05:17 24/05/2022

Cả nghìn ha lúa mới trổ bông và chuẩn bị gặt tại Vĩnh Phúc bị ngập

Những trận mưa lớn kéo dài từ ngày 22/5 đến hôm nay (24/5) đã khiến cả nghìn ha lúa mới trổ bông và chuẩn bị gặt ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc bị ngập trong nước mưa, nước lũ.

Chú thích ảnh
Diện tích trồng lúa và hoa màu ở Bình Xuyên- nơi có địa hình trũng và giáp sông Cầu Bòn tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc bị ngập nước mưa lũ. 

Điều này khiến nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đang lo ngại bởi nếu nước mưa lũ không rút sớm, diện tích lúa ngập dài ngày có thể ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng sản phẩm của cây trồng và đặc biệt không ít hộ sẽ mất trắng mùa vụ.

Đi dọc các tuyến đường về các huyện Yên Lạc, Tam Dương, Bình Xuyên...thuộc tỉnh Vĩnh Phúc được chứng kiến rất nhiều cánh đồng lúa mới trổ bông và chuẩn bị gặt bị ngập do mưa lũ. Trong khi đó, trong ngày 24/5 trên địa bàn tỉnh nhiều địa phương vẫn còn mưa và nước từ các địa bàn cao, phía thượng nguồn vẫn liên tiếp dồn về phía hạ lưu theo các sông, kênh, ngòi... Tại các xã Hợp Thịnh (Tam Dương), xã Đồng Văn (Yên Lạc)- những địa bàn cận kề Quốc lộ 2 nước mưa lũ chưa có dấu hiệu giảm và hàng chục ha lúa ở các xã này đang bị nhấn chìm trong nước mưa.

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Tam Dương, mưa lớn kéo dài sau nhiều giờ từ ngày 22/5 đến 23/5 đã gây ngập úng một số tuyến đường trũng tại thị trấn Hợp Hòa, xã Duy Phiên… khiến các phương tiện di chuyển khó khăn, ảnh hưởng tới sinh hoạt và sản xuất của người dân. Về tình hình thiệt hại do mưa lớn, toàn huyện Tam Dương có gần 610 ha diện tích lúa và cây màu bị ngập úng; trong đó, diện tích lúa hơn 465 ha và diện tích cây màu 143 ha.

Huyện Lập Thạch, cơn mưa lớn kéo dài từ ngày 22/5 đến 23/5 khiến 660 ha lúa và rau màu bị ngập. Diện tích bị ngập úng tập trung chủ yếu ở các xã phía Nam của huyện như Tiên Lữ, Xuân Lôi…Để khắc phục hậu quả do mưa lớn gây ra, UBND huyện đã yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Lập Thạch, các địa phương, hợp tác xã nông nghiệp huy động lực lượng tập trung khơi thông dòng chảy, kênh tiêu tạo thoát nước nhanh, không để gây ra thiệt hại về sản xuất.

Tại huyện Sông Lô, tính đến sáng 23/5, toàn huyện có hơn 700 ha lúa và 40 ha hoa màu bị ngập nước. Nhằm chủ động ứng phó với tình hình mưa bão, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản, huyện Sông Lô tiếp tục tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung triển khai hiệu quả kế hoạch phòng chống thiên tai phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Huyện Bình Xuyên cũng có hàng chục ha lúa và hoa mùa bị ngập sâu trong mưa lũ. Phần lớn diện tích lúa và hoa màu của huyện bị ngập nằm ở các khu ruộng đồng trũng cạnh Sông Cầu Bòn chảy qua huyện Bình Xuyên. Sông Cầu Bòn là dòng sông nhỏ hẹp, bắt nguồn của dòng sông này từ Thác Bạc trên núi Tam Đảo, đổ xuống  xã Hồ Sơn hợp với suối Xạ Hương, suối Bàn Long thuộc xã Minh Quang (huyện Tam Đảo), chảy từ phía bắc xuống phía nam qua các xã thuộc huyện Bình Xuyên rồi đổ vào Sông Cánh đều thuộc huyện Bình Xuyên. Tuy là dòng sông nhỏ nhưng mỗi khi có trận mưa lớn nước trên đồi núi... thượng nguồn đổ về hệ thống thủy lợi thoát không kịp và nước dâng cao phía dưới đồng ruộng, ảnh hưởng đến hoa màu của người dân.

Trước tình hình mưa lũ bất ngờ, tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh khẩn trương kiểm tra, rà soát, thống kê diện tích ngập lụt và vận động người dân có các biện pháp khắc phục thiệt hại, nhất là nông dân ở nơi có địa hình canh tác trũng...

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão, vận hành an toàn các hồ đập và ứng phó mưa lớn, đồng thời yêu cầu các ngành chức năng  chủ động các biện pháp ứng phó với mưa bão; lắp đặt các biển cảnh báo tại một số tuyến đường có ngầm tràn, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trước diễn biến bất thường của thời tiết...

Tin, ảnh: Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN)