01:08 09/01/2018

Các chỉ số chứng khoán Mỹ chuyển động trái chiều

Chấm dứt chuỗi tăng điểm liên tiếp của tuần đầu tiên của Năm mới 2018, rạng sáng 9/1 (giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán Mỹ đã có phiên giao dịch trái chiều. Mặc dù chỉ số S&P 500 và Nasdaq vẫn chốt phiên ở mức cao kỷ lục sau 5 phiên tăng liên tiếp, nhưng chỉ số Dow Jones đã quay đầu giảm điểm.

Các chỉ số nhìn chung đều khiêm tốn hơn tuần trước, thậm chí một số thị trường đã kết thúc phiên giao dịch đầu tuần thấp hơn hẳn.

Bảng tỉ giá chứng khoán tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 2/1. Ảnh: THX/TTXVN

Giới phân tích cho rằng, các nhà đầu tư cho đến nay vẫn chưa tỏ ra lo lắng nhiều về kết quả hoạt động được nhiều công ty thông báo do họ vẫn chờ đợi nguồn thu nhập từ nước ngoài đổ về Mỹ sau khi luật cải cách thuế trong nước có hiệu lực. Tuy nhiên, cảm giác này có thể thay đổi sau giai đoạn này.

Trước đó, trong ngày 8/1, phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á vẫn tăng điểm trong phiên giao dịch đầu tuần, với việc chứng khoán Hong Kong ghi điểm phiên thứ 10 liên tiếp. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong cộng 0,3% lên 30.899,53 điểm, tiếp tục đà tăng điểm ấn tượng đưa chỉ số này tiến hơn 5% lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2007.

Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải đóng phiên tăng 0,5% lên 3.409,48 điểm. Thị trường Sydney tăng 0,1%, thị trường Singapore cộng 0,2%, trong khi thị trường Seoul tăng 0,6% giữa bối cảnh các quan chức Hàn Quốc và Triều Tiên chuẩn bị tiến hành hội đàm lần đầu tiên kể từ năm 2015.

Sắc xanh còn được ghi nhận tại thị trường Đài Bắc (Trung Quốc), Jakarta (Indonesia) và Bangkok (Thái Lan). Thị trường Wellington và Manila phiên này giảm điểm. Thị trường Tokyo đóng cửa nghỉ lễ. Thông tin tích cực này cũng diễn ra ở châu Âu với thị trường London xác lập thang mới ở mức 7,733.39 điểm trước khi giảm xuống mức thấp hơn do Chính phủ Anh cải tổ. Thị trường Frankfurt và Paris vẫn duy trì đà tăng với các chỉ số ghi điểm nhờ đồng euro yếu đi so với đồng USD và động thái Thủ tướng Đức Angela Merkel dự kiến khởi động vòng đàm phán thành lập chính phủ mới.

Cho đến nay việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất tiếp tục là chủ đề chi phối diễn biến thị trường chứng khoán toàn cầu. Theo giới bình luận, lương tăng và thị trường lao động thắt chặt hơn có thể dẫn đến tăng lương và lạm phát cao hơn, là yếu tố thúc đẩy FED tăng lãi suất.

TTXVN/Báo Tin tức