11:11 08/11/2017

Cà phê được mùa, được giá, vẫn lo

Niên vụ cà phê 2017-2018 bắt đầu vào vụ thu hoạch chính tại tỉnh Kon Tum. Người trồng cà phê tại đây đang vui mừng bởi cà phê niên vụ này vừa được mùa lại được giá.

Tuy nhiên, cùng với niềm vui đó là những nỗi lo lớn như tình hình an ninh trật tự, trộm cắp, phơi sấy…, đặc biệt là nỗi lo về nhân công thu hái cà phê.

Nỗi lo thiếu nhân công thu hái

Tại huyện Đăk Hà, nơi tập trung diện tích cà phê nhiều nhất của tỉnh Kon Tum đang bước vào vụ thu hoạch mới. Khắp các ngả đường làng, sân phơi… đã được phủ kín bởi cà phê. Trên các rẫy rộn ràng tiếng cười nói rôm rả của những công nhân, người dân làm thuê. Đó là những hộ gia đình may mắn có quả chín trước để tìm được nguồn nhân công tại chỗ thuê khoán. Còn những hộ tỉ lệ cà phê đang chín thì đối mặt với nguy cơ không tìm ra nguồn nhân công cho vụ hái mới.

Tuy cà phê được mùa, được giá nhưng người dân vẫn đầy nỗi lo. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN

Với 3.000 cây cà phê, dù mới đầu vụ nhưng để tìm được nguồn nhân công có tay nghề không phải dễ dàng. Do tỉ lệ quả chín chưa đều, nên việc thuê nhân công hái tỉa quả chín của gia đình ông Đào Xuân Liêm (thôn Thống Nhất, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) gặp rất nhiều khó khăn.

“Bây giờ còn phụ thuộc vào nhân công, gia đình có 3.000 cây thì không thể tự thu hái được. Nhân công năm nào cũng thế, vất vả lắm, nhiều gia đình dù quả đang xanh nhưng vẫn hái ồ ạt, để ngoài đồng thì lo lắng sợ rụng. Gia đình mình hiện không có nhân công để thuê, hơn nữa khi thiếu nguồn nhân công thì giá thuê nhân công sẽ tăng cao”, ông Liêm cho biết.

Theo nhận định của ngành nông nghiệp huyện Đăk Hà, thuê nhân công cho vụ hái năm nay đang gặp nhiều khó khăn do nguồn lực này đi làm ăn xa hoặc làm cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Ngoài ra, nguồn nhân công tại chỗ năm nay cũng khó khăn do những nhân công biết hái đã được các hộ gia đình thuê khoán ngay từ đầu mùa. Vì vậy, các hộ khác muốn thuê phải đợi những nhân công này hái xong thì mới thuê được.

Ông Nguyễn Tường Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà cho biết: "Nhân công niên vụ 2017- 2018 tiếp tục khó khăn như hai niên vụ vừa qua do lực lượng lao động ở các tỉnh khác đến còn hạn chế.  Đối với lao động nội vùng, huyện cũng có xây dựng kế hoạch điều tiết, tuy nhiên cũng phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân công”.

Tình trạng thiếu nhân công khiến cho giá nhân công cho vụ hái năm nay tăng cao. “Giá thuê nhân công năm nay chắc chắn sẽ tăng, như năm 2016 đầu mùa vụ từ 70.000 - 75.000 đồng/tạ tươi, năm nay mới đầu mùa vụ đã tăng lên 80.000 - 85.000 đồng/tạ tươi”, ông Thắng cho biết thêm.

Làm gì để tháo gỡ khó khăn?

Trước tình hình nguồn nhân công hái cà phê niên vụ 2017-2018 tiếp tục được dự báo khó khăn, tập trung chủ yếu ở huyện Đăk Hà, ngành nông nghiệp huyện đã thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ; trong đó, chủ trọng điều tiết nguồn lao động tại chỗ, đảm bảo cung ứng đủ nguồn nhân công, giữ vững an ninh trật tự.

Để đảm bảo cung ứng đủ nguồn nhân công tại chỗ cho vụ hái cà phê 2017, Ủy ban nhân dân huyện đã xây dựng kế hoạch điều tiết lao động mùa vụ thu hái cà phê. Theo đó, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện thành lập các tổ hợp tác lao động theo đơn vị thôn, làng (mỗi tổ từ 10-12 lao động, lựa chọn những người có ý thức tổ chức, uy tín để bầu ra làm Tổ trưởng, tổ phó).

Đối với lao động tại xã Hà Mòn, Đăk Mar, Đăk Hring và thị trấn Đăk Hà sẽ trực tiếp thực hiện thu hái cà phê tại các doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn xã, thị trấn. Còn các lao động tại các xã còn lại sẽ được ủy ban các xã trực tiếp chủ trì, phối kết hợp với các đơn vị, làm việc ký kết hợp đồng lao động để điều tiết lao động khi các doanh nghiệp, hộ sản xuất có nhu cầu sử dụng lao động.

Dự báo được sự khan hiếm nguồn nhân công cho vụ hái 2017, trước khi bước vào vụ thu hoạch, chính quyền xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà đã liên hệ với các xã lân cận gồm xã Ngọc Wang, Đăk La, Ngọc Réo và tiến hành làm hợp đồng lao động với lao động ở 3 xã.

Đến nay, nguồn lao động hợp đồng tại xã Đăk La là 500 lao động, trong đó có gần 400 lao động đã qua đào tạo thu hái cà phê; xã Ngọc Wang hợp đồng 500 lao động, xã Ngọc Réo có 300 lao động đã được hợp đồng lao động tại xã Hà Mòn.

Ông Nguyễn Thái Lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hà Mòn cho biết: "Những năm trước đây, lao động hái cà phê tại xã rất dồi dào do nguồn lao động từ ngoài Bắc vào. Hai năm trở lại đây số lao động này đã không còn nên nguồn lao động trên địa bàn hiện tại rất khan hiếm.

Để đảm ứng nhu cầu lao động, đảm bảo thu hái cà phê đúng thời vụ, chúng tôi đã tiến hành liên hệ với các xã lân cận và làm hợp đồng lao động. Đến nay, chúng tôi đã hợp đồng được 1.300 lao động tại 3 xã Ngọc Wang, Đăk La, Ngọc Réo. Cùng với số lao động từ khu vực thành phố Kon Tum, xã Vinh Quang… lên làm thuê tại xã, cơ bản đến nay nguồn nhân công cơ bản được đảm bảo".

Ngoài các nguồn nhân công tại chỗ từ các xã, huyện lân cận, nhiều doanh nghiệp, hộ dân trên địa bàn huyện cũng đã tự tìm lời giải cho bài toán nhân công. Nhiều hộ dân đã thực hiện ký kết hợp đồng lao động với các đơn vị quân đội để thuê khoán nguồn nhân công. Từ đó, đảm bảo được vụ hái diễn ra đúng thời vụ, đúng kế hoạch.
        
Bên cạnh việc đảm bảo nguồn nhân công đáp ứng đủ nhu cầu thuê lao động trên địa bàn, các vấn đề như an ninh trong mùa vụ, trộm cắp, môi trường khi phơi, sấy, xay cà phê, giá nhân công cũng được chính quyền huyện Đăk Hà chú trọng.

Đối với vấn đề đảm bảo an ninh trong vụ hái cà phê, huyện đã chỉ đạo công an các xã, thị trấn xây dựng các kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự trong vụ hái. Đối với các xã, thị trấn thực hiện ký kết giữa chính quyền và bảo vệ của các công ty, doanh nghiệp thực hiện các công tác bảo vệ mùa vụ; tuyên truyền cho người dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật.

Ngoài ra, để đảm bảo tình trạng bảo kê không xảy ra, ảnh hưởng đến mùa vụ 2017, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn trực tiếp làm việc với các đại lý tư nhân, làm cam kết với các đại lý thực hiện nghiêm quy định của huyện là thu mua phải đảm bảo quả chín; không thu mua cà phê không rõ nguồn gốc; đảm bảo thu mua theo đơn giá của thị trường.

Quang Thái (TTXVN)