11:13 05/11/2018

Các biện pháp trừng phạt mới gia tăng căng thẳng quan hệ Mỹ-Iran

Các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực tài chính và dầu mỏ của Mỹ đối với Iran bắt đầu có hiệu lực vào ngày 5/11. Có thể thấy Mỹ đang quyết tâm siết chặt “gọng kìm” đối với Iran trên mọi lĩnh vực bằng việc khôi phục tất cả các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia Trung Đông này, phá vỡ các kênh hợp tác giữa các nước với Tehran.

Chú thích ảnh
 Các biện pháp trừng phạt sẽ tác động trực tiếp tới các công ty thuộc các nước thứ ba đang làm ăn với Iran, đặc biệt có thể tác động đến thị trường dầu mỏ thế giới. Ảnh: AFP/TTXVN

Các biện pháp trừng phạt sẽ tác động trực tiếp tới các công ty thuộc các nước thứ ba đang làm ăn với Iran, đặc biệt có thể tác động đến thị trường dầu mỏ thế giới mặc dù Mỹ tuyên bố trao quyền miễn trừ tạm thời cho 8 nước sau khi lệnh trừng phạt của Washington chính thức có hiệu lực.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, kể từ ngày 5/11, Washington đưa hơn 700 cá nhân và thực thể vào danh sách trừng phạt liên quan đến Iran. Bộ trên đã phát đi cảnh báo tới mạng kết nối ngân hàng toàn cầu SWIFT về nguy cơ đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ nếu cung cấp dịch vụ cho các thực thể Iran có tên trong "danh sách đen" của Washington.

Với việc siết chặt trừng phạt, Washington muốn gây sức ép tối đa để buộc Iran phải thỏa hiệp và thậm chí nhượng bộ, như Ngoại trưởng Mỹ từng tuyên bố rằng phải làm cho “Chính phủ Iran có sự thay đổi lớn”. Nhà Trắng cũng hy vọng khi lâm vào cảnh kinh tế khó khăn, dư luận trong nước bất an, ảnh hưởng và vai trò của Tehran trong khu vực sẽ giảm sút. 

Trong khi đó, Iran không quan ngại về việc Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm các lĩnh vực tài chính và dầu mỏ của nước này. Đại giáo chủ Ali Khamenei phản đối các biện pháp trừng phạt trên, cho rằng Tổng thống Trump đã "phá hỏng" uy tín của Mỹ và sớm muộn sẽ thua trong cuộc tranh cãi kéo dài nhiều năm giữa hai nước.

Các chuyên gia ở Trung Đông tin rằng Saudi Arabia và một số đồng minh của Riyadh không đủ khả năng bù đắp lượng dầu thiếu hụt từ Iran, ước tính có thể cung cấp 2,5 triệu thùng/ngày. Thị trường dầu mỏ thế giới được dự báo sẽ có biến động trong thời gian tới, giá dầu có thể vượt ngưỡng 100 USD/thùng vào đầu năm tới nếu cung không đủ cầu. Khi ấy Iran vẫn có khả năng được hưởng lợi nhờ giá dầu tăng cao. Dù lượng dầu xuất khẩu chắc chắn sẽ giảm sút nhưng Iran vẫn có thể duy trì ở mức tối thiểu 1 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, không loại trừ Iran có thể thông qua nước láng giềng Iraq để tiếp tục bán dầu. 

Nhiều người nói rằng ở Trung Đông, sự liên quan giữa dầu mỏ và chính trị luôn cực kỳ phức tạp, dầu mỏ có thể trở thành vũ khí tấn công và đôi khi lại là mồi lửa đủ để biến cả khu vực thành “chảo lửa” chẳng thể dập tắt. Ngoại trưởng Iran, Mohammad Javad Zarif,  cảnh báo, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran sẽ gây ra "những hậu quả nghiêm trọng" cho trật tự thế giới. Trên phương diện này, việc Mỹ theo đuổi chủ nghĩa đơn phương khi nhiều lần phá vỡ những cơ chế hợp tác, thỏa thuận đa phương, bất chấp lợi ích của các đồng minh, có thể khiến Washington bị cô lập.

TTXVN/Báo Tin tức