12:22 07/12/2011

Các biện pháp thắt lưng buộc bụng của ông Monti có cứu được Italia?

Theo mạng “montersancritics.com”, hồi tháng trước, ngay sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Mario Monti đã cảnh báo người dân Italia rằng “sự hy sinh sẽ là cần thiết” để cứu đất nước tránh khỏi phá sản. Ông cũng trấn an họ rằng nỗ lực này sẽ không đòi hỏi "máu và nước mắt”.

Theo mạng “montersancritics.com”, hồi tháng trước, ngay sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Mario Monti đã cảnh báo người dân Italia rằng “sự hy sinh sẽ là cần thiết” để cứu đất nước tránh khỏi phá sản. Ông cũng trấn an họ rằng nỗ lực này sẽ không đòi hỏi "máu và nước mắt”.

Thủ tướng Italia Mario Monti. Ảnh: AFP-TTXVN


Nhưng khi chính phủ của ông Monti công bố kế hoạch thắt lưng buộc bụng trọn gói trị giá 30 tỷ euro (40,5 tỷ USD) cuối tuần qua, chính Bộ trưởng Lao động Elsa Fornero đã không thể ngăn được những giọt nước mắt khi phát âm từ “hy sinh”. Tuy nhiên, theo các tổ chức công đoàn của Italia, chính tầng lớp lao động làm công ăn lương thuộc bộ phận có thu nhập thấp và trung bình mới là những người nên rơi nước mắt.

Thứ trưởng Kinh tế Italia Vittorio Grilli cho biết, các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ nếu được thông qua sẽ giúp cân bằng ngân sách của nước này vào năm 2013. Ông cũng cho biết những biện pháp của chính phủ bao gồm tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ mức 21% hiện nay lên 23% bắt đầu từ nửa sau của năm 2012, cải cách hệ thống lương hưu, cắt giảm chi tiêu của các chính quyền địa phương, miễn thuế đối với các công ty đầu tư để mở rộng hoạt động kinh doanh của họ cũng như những công ty đầu tư vào ngành vận tải công cộng địa phương, nâng độ tuổi về hưu lên 66 tuổi đối với nam giới vào năm 2012 và với phụ nữ vào năm 2018. Ngoài ra, những biện pháp này cũng hạn chế mức giao dịch tiền mặt mỗi lần từ 2.500 euro hiện nay xuống còn 1.000 euro. Ở Italia, thanh toán bằng tiền mặt là cách thức phổ biến nhằm mục đích che giấu các vụ giao dịch và nhằm tránh phải đóng thuế giá trị gia tăng.

Lãnh đạo các tổ chức công đoàn giờ đây đang đe dọa tổ chức đình công để phản đối các đề xuất của ông Monti. Họ đặc biệt tức giận trước các kế hoạch chính phủ tăng VAT và nâng tuổi về hưu tối thiểu. Lãnh đạo Liên đoàn Lao động Italia (CGIL), bà Susanna Camusso, đã gọi kế hoạch thắt lưng buộc bụng trọn gói nêu trên “về mặt xã hội là không thể chấp nhận được”, nhấn mạnh rằng chính phủ đang tìm cách để kiếm tiền từ tầng lớp người nghèo.

Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều luồng phản ứng khá tích cực đối với các đề xuất của chính phủ. Một số ý kiến cho rằng trong chừng mực nào đó thì ông Monti, một cựu Ủy viên châu Âu từng phụ trách lĩnh vực cạnh tranh bình đẳng, đã nỗ lực để đạt được một số công bằng xã hội bằng cách áp thuế đối với các mặt hàng xa xỉ như du thuyền và máy bay tư nhân. Bản thân Thủ tướng Monti cũng đã nhận được nhiều lời khen ngợi khi quyết định không nhận lương của mình như là một phần của nỗ lực nhằm cắt giảm chi tiêu nhà nước.

Hành động của ông Monti, theo ghi nhận của nhật báo "Corriere della Sera", có thể giúp khôi phục tâm lý tích cực của người dân sau các vụ tham nhũng đã nhấn chìm cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi. Hầu hết các nhà bình luận cũng nhất trí rằng gói thắt lưng buộc bụng nêu trên sẽ phát đi một tín hiệu quan trọng đến các đối tác ở khu vực đồng euro của Italia rằng chính phủ ông Monti đang nghiêm túc trong việc giải quyết vấn đề nợ công khổng lồ của nước này. Những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và thắt lưng buộc bụng của chính phủ Monti sẽ là “yếu tố cơ bản để cứu nguy cho Italia và cho cả đồng euro".

Phản ứng ban đầu của Liên minh châu Âu (EU) đối với kế hoạch ngân sách mới của Rôm là khá tích cực, với việc Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Olli Rehn nói rằng các biện pháp của chính phủ ông Monti là cần thiết để tăng cường lòng tin đối với nền kinh tế Italia. Các nhà đầu tư dường như cũng đánh giá cao nỗ lực này và điều đó đã giúp lãi suất trái phiếu chính phủ Italia hiện giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng qua. Nhưng các nhà quan sát đang nghi ngờ liệu gói biện pháp này có đủ để giải quyết một cách hiệu quả những khó khăn kinh tế dài hạn của Italia hay không, mà theo như chính phủ dự báo là Italia có khả năng rơi vào cuộc suy thoái mới vào năm 2012.

Những cải cách của ông Monti bao gồm cả việc giảm bớt các bộ phận trong hệ thống hành chính công cũng như chính quyền cấp tỉnh, vốn được coi là bộ phận gây tốn kém cho nguồn ngân quỹ quốc gia. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, những cắt giảm chi tiêu này là không đủ để xóa bỏ sự phân cấp trên thị trường việc làm hiện tại của Italia, vốn đã chứng kiến tình trạng tiền lương cho khu vực công - bao gồm cả quyền lợi dành cho các nghị sĩ, những người có mức thu nhập cao nhất ở châu Âu - đã tăng nhanh hơn những khu vực khác.

Ngự Bình (P/v TTXVN tại Italia)