06:08 18/06/2014

Các chuyên gia lạc quan về viễn cảnh kinh tế Mỹ

Ngày 17/6, một ngày sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giảm mạnh mức dự báo về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, các chuyên gia kinh tế vẫn bày tỏ lạc quan về đà phục hồi vững chắc của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Ngày 17/6, một ngày sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giảm mạnh mức dự báo về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, các chuyên gia kinh tế vẫn bày tỏ lạc quan về đà phục hồi vững chắc của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Phóng viên TTXVN tại Washingtion dẫn kết quả thăm dò của hãng tin Reuters công bố ngày 17/6 cho biết phần lớn trong số 48 nhà kinh tế hàng đầu được tham khảo ý kiến cho rằng mặc dù tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong ba tháng đầu năm 2014 chậm lại một cách đáng thất vọng, ở mức âm 1%, nhưng đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ vẫn khá vững chắc. Hai chiều hướng minh chứng cho viễn cảnh này là tình trạng bất ổn về chính sách tài chính đã giảm trong khi thị trường việc làm tiếp tục được cải thiện; điều này thể cho phép Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) tiếp tục thu nhỏ quy mô gói cứu trợ thứ ba (QE-3), thậm chí trong 6 tháng cuối cùng của năm 2015 có thể lần đầu tiên bắt đầu tăng lãi suất của các khoản vay ngắn hạn ở mức thấp gần như bằng không áp dụng suốt từ tháng 12/2008 tới nay.

Lắp ráp xe tải tại Nhà máy của GM ở Flint ,bang Michigan (Mỹ). Ảnh AFP-TTXVN


Theo dự báo của các chuyên gia, tốc độ tăng GDP của Mỹ trong cả năm 2014 có thể đạt 2,2% so với mức 2,5% đưa ra hồi tháng 5. Do tác động nặng nề của thời tiết mùa đông lạnh giá và bão tuyết chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua, tốc độ tăng GDP trong 6 tháng đầu năm 2014 có thể chỉ đạt trên 1,0%, nhưng trong 6 tháng cuối năm dự báo sẽ tăng tốc, dự kiến đạt 3,6%. Trong năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể đạt 3,0%.

Chuyên gia kinh tế Millan Mulraine thuộc công ty chứng khoán TD Securities ở thành phố New York cho rằng việc thị trường lao động Mỹ đến tháng 5  vừa qua đã tạo ra đủ 8,7 triệu việc làm từng bị mất trong cuộc đại suy thoái 2007-2009 cho thấy kinh tế Mỹ đang trên đà cải thiện ấn tượng. Với mức dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2014, mỗi tháng thị trường tạo ra trung bình 234.000 việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp trong công nhân Mỹ trong năm 2014 có thể giảm xuống mức 6,3% và đến năm 2015 sẽ giảm xuống mức 5,8% so với đỉnh cao 10% trong giai đoạn đại suy thoái. Phần lớn các chuyên gia dự kiến, đến 6 tháng cuối năm 2015, FED có thể bắt đầu tăng lãi suất cơ bản, từ mức 0% đến 0,25% hiện nay lên 0,5% và tỷ lệ lạm phát vẫn duy trì được ở mức 2,0%.

Cũng trong ngày 17/6, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), dưới sự chủ trì của Chủ tịch FED, bà Janet Yellen bắt đầu cuôc họp định kỳ. Giới quan sát cho rằng nhiều khả năng, tại cuộc họp lần này, FED sẽ tiếp tục cắt giảm gói cứu trợ QE-3 thêm 10 tỷ USD, từ 45 tỷ USD xuống 35 tỷ USD/tháng để mua lại các trái phiếu dài hạn liên quan tới thế chấp nhằm giữ cho lãi suất ở mức thấp để kích thích tín dụng và đầu tư. Gói cứu trợ này được tung ra từ tháng 9/2013 với mức ban đầu là 85 tỷ USD/tháng.


TTXVN/Tin Tức