03:19 09/03/2020

Các công ty công nghệ Trung Quốc tự cứu mình trong 'cú đòn' COVID

Sau cú đòn thương chiến vào năm ngoái, các công ty công nghệ Trung Quốc lại đang chật vật tìm cách "sống sót" trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19.

Chú thích ảnh
Những lớp học trực tiếp của Squirrel AI hiện đã bị dừng lại và chuyển sang học online. Ảnh: squirrelai.com

Đối với doanh nhân Li Haoyang, năm 2020 được chờ đợi sẽ là một năm tăng trưởng nhanh chóng, với doanh số tăng 50 - 70% so với mức 2 tỷ nhân dân tệ (287,4 triệu USD) vào năm ngoái. Nhưng rồi, dịch bệnh do virus Corona chủng mới gây ra (COVID-19) đã bùng phát.

Cuộc khủng hoảng mang tính sống còn

"Đối với nhiều người, ảnh hưởng của dịch bệnh đã là rất lớn nhưng đối với các doanh nghiệp, nó còn quyết định sống hay chết”, Li Haoyang - nhà người sáng lập công ty khởi nghiệp ngành công nghệ giáo dục Squirrel AI, có trụ sở tại Thượng Hải - nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc).

“Tôi chưa từng cảm thấy khổ sở như vậy kể từ khi khởi nghiệp”, ông Li than thở. Squirrel AI là công ty cung cấp các bài học được cá nhân hóa nhờ trí tuệ nhân tạo (AI) và giảng dạy qua các khóa học trực tuyến và cả trung tâm học trực tiếp. Nhưng dịch bệnh đã khiến công ty phải tạm đóng cửa 2.000 trường học trực tiếp và chuyển 200.000 học sinh tới các lớp học online trong vòng 15 ngày.

“Để không bị gục ngã trong ngành công nghiệp, chúng tôi cần phải phản ứng nhanh chóng”, Li Haoyang cho biết. Cách đây không lâu, ông đã mời được Chen Guohuan, cựu Giám đốc điều hành của Alibaba, về dẫn dắt các nỗ lực hành động trong kế hoạch mở 20.000 trường học trong 3 năm tới. Nhưng tất cả lúc này đều bị đình lại.

Chú thích ảnh
Dịch bệnh khiến các công ty công nghệ phải tìm mọi giải pháp để duy trì tồn tại và chờ đợi một cuộc phục hồi sau dịch. Ảnh: China Daily/Reuters

Là một “serial entrepreneur” (những người thành lập công ty mới sau khi đã làm chủ một hoặc nhiều doanh nghiệp trước đó), Li Haoyang từng điều hành một viện giáo dục thời dịch SARS-CoV bùng phát vào đầu những năm 2000. Tuy nhiên, “số tiền đặt cược” lần này cao hơn vì Squirrel là một start-up “kỳ lân” - một công ty khởi nghiệp tư nhân trị giá tới trên 1 tỷ USD.

Thay vì sa thải nhân viên, Squirrel AI đã thực hiện cắt giảm 65% lương trong 5 tháng. Động thái vừa được ông Li tuyên bố thông qua một cuộc họp phát trực tiếp đã khiến một số nhân viên nghỉ việc nhưng công ty chỉ tổn thất chưa đến 10% nhân viên.

“Tôi đã giải thích với các nhân viên về lý do quyết định được đưa ra… mọi người sẽ phải hứng chịu khó khăn nếu công ty đóng cửa”, Li Haoyang nói và lưu ý rằng Squirrel AI cần phải dành vốn để chuẩn bị cho một “sự phục hồi bùng nổ” trong ngành giáo dục, mà ông dự đoán sẽ đến vào tháng Sáu. “Nhiều doanh nghiệp có thể đóng cửa hơn chúng tôi dự đoán… dòng tiền là cực kỳ quan trọng và chúng tôi phải tự đặt mình vào chế độ khủng hoảng”.

Ngăn chặn sa thải

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Squirrel AI chỉ là một trong số các công ty công nghệ Trung Quốc đang áp dụng các kế hoạch “tự cứu” trong bối cảnh dịch COVID-19 làm gián đoạn hoạt động kinh doanh trên cả nước. Công ty bắt đầu với việc ngừng hoạt động ở tâm dịch Vũ Hán và toàn bộ tỉnh Hồ Bắc, mở rộng các quy tắc kiểm dịch tại nhà nghiêm ngặt trên khắp đất nước đối với những người trở về sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; sau đó là các khuyến nghị rộng rãi về làm việc tại nhà để tránh lây nhiễm.

Chú thích ảnh
Phun khử trùng trên một tuyến phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Chinadaily

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, ngành công nghệ Trung Quốc đã chịu áp lực lớn từ cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Mỹ. Các kế hoạch mở rộng bị hạn chế bởi môi trường tài chính bị siết chặt hơn và suy thoái kinh tế vĩ mô. Số lượng người thất nghiệp tăng nhanh cũng có thể là một thách thức lớn đối với nền kinh tế số 2 thế giới, nơi đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong gần 3 thập kỷ.

Tiếp đó, virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã tấn công vào các chuỗi cung ứng và thương mại của Trung Quốc, gây ra cuộc khủng hoảng lao động. Đó là lý do tại sao chính phủ kêu gọi ổn định thị trường việc làm và ngăn chặn sa thải quy mô lớn. “Một nhiệm vụ cấp bách của chương trình chống dịch là phải ổn định việc làm”, Cơ quan quản lý thuế của Trung Quốc khẳng định trên trang web của mình.

“Sa thải nhân viên chỉ là một trong những biện pháp tự cứu cuối cùng”, nhà sáng lập Quỹ Hongtai, Sheng Xitai phát biểu với truyền thông. “Nó có thể không giải quyết được vấn đề cơ bản hiện tại mà lại ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài”.

Sheng đã đầu tư vào trí tuệ nhân tạo và các công ty khởi nghiệp dữ liệu lớn bao gồm Trio.ai và FaceUnity Technology. Ông tin rằng tài năng là tài sản quý giá nhất đối với các công ty công nghệ và nghỉ việc nên là giải pháp cuối cùng, ngay cả trong cuộc khủng hoảng COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhiều nhân viên mất việc tại Trung Quốc đang chuyển sang làm shipper (nhân viên giao hàng) mùa vụ để vượt qua cuộc khủng hoảng dịch COVID-19. Ảnh: Reuters

Công ty Uxin, một sàn giao dịch ô tô cũ có trụ sở ở Bắc Kinh, niêm yết trên sàn NASDAQ (Mỹ), đã bác bỏ báo cáo rằng họ sẽ sa thải nhân viên và đình chỉ kinh doanh. “Chúng tôi đã quyết định không sa thải nhân viên”, Uxin tuyên bố trên tài khoản WeChat. Thay vào đó, họ cho biết đã thực hiện các thỏa thuận nhân sự linh hoạt và đảm bảo dòng tiền được chạy ở mức an toàn vì công ty dự kiến ​​sẽ bị tổn thương trong hai quý đầu năm. Uxin cũng cho hay họ đã yêu cầu một số nhân viên tạm thời nghỉ phép với một khoản trợ cấp sinh hoạt, một số người khác bị giảm lương kể từ 15/2.

Trong khi đó, ông Liang Jianzhang, Chủ tịch và đồng sáng lập của Ctrip, nhà cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, cũng từng tuyên bố rằng việc sa thải và cắt giảm lương sẽ không bao giờ là lựa chọn đầu tiên của công ty để chống khủng hoảng.

Chú thích ảnh
Những khu phố vắng bóng người, chỉ còn các nhân viên giao hàng hoạt động là hình ảnh thường thấy ở Trung Quốc trong mùa dịch. Ảnh: Reuters

Theo ông Liang, trong bối cảnh lượng khách đặt phòng lao dốc do lệnh hạn chế đi lại, Crip đang thử nghiệm mô hình kinh doanh “du lịch đám mây”, nơi khách hàng có thể khám phá các điểm đến bằng bản đồ, video và âm thanh trực tuyến. Họ cũng cung cấp dịch vụ triển lãm đa phương tiện trực tuyến từ các viện bảo tàng dành cho những người không thể trực tiếp đến thăm.

Giữa mùa dịch COVID-19 hiện nay, công nghệ live-streaming (phát trực tiếp) đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết tại Trung Quốc. Hồi tháng 2, nhà bán lẻ Suning đã mở các lớp đào tạo phát trực tiếp cho toàn bộ 250.000 nhân viên.

Nhưng phát trực tiếp và các công cụ trực tuyến khác không giúp ích nhiều trong thế giới ngoại tuyến, nơi tình trạng thiếu hụt lao động lâu nay khiến chủ doanh nghiệp tranh giành để thuê hàng ngàn công nhân thời vụ - cho đến lúc này.

Một giải pháp là lực lượng nhân viên vừa tạm nghỉ việc tại các công ty nhỏ và nhà hàng làm ăn khó khăn trong mùa dịch, đã xung vào đội ngũ nhân viên giao hàng phục vụ nhu cầu giao hàng trực tuyến quá lớn khi người dân tránh ra đường. Công ty thương mại điện tử kỳ lân Meicai, chuỗi bán lẻ tạp hóa Freshippo và JD Logistics đều đã thuê nhân viên bán thời gian, những người đang tạm mất việc tại các doanh nghiệp khốn đốn vì COVID-19.

Thu Hằng/Báo Tin tức