03:18 29/03/2015

Ca nương thế hệ 9x

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, phong cách ăn mặc trẻ trung, hiện đại, nhưng Nguyễn Thu Thảo, sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội, đã có 16 năm gắn bó với ca trù.

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, phong cách ăn mặc trẻ trung, hiện đại, nhưng Nguyễn Thu Thảo, sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội, đã có 16 năm gắn bó với ca trù.

Nguyễn Thu Thảo và ông nội biểu diễn ca trù. Ảnh do nhân vật cung cấp.


Khổ luyện từ năm 6 tuổi


Câu lạc bộ (CLB) Ca trù Thái Hà có lẽ không còn xa lạ với những người yêu thích, tìm hiểu về ca trù ở Hà Nội. Đó là Câu lạc bộ của gia đình Thảo, đã tồn tại và phát triển qua 7 thế hệ, gồm có: Ông Nguyễn Văn Mùi (ông nội Thảo), chủ nhiệm CLB, là người cầm chầu chính, ông Nguyễn Văn Khuê (bố Thảo) là người chơi đàn đáy, bà Thúy Hòa (cô ruột), Nguyễn Kiều Anh (chị gái họ) và Thu Thảo, đều là ca nương.

Với truyền thống gia đình như vậy nên từ bé Thảo đã được tiếp xúc với ca trù. Lúc lên 6 tuổi, bố và ông nội đã dạy Thảo tập hát, ban đầu chỉ khoảng 15 phút, sau đó là 30 phút rồi kéo dài đến cả buổi. Cứ như vậy, kéo dài đến tận bây giờ. Thảo nhớ lại, “Hồi đó còn bé, bản thân em chưa thật sự yêu thích ca trù, em chỉ thích hát những bài hát học ở trường, hát về bà về mẹ như bao bạn cùng trang lứa. Với lại, nhiều lúc tập hát em bị rát cổ, đau họng mấy ngày liền, ăn cơm và uống nước đều có cảm giác đau nên nản lắm. Nhưng, được bố và ông nội động viên, hàng tuần em tập đều đặn, dần cũng thành quen và em yêu thích ca trù tự lúc nào không biết”.

Ca trù là một loại hình âm nhạc đòi hỏi người học ngoài sự chịu khó, đam mê thì cần có năng khiếu để đảm bảo kỹ thuật nhất định. Đối với một đứa bé 6 tuổi thì lại càng khó khăn hơn bởi giọng yếu và không thể lên cao được. Với mong muốn giữ gìn loại hình âm nhạc truyền từ đời này qua đời khác nên ông và bố đều rất nghiêm khắc trong việc hướng dẫn Thảo học hát. Lúc đầu, Thảo chỉ làm quen bằng việc tập hát những câu ngắn, chưa đòi hỏi cao về kỹ thuật. Sau thời gian làm quen, Thảo phải học thuộc 5 khổ đàn và 5 khổ phách trong một buổi học vì trong ca trù, ca nương vừa hát phải vừa gõ phách trong lúc biểu diễn.

Lúc đó, Thảo không thể làm một lúc hai công việc này, hát được thì gõ phách lung tung và ngược lại. Hơn nữa, lời bài hát toàn viết bằng tiếng Hán, để thuộc lời bài hát thì trước hết phải hiểu được nghĩa đen và nghĩa bóng của ca trù.

Nhưng, đó chưa phải là khó nhất, khó học nhất trong ca trù là nảy hạt. GS Trần Văn Khê nhà nghiên cứu Văn hóa, âm nhạc truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam đã từng nói rằng, nảy hạt trong ca trù giống như hạt trân châu rơi xuống mâm vàng, rất trìu tượng nên người học muốn nảy hạt được thì phải học trong thời gian dài, sau đó nảy hạt sẽ tự có giống như bản năng. Thảo chia sẻ: “Lúc mới học, em không tài nào nảy hạt được. Nhiều lúc, em  cũng cảm thấy nản nhưng thương ông, thương bố vất vả nên, em lại cố gắng”.

“Có công mài sắt có ngày nên kim”, năm 7 tuổi, Thảo đã được gia đình cho đi biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội. Thảo nhớ lại: Lúc đó em vừa run vừa hồi hộp, sợ sẽ bị mọi người chê cười khi mình cất tiếng hát. Nhưng rất may mắn vì khán giả tỏ ra khá hài lòng, tiếng vỗ tay ủng hộ của khán giả ngày hôm đó là nguồn động viên vô cùng to lớn đối với em. Nhờ những buổi biểu diễn đó, Thảo nhận thấy mình ngày càng yêu thích và mong muốn đi theo nghiệp ca trù của gia đình.

Mong muốn đem ca trù đến với giới trẻ

Mặc dù còn trẻ nhưng bảng thành tích của Nguyễn Thu Thảo lại không nhỏ chút nào. Lúc 10 tuổi, tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc và ngay lập tức Thảo đã “săn” được huy chương vàng, giải thưởng đầu tiên sau 4 năm học hát. Năm 2005, niềm vui lớn đến với gia đình khi cô nhận học bổng Valle của Pháp, giải thưởng có giá trị 8 năm. Năm 2011, Thảo vinh dự nhận được danh hiệu Thanh niên tiêu biểu Thủ đô, khi đó cô 17 tuổi.

Không dừng lại ở biểu diễn ở trong nước, tháng 7/2011, Thảo được mời tham dự Festival âm nhạc truyền thống, tổ chức ở Thượng Hải, Trung Quốc, với tư cách là đại diện của Việt Nam. Mới đây nhất là đầu năm 2014, Thảo sang Pháp theo lời mời của nước bạn biểu diễn ca trù tại Nhà hát Paris.

Thảo chia sẻ, các bạn học sinh viên hầu như không thích âm nhạc truyền thống, mà thích K-pop, bắt chước những kiểu  nhảy hiện đại, coi đó là mốt. Em mong các bạn trẻ Việt Nam sẽ biết đến và đón nhận ca trù, nếu có cơ hội em muốn mang ca trù đến với bạn bè thế giới”.

Để thực hiện mong muốn đó, Thảo đưa ca trù đến với mọi người bằng những cách bình dị nhất. Đơn giản, Thảo đem ca trù vào các cuộc nói chuyện cùng bạn bè để giúp mọi người hiểu hơn, thấy được tầm quan trọng của việc gìn giữ một loại hình nghệ thuật độc đáo, đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể còn được bảo vệ khẩn cấp. Ngoài giờ học trên lớp, Thảo năng nổ tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của trường, đa số là các tiết mục của Thảo biểu diễn về ca trù. Theo quan điểm của Thảo, những tiết mục ca trù biểu diễn trên sân khấu sẽ dần thu hút sự chú ý của mọi người. Từ đó, khán giả cũng mới quan tâm tìm hiểu và “thương” nghệ thuật ca trù nhiều hơn.    


Ngọc Thi