09:11 15/09/2018

Các địa phương chủ động ứng phó với siêu bão Mangkhut

Để phòng chống bão Mangkhut, các địa phương đang tăng cường tuyên truyền, khẩn trương hoàn thành việc sơ tán dân khỏi các tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản, di dân các khu vực có nguy cơ sạt lở; đồng thời, chủ động ứng phó với mọi tình huống do hoàn lưu bão gây ra.

Chú thích ảnh
Vận động các chủ phương tiện chủ động di chuyển về nơi tránh trú bão an toàn. Ảnh: baoquangninh.com.vn

Khẩn trương đưa du khách về đất liền ngay trong ngày 15/9

Để phòng chống bão Mangkhut, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long yêu cầu, các địa phương khẩn trương đưa các khách du lịch trên biển và khách trên các đảo về đất liền ngay trong ngày 15/9.

Đối với các khách du lịch còn lại trên đảo, phải thực hiện nắm chắc số lượng để có phương án đảm bảo an toàn. Quảng Ninh sẽ thực hiện lệnh cấm biển từ 10 giờ ngày 16/9 theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phải hoàn thành việc sơ tán dân khỏi các tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản, di dân các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, mất an toàn trước 17 giờ ngày 16/9, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người, có phương án, kịch bản ứng phó với bão phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đối với các đơn vị, địa phương cần có sự hỗ trợ từ tỉnh, phải báo cáo sớm để có hỗ trợ kịp thời. 

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các thành viên của Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của tỉnh chủ động xuống huyện, thị xã, thành phố được phân công theo dõi địa bàn, chỉ đạo công tác phòng chống bão Mangkhut. Các đồng chí Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy, thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cấp huyện trực tiếp xuống các xã, phường, thị trấn được phân công theo dõi, chỉ đạo công tác phòng chống bão từ sáng 15/9.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương, chủ động có phương án ứng phó và tổ chức triển khai ngay việc phòng chống bão Mangkhut trên địa bàn và lĩnh vực được phân công trên tinh thần “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; công tác hậu cần tại chỗ).

Đối với các khu vực trên biển, trên đảo và ven bờ thường xuyên cập nhật thông tin về bão và thông báo cho các thuyền trưởng, chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão chủ động phòng tránh, hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Các địa phương rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản đối với các hoạt động kinh tế ven biển như nuôi trồng thủy sản, vận tải biển, cần cẩu, vòng quay mặt trời tại Hạ Long, cầu phao tạm ở khu vực vùng biên Móng Cái…

Đối với các địa phương có dự án đang thi công khẩn trương triển khai các công việc nhằm hạn chế tối đa bùn, đất và nước tràn xuống đường quốc lộ và khu vực dân cư khi có mưa lớn; có phương án xử lý ngay các điểm ngập úng, tắc cống, đặc biệt là thành phố Hạ Long tại các phường Hồng Hà, Hà Tu, Hà Khánh, Cao Thắng, Bãi Cháy; thành phố Cẩm Phả khắc phục không để ngập úng tại khu vực Đèo Bụt (phường Quang Hanh). Riêng thị xã Quảng Yên có phương án đảm bảo an toàn các tuyến đê, đặc biệt là các đoạn đê xung yếu, đang thi công sửa chữa, có phương án di dời dân khi có nguy cơ mất an toàn…

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ ngày 17/9, bão Mangkhut sẽ đổ bộ và ảnh hưởng đến Bắc Bộ gây mưa to 200 – 300mm/đợt kéo dài từ ngày 18-19/9, sóng trên vịnh Bắc Bộ cao từ 6 – 7m, bão vào khi nước dâng đạt đỉnh 2m tại Quảng Ninh; khả năng cao bão sẽ đi vào và ảnh hưởng trực tiếp tới tỉnh Quảng Ninh, gây gió mạnh và mưa to, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất tại vùng núi và ngập lụt tại vùng trũng, đô thị.

Tăng cường thông tin, kiểm tra khu vực nguy hiểm

Nhằm ứng phó với siêu bão Mangkhut, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình tăng cường thông tin, tuyên truyền, chủ động trong mọi tình huống khi bão đổ bộ.

Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đề nghị, Ban Chỉ huy các huyện, thành phố, các cơ quan báo chí trên địa bàn triển khai tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho chính quyền cơ sở và người dân, tập trung chủ yếu vào các nhiệm vụ: Chỉ đạo, hướng dẫn Đài Phát thanh và truyền hình các cấp tăng cường thời lượng phát sóng trên truyền hình và hệ thống phát thanh, đặc biệt tại cấp xã, phường để thông tin kịp thời đến người dân. Các địa phương rà soát hệ thống truyền thanh tại cấp cơ sở đảm bảo hoạt động tốt, lưu ý người dân theo dõi diễn biến tình hình bão, mưa lũ, chủ động chằng chống nhà cửa, gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an toàn tàu thuyền, sẵn sàng sơ tán đến địa điểm an toàn.

Các đơn vị thông tin tuyên truyền về cơn bão dưới nhiều hình thức như, thông qua hệ thống truyền thanh, truyền hình tại các cấp, hệ thống loa cố định và lưu động; sử dụng mạng xã hội để tăng cường thông tin phòng chống bão, mưa lũ; chiếu phim, video, tài liệu hướng dẫn về phòng chống lụt bão. Trong trường hợp cần thiết, UBND các huyện, thành phố phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông di động mặt đất tại địa phương thực hiện nhắn tin cảnh báo, tuyên truyền tới các thuê bao di động trong vùng ảnh hưởng của bão tại địa phương để người dân chủ động phòng tránh, đặc biệt đối với khách du lịch trên biển và đảo.

Đối với công tác bảo vệ đê điều, các lực lượng sẵn sàng ứng phó khi có sự cố. Nhà trường, phụ huynh thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh khi có bão. Lực lượng xung kích tại cơ sở tham gia ứng phó với bão, mưa lũ, kiểm tra rà soát các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất; cắm biển cảnh báo, tổ chức tuần tra, canh gác tại các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập sâu, các khu vực sạt lở, lũ quét và nghiêm cấm vớt củi khi có lũ.

Đề phòng lũ quét, sạt lở do hoàn lưu bão

Tại Nghệ An, theo dự báo, bão số 5 không đổ bộ nhưng hoàn lưu bão có thể sẽ gây mưa to đến rất to tại địa phương. Để đề phòng lũ quét, sạt lở đất đá, ngập lụt và những bất lợi khác do thiên tai gây ra, tỉnh Nghệ An vẫn đang tích cực triển khai các biện pháp ứng phó, trong đó có việc yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các huyện thường trực 24/24 giờ để theo dõi diễn biến của bão, chủ động chỉ đạo đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra.

Tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chuẩn bị lực lượng, phương tiện để sẵn sàng ứng cứu, giúp dân sơ tán người và tài sản khi có yêu cầu. Đài khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ thường xuyên cập nhật kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo để cung cấp cho các Công ty thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố và Chi Khê (là những công trình thủy điện lớn nhất tỉnh Nghệ An) làm cơ sở tính toán và đề xuất xả lũ kịp thời, đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt hạ du. Hiện nay tại Nghệ An, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đã tích đầy nước, vì vậy, để chủ động có phương án điều tiết đảm bảo an toàn, tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị và địa phương liên tục cập nhật tình hình, tính toán phương án vận hành liên hồ chứa thủy điện và căn cứ vào tình hình thực tế để chỉ đạo vận hành phù hợp. Đối với các hồ chứa xung yếu có cửa van, điều tiết hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ để chủ động xử lý kịp thời khi có tình huống.
         
Trong hai ngày qua, tại Nghệ An đã xảy ra những tai nạn do nguyên nhân thiên tai gây nên. Vào lúc 15 giờ ngày 14/9 tại xã Lục Dạ, huyện Con Cuông xuất hiện sét đánh làm ông Hà Văn Bính, sinh năm 1966 tử vong và chị Y Xiêm, sinh năm 1990 bị thương. Vào khoảng 23 giờ ngày 14/9, lực lượng cứu nạn cứu hộ Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã đưa được một tàu cá và các thuyền viên bị nạn cập cảng Cửa Hội (Thị xã Cửa Lò) an toàn. Tàu cá này có số hiệu NA 97175TS bị hỏng máy, trôi dạt trên biển; chủ tàu là ông Trần Đình Chắt, trú tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An; trên tàu có 17 thuyền viên.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương