

Tính đến 6 giờ ngày 16/7, đã có 2.263 tàu với 6.497 người trên tổng số 2.305 tàu với 6.997 người của tỉnh Quảng Trị đã được neo đậu, vào tránh trú tại các bến an toàn. Hiện Quảng Trị còn có 42 tàu, thuyền với 500 người đang hoạt động trên khu vực các vùng biển xung quanh đảo Cồn Cỏ và vùng biển của tỉnh Thừa Thiên Huế - thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, hiện đang có 83 tàu, thuyền ngoại tỉnh với 588 người đang neo đậu tại các bến của tỉnh.

Về công tác đảm bảo an toàn hồ, đập, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 131 hồ chứa nước với dung tích khoảng 61% so với thiết kế. Để đảm bảo an toàn hồ chứa, trước mùa mưa bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đã phối hợp với các địa phương, đơn vị tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả các hồ chứa trên địa bàn; đồng thời, có phương án khắc phục kịp thời các hư hỏng nhỏ; đối với các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao sẽ không tích nước để đảm bảo an toàn hạ du công trình trong mùa mưa bão.

Trước những diễn biến của cơn bão số 2, ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị theo dõi sát tình hình, diễn biến mưa bão để thông báo cho các địa phương kịp thời nắm bắt để có phương án xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn, quản lý chặt tàu thuyền đang hoạt động gần khu vực nguy hiểm.

Cơ quan chức năng cần kịp thời cảnh báo đến người dân biết nguy cơ xuất hiện lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, đặc biệt đối với những nơi có nguy cơ cao cần có phương án di dời dân tránh thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra. Các địa phương triển khai thực hiện phương nghiêm phương châm "4 tại chỗ" để kịp thời ứng phó với cơn bão; theo dõi chặt chẽ cũng như vận hành xả lũ an toàn tại các hồ, đập. Các địa phương, cơ quan chức năng cảnh báo, không để người và phương tiện đi vào vùng nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

* Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng đã có công điện chỉ đạo các địa phương, ngành, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão số 2, thông báo hướng dẫn tàu thuyền về nơi trú tránh; chủ động thực hiện các biện pháp tưới tiêu nước, chống ngập úng đề phòng ngập lụt khu vực đô thị, bảo vệ sản xuất nông nghiệp thủy sản; sẵn sàng lực lượng phương tiện cứu hộ để ứng cứu khi có yêu cầu.

Tàu, thuyền neo đậu tại khu vực đảo Cát Bà, huyện Cát Hải. Ảnh: TTXVN phát

Theo báo cáo nhanh của lực lượng Biên phòng, đã kiểm đếm thông báo cho hơn 2.600 phương tiện, gần 500 lồng bè, 250 chòi đang hoạt động trên biển về nơi trú bão an toàn. Điều đáng chú ý là hiện nay hệ thống đê điều nhiều khu vực tại Hải Phòng đã xuống cấp mà chưa được đầu tư tu sửa, gia cố sẽ trở thành điểm yếu trong mùa mưa bão năm nay. Điển hình như tại ngay khu du lịch Đồ Sơn, trên tuyến đê chắn sóng dài gần 2 km hiện có khoảng 400 m hư hỏng nặng từ mùa mưa bão năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa được tu sửa. Nguyên nhân bởi thành phố chưa bố trí được đủ kinh phí sửa chữa.

* UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa ngừng cấp phép đối với 481 tàu du lịch từ 13 giờ ngày 16/7, đồng thời yêu cầu các tàu đang trên vịnh quay về đất liền trả khách, di chuyển về nơi tránh trú đã được thông báo.

Trong sáng 16/7, Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng cháy chữa cháy của tỉnh đã họp triển khai công tác ứng phó cơn bão số 2. Từ 6 giờ ngày 16/7, tàu từ các tuyến đảo về đất liền đã ngừng hoạt động do biển động; trên các đảo hiện còn 5.126 khách du lịch, trong đó có 30 khách quốc tế. Riêng tại đảo Cô Tô có 3.500 du khách, trong đó có 14 khách quốc tế. Huyện Cô Tô đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh nhà nghỉ bố trí chỗ ở ổn định, an toàn cho du khách, thông báo cho tàu thuyền hoạt động về nơi tránh trú an toàn.

Để chủ động ứng phó với bão số 2, ngành than cũng đã nạo vét hệ thống thoát nước, gia cố bãi thải, có giải pháp di dân kịp thời tại các khu vực liền kề bãi thải... Chi cục Thủy sản đã thông báo diễn biến bão cho các nghiệp đoàn nghề cá và các chủ tàu hoạt động xa bờ, hiện các tàu đang di chuyển về nơi tránh trú.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện yêu cầu các ngành, địa phương kiểm tra công tác trực ban, kiểm tra công trình thủy lợi, hồ đập. Các dự án đang thi công cần triển khai ngay giải pháp ứng phó. Theo thống kê, hiện các hồ nước trên địa bàn tỉnh đang ở ngưỡng an toàn, hệ thống đê điều đảm bảo. Toàn tỉnh có 7.512 tàu, trong đó tàu đánh bắt xa bờ là 516 chiếc.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu thành phố Cẩm Phả di dời khẩn cấp 64 hộ dân đang sống tại khu chung cư Dương Huy đã xuống cấp, di dời các lán trại tại các công trình gần kè đất, đá và phía đồi. Riêng đối với các dự án đang thi công ở khu vực đồi núi cần rà soát kỹ, có giải pháp di dời kịp thời các hộ dân dưới dự án. Bên cạnh đó, thông báo cho chủ các lồng bè thực hiện chằng chống, di dời về nơi an toàn, kiên quyết di dời người lao động tại các lồng bè lên bờ. Ngành điện kiểm tra, duy trì cấp điện ổn định. Các lực lượng vũ trang chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ di dân khi có yêu cầu.

Đến 12 giờ ngày 16/7, khu vực Vịnh Bắc bộ đang có gió mạnh cấp 6, sóng biển cao 2m. Dự báo tối và đêm 16/7 vùng ven biển tỉnh từ Quảng Ninh có gió giật cấp 6-8 sau tăng lên cấp 9, biển động mạnh.

*Tỉnh Nghệ An đang cấp bách triển khai phòng, chống cơn bão số 2 được dự báo sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Theo đó, tỉnh tổ chức theo dõi sát diễn biến của cơn bão số 2 đồng thời tăng cường thông tin để người dân và các cấp chính quyền biết, chủ động phòng chống, tránh tư tưởng chủ quan, bất cẩn, coi thường mưa bão.

Tàu thuyền của ngư dân neo đậu tránh bão dọc ven biển Cửa Hội sáng 16/7/2017. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

UBND tình yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã ven biển phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản bằng mọi biện pháp kêu gọi tất cả tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi tìm nơi trú ẩn an toàn và neo đậu về bờ trước 17 giờ ngày 16/7, kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền khi có bão. Chiều 16/7, tỉnh Nghệ An tổ chức các đoàn đi kiểm tra các phương án di dời dân tại các vùng ven biển, cửa sông, khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá; yêu cầu các địa phương và các ngành chức năng kiên quyết cưỡng chế đối với các trường hợp không chịu chấp hành lệnh di dời.

Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cũng đang khẩn trương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập; kiểm tra an toàn và vận hành công trình trong các hệ thống thủy nông; chuẩn bị thuốc men, nhu yếu phẩm, phương tiện để ứng cứu khi xảy ra ngập lụt, chia cắt. Hiện các cơ quan thường trực cứu hộ cứu nạn (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh...) đã sẵn sàng phương tiện, lực lượng để làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống phức tạp do bão lũ gây ra.

Tại Nghệ An, do ảnh hưởng của bão số 2, trên một số tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ đã xảy ra hiện tượng sạt lở, hư hỏng như Quốc lộ 48 bị sạt lở tại Km 115 + 800, 117 + 650, 120 + 100, 120 + 600; Quốc lộ 16 sạt lở tại Km 308 + 00 - Km 308 + 100, Km 334 + 300; đường tỉnh 544 tại lý trình Km 28 + 700 có một đốt cống bị sập do mưa... Vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của bão số 2 được tỉnh Nghệ An xác định là các huyện, thị xã ven biển và các huyện miền núi nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét, mưa lũ lớn, nước dâng cao.

Hiện nay cùng với việc khẩn trương triển khai các giải pháp phòng, chống bão số 2, ngành Giao thông tỉnh đang tích cực phối hợp với các đơn vị quản lý giao thông của Bộ Giao thông Vận tải tiến hành cắm cọc tiêu, biển báo, cảnh báo khu vực nguy hiểm; gia cố tạm thời những vị trí sạt lở để cho các phương tiện phục vụ công tác phòng chống bão lũ và người dân lưu thông qua lại.

* Tỉnh Ninh Bình đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão,
kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu để đảm bảo an toàn cho ngư dân, đề phòng sạt lở đất ở miền núi, sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn kịp thời.

Do ảnh hưởng của bão số 2, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình xảy ra mưa lớn trên diện rộng, có nơi mưa to đến rất to. Trước tình hình trên, tỉnh Ninh Bình đã tập trung triển khai nhiều giải pháp phòng chống bão số 2, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã có công điện gửi các địa phương triển khai các phương án ứng phó với bão; trong đó tập trung theo dõi diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngăn không cho tàu thuyền ra khơi và thông báo thường xuyên cho các phương tiện, tàu thuyền vào nơi trú ẩn.

Đồng thời, triển khai phương án di dân khu vực ngoài đê Bình Minh III và di dân ra khỏi vùng thấp trũng, các điểm có nguy cơ sạt lở đất, đá ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú bão an toàn trước 17 giờ ngày 16/7. Bên cạnh đó, tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi diễn biến thời tiết; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố cũng phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Bình chủ động triển khai phương án chống úng, tiêu kiệt nước đệm đảm bảo an toàn cho lúa mùa mới gieo cấy và kiểm tra đảm bảo an toàn hồ đập. Khu vực vùng đồi, núi triển khai phương án phòng chống sạt lở đất, đá đảm bảo hạn chế tháp nhất thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra.

Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 2, các ngành chức năng địa phương đã tiến hành kêu gọi được 457 thuyền viên/148 phương tiện đánh bắt; trong đó, có 80 thuyền viên/9 phương tiện đánh bắt xa bờ đã vào nơi neo đậu an toàn; 74 thuyền viên/26 phương tiện đang hoạt động gần bờ biển tỉnh Ninh Bình và 303 thuyền viên/113 phương tiện đang neo đậu tại bến. Ngoài ra, đã thông báo cho 254 lao động/196 lều chòi đang nuôi trồng thủy, hải sản ngoài đê Bình Minh III và khu vực Cồn Nổi về hướng di chuyển của bão số 2 để chủ động phòng tránh.

Đến sáng 16/7, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo vận hành 109 máy bơm/46 trạm bơm và mở 20 cống dưới đê để sẵn sàng cho công tác chống úng, tiêu kiệt nước đệm.

TTXVN/Tin tức