04:19 25/04/2017

Các cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản đau đầu vì thiếu lao động

Tình trạng thiếu hụt nhân lực ngày càng trầm trọng ở Nhật Bản đang đe dọa các chuỗi cửa hàng tiện lợi vốn có mô hình hoạt động kinh doanh dựa vào đội ngũ nhân viên làm việc bán thời gian chuyên gói các hộp cơm trưa bento, điều khiển máy tính tiền và giao hàng 24/7.

Ba “ông lớn” trong loại hình cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản là 7-Eleven, FamilyMart và Lawson đang nỗ lực giảm bớt áp lực đối với các cửa hàng nhượng quyền bằng các hỗ trợ tài chính và hệ thống tự động giúp tiết kiệm nhân công. Tuy nhiên, triển vọng doanh thu của các chuỗi cửa hàng này đang tỏ ra ảm đạm hơn bao giờ hết, khi Lawson dự đoán tài khóa hiện tại sẽ là năm đầu tiên trong 15 năm qua lợi nhuận của doanh nghiệp này sụt giảm, còn 7-Eleven Nhật Bản, công ty con của tập đoàn Seven & i Holdings, cũng chỉ đưa ra con số dự báo tăng trưởng khiêm tốn 0,2%.

Nhật Bản có khoảng 55.000 cửa hàng tiện lợi trên cả nước, có nghĩa là trung bình một cửa hàng tiện lợi phục vụ 2.300 người dân, và mỗi cửa hàng cần khoảng 20 nhân viên bán thời gian để có thể vận hành được. Nhiều chủ cửa hàng phải tự mình làm cả ngày và đêm vì khó tìm đủ nhân viên làm việc theo ca.

Mặc dù vậy nhưng trên thực tế, cả ba “đại gia” bán lẻ nói trên đều vẫn đang có các kế hoạch mở rộng, do lo ngại rằng nếu cắt giảm, họ sẽ đánh mất thị phần cũng như “sứ mệnh” phục vụ khách hàng bất cứ lúc nào.

Cùng với tình trạng suy giảm dân số, nguồn nhân lực của Nhật Bản đã giảm xuống còn 77,2 triệu người trong năm 2015 từ mức cao 87,2 triệu người năm 1995, và được dự đoán sẽ tiếp tục giảm xuống còn 45,2 triệu người đến năm 2065. Đây là một xu hướng đang "ám ảnh" các ngành sử dụng nhiều lao động ở Nhật Bản như dịch vụ giao hàng, các chuỗi nhà hàng, bán lẻ, và loại hình cửa hàng tiện lợi không phải là ngoại lệ.

Khánh Ly/TTXVN