06:17 07/06/2018

Các công ty Mỹ đang rút khỏi thị trường Iran

Chuyên gia các nước tham gia thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và P5+1 ký năm 2015 mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) đã nhóm họp tại thủ đô Tehran ngày 7/6.

Ngày 6/6, Phó Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Motahari (trong ảnh) khẳng định thỏa thuận hạt nhân ký giữa nước này và nhóm P5+1 là thỏa thuận duy nhất có thể định đoạt chương trình hạt nhân của Iran. Ảnh: Tehran Times/TTXVN

Phiên họp kín này có sự tham gia của đại diện các nước Iran, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Liên minh châu Âu (EU). Một nguồn tin ngoại giao xác nhận, đây là một trong những cuộc họp kỹ thuật được tổ chức định kỳ. Cuộc họp trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ rút khỏi JCPOA tháng trước và các bên còn lại đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận.

JCPOA ký giữa Iran và nhóm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ cùng với Đức, quy định việc dỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt Iran để đổi lấy việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân. Theo thỏa thuận này, Iran có quyền xây dựng và thử nghiệm một số máy ly tâm phục vụ các mục đích dân sự, mặc dù hạn chế về chủng loại và số lượng máy trong 10 năm đầu thực hiện thỏa thuận. Ngoài ra, Tehran chỉ có thể làm giàu urani ở mức 3,67%.
    
JCPOA có nguy cơ đổ vỡ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng 5 vừa qua tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Nhà Trắng cũng quyết định tái khởi động các biện pháp trừng phạt đã được dỡ bỏ trước đó đối với Iran. Hiện các nước châu Âu tham gia ký kết JCPOA vẫn nỗ lực cứu vãn thỏa thuận này vì coi đây là cơ hội tốt nhất để ngăn chặn Tehran phát triển bom nguyên tử. Tuy nhiên, các nước châu Âu cảnh báo rằng nếu Iran không tuân thủ các điều khoản trong JCPOA, họ cũng sẽ buộc phải rút khỏi thỏa thuận và áp đặt các trừng phạt nhằm vào Iran giống như hành động của Mỹ.

Việc Mỹ áp đặt trừng phạt nhằm ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân đã khiến nhiều nhà đầu tư ngừng kinh doanh tại nước Cộng hòa Hồi giáo này. Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, để tránh các lệnh trừng phạt kinh tế, ít nhất 17 công ty của Mỹ đang làm ăn tại Iran thông qua các công ty chi nhánh đăng ký hoạt động tại nước ngoài đã rút khỏi thị trường này. Nhiều công ty trong số này đã đạt được lợi nhuận cao nhờ sự tăng trưởng trở lại của lĩnh vực năng lượng Iran sau khi JCPOA có hiệu lực. Theo phân tích của Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ, lợi nhuận của các công ty trên trong đó có Honeywell, tập đoàn Dover, General Electric đã lên tới hơn 175 triệu USD.
 
Bộ Tài chính Mỹ thông báo các công ty có trụ sở tại Mỹ phải rút khỏi thị trường Iran trước ngày 5/11 nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, một số công ty có thể không bị trừng phạt nếu được cấp phép đặc biệt trong thương mại với Iran trong lĩnh vực y tế và thực phẩm.

TTXVN/Báo Tin tức