10:14 11/10/2019

Các dân tộc tỉnh Kon Tum đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển

Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Kon Tum đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”, trong 2 ngày 10-11/10, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ III đã diễn ra tại thành phố Kon Tum.

Chú thích ảnh
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn. Ảnh: quochoi.vn

Dự Đại hội có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn và 245 đại biểu thay mặt cho hơn 289 nghìn người của 28 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh.
 
Phát biểu tại Đại hội, ông Nông Quốc Tuấn biểu dương những kết quả đạt được trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc những năm qua của tỉnh, đặc biệt là sự phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng Kon Tum ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nông Quốc Tuấn cũng chỉ ra nhiều khó khăn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đang phải đối mặt. Đó là điều kiện kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã có bước phát triển nhưng chưa toàn diện; đời sống đồng bào còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, các làng ở xung quanh khu vực thị trấn, thành phố; kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Bên cạnh đó, việc triển khai một số chương trình, chính sách dân tộc trong giai đoạn 2016-2020 còn khó khăn, bất cập; công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa tạo sự chuyển biến mạnh…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn đề nghị, Đại hội cần đánh giá kỹ về những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân tồn tại, từ đó tìm ra những giải pháp cụ thể, đáp ứng nhu cầu trước mắt, đồng thời, có kế hoạch phát triển lâu dài cho vùng miền núi, đồng bào các dân tộc của tỉnh. Cụ thể, Kon Tum cần tập trung vào một số trọng tâm như: ưu tiên nguồn nhân lực thực hiện các chính sách dân tộc nhằm tạo sự đột phá về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi; phát huy ý chí tự lực, tự cường của cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng cường hợp tác, liên kết, mở rộng quy mô sản xuất. Tỉnh cần chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung đầu tư ngành công nghiệp dược, phấn đấu đưa Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia…

Ông Nông Quốc Tuấn cũng mong muốn Kon Tum quan tâm, phối hợp để công tác dân tộc, công tác thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đi vào thực chất hơn, thúc đẩy phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong nhiệm kỳ mới (2019-2024) Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum xác định tập trung thực hiện hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc, trong đó ưu tiên triển khai đồng bộ, kết hợp khai thác hợp lý, có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh và phát triển nông lâm nghiệp, du lịch.

Cùng với đó, tỉnh ưu tiên tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm khoảng cách về mức thu nhập so với cùng phát triển; thu hẹp dần địa bàn đặc biệt khó khăn, cải thiện đời sống của nhân dân...

Trong 5 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm đến công tác dân tộc và vùng dân tộc, miền núi. Kon Tum đã tổ chức phong trào thi đua yêu nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Các phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi”, “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới” được nhân dân hưởng ứng, tham gia tích cực, xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu tham gia phong trào. Kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ trưởng thôn, già làng, người có uy tín, người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống chính trị vùng dân tộc và miền núi thường xuyên được xây dựng, củng cố, ngày càng phát triển, tỷ lệ cán bộ, cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy, chính quyền, Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng tăng. Đến nay có 874/874 thôn, làng, tổ dân phố trong toàn tỉnh đã có tổ chức Đảng, đảng viên.

Cùng với đó, nhiều chương trình, dự án, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đem lại hiệu quả. Trong 5 năm, tổng huy động vốn đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương hỗ trợ có mục tiêu (không bao gồm vốn Chương trình mục tiêu quốc gia) và vốn trái phiếu chính phủ trên địa bàn tỉnh Kon Tum là hơn 4.266 tỉ đồng (chiếm 57,5% so với vốn đầu tư của cả tỉnh).

Việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về nông nghiệp, nông thôn, giáo dục đào tạo, y tế… đã tạo thành hệ thống chính sách tương đối toàn diện, bao trùm tất cả các lĩnh vực, địa bàn vùng dân tộc, miền núi, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao dân trí, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tổng nguồn lực huy động thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn vùng dân tộc, miền núi giai đoạn 2014-2018 là hơn 6.000 tỉ đồng. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp mà tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc, miền núi giảm khá nhanh, đến cuối năm 2018, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh còn 22.851 hộ, ở mức 17,29%, trong đó bình quân tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm hơn 6,05%/năm.

Đại hội cũng đã bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II với 25 đại biểu chính thức và 4 dự khuyết.

Cao Nguyên (TTXVN)