04:08 05/04/2012

Cà Mau trước cơ hội vàng để phát triển bền vững

Chưa có thời kỳ nào mà tỉnh Cà Mau đứng trước nhiều cơ hội lớn như hiện nay. Ngoài thế mạnh cả ba lĩnh vực ngư - nông - lâm nghiệp còn có cụm công nghiệp khí - điện - đạm mang tầm cỡ quốc gia...

Chưa có thời kỳ nào mà tỉnh Cà Mau đứng trước nhiều cơ hội lớn như hiện nay. Ngoài thế mạnh cả ba lĩnh vực ngư - nông - lâm nghiệp còn có cụm công nghiệp khí - điện - đạm mang tầm cỡ quốc gia, làm bệ phóng cho Cà Mau bứt phá vươn lên xứng tầm với tiềm năng, lợi thế để trở thành một trong những tỉnh phát triển nhanh trong cả nước.

Thủy sản gắn với cuộc đời của nhà nông

Thủy sản Cà Mau không chỉ là kinh tế mũi nhọn của địa phương, mà còn là con chim đầu đàn của cả nước. Để có được chỗ đứng như hiện nay, người nông dân Cà Mau phải trải qua những bước thăng trầm để cho con tôm có được vị trí đúng với giá trị của nó. Còn nhớ 12 năm trước, khi mà cả đồng ruộng của Cà Mau toàn là lúa và cá nước ngọt, việc đưa nước mặn vào ruộng coi như điều cấm kị, ai vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Từ thực tiễn cuộc sống diễn ra trên đồng ruộng hàng ngày, người nông dân Cà Mau đã phát hiện “mỏ vàng” nhưng không được khai thác, kể từ đó bắt đầu có chuyện người dân đưa nước mặn vào ruộng để nuôi tôm. Ban đầu lẻ tẻ, càng về sau càng nhiều, diện tích nuôi tôm lấn dần diện tích trồng lúa, nước mặn lấn át nước ngọt, cuộc chiến giữa mặn và ngọt lặng lẽ diễn ra nhưng gay gắt.


Toàn cảnh Nhà máy Khí điện Cà Mau. Ảnh: Thanh Long-TTXVN


Nông dân thì trăn trở muốn tìm cách để làm giàu, trước mắt họ con tôm là bệ phóng, vì hàng trăm năm qua bà con bám ruộng lúa nhưng giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc, vì vậy mà nông dân luôn ấp ủ nuôi tôm như một khao khát để đổi đời. Còn nhà quản lý thì băn khoăn và tất nhiên có cái lý của họ. Thời điểm đó Nhà nước cho phép Cà Mau chuyển dịch cơ cấu sản xuất, do vậy mà việc bảo vệ không để người dân phá đập đưa nước mặn vào ruộng là việc làm khó khăn.

Cuối cùng thì nguyện vọng chính đáng của người dân cũng được đáp ứng kịp thời. Tỉnh Cà Mau chính thức thực hiện chủ trương của Chính phủ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, theo đó quy hoạch phần lớn diện tích đất từ trồng lúa chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Sau 12 năm, đến nay diện tích nuôi trồng thủy sản của Cà Mau lên tới 290.000 ha, sản lượng thủy sản mỗi năm xấp xỉ 300.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đang đứng trước ngưỡng 1 tỷ USD. Nhờ con tôm mà một bộ phận lớn nông dân đổi đời, thậm chí làm giàu. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay trên 1.100 USD.

Rừng - lúa; cá - lúa là mô hình sản xuất kiểu mẫu

Rừng, lúa, cá nước ngọt là một tiềm năng kinh tế lớn của Cà Mau chưa khai thác hết. Tổng diện tích rừng tràm U Minh Hạ lên tới gần 70.000 ha, trong đó có gần 40.000 ha đất có cây rừng, trong đó có rừng quốc gia Vồ Dơi là 8.000 ha. Diện tích trồng lúa của Cà Mau hiện nay còn ở mức 130.000 ha với sản lượng mỗi năm khoảng 500.000 tấn. Sản lượng cá đồng từ 30 – 50 ngàn tấn/năm. Với diện tích rộng lớn gần 300.000 ha nước ngọt, Cà Mau chủ trương cho bà con nông dân sản xuất đa canh, đa con trên cùng một diện tích đất. Đối với đất rừng, sau khi nhận đất rừng, người dân tổ chức trồng rừng, quản lý rừng kết hợp với nuôi cá đồng. Vùng trồng lúa cũng kết hợp với nuôi cá. Trên bờ, bà con tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn trái, hoa màu. Với hình thức đa dạng hóa cây trồng vật nuôi như vậy nên cho thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm. Sản xuất theo mô hình này vừa đạt được hiệu quả về kinh tế, vừa bảo vệ được môi trường tự nhiên, không bị ô nhiễm như vùng nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, do điều kiện thực tế nên giá trị sản phẩm nông nghiệp nông thôn Cà Mau chưa được khẳng định, chưa có thương hiệu trên thương trường. Ngoài gạo được xuất khẩu, còn lại hầu hết các sản phẩm nông nghiệp do nông dân làm ra đều không được chế biến, chưa phải là nông nghiệp hàng hóa nên giá trị kinh tế không cao.

Để cho sản phẩm làm ra có giá trị kinh tế, tỉnh Cà Mau đang trên đường triển khai các dự án đầu tư phát triển phù hợp với điều kiện và lợi thế của địa phương. Theo đó sẽ có những nhà máy chế biến thực phẩm, đồ ăn, thức uống từ gạo, trái cây để có mặt trên thị trường trong nước và xuất khẩu, tránh tình trạng sử dụng sản phẩm thô như hiện nay.

Cụm công nghiệp khí - điện - đạm đóng vai trò động lực

Cách đây 10 năm người dân Đất Mũi Cà Mau không ai dám nghĩ rằng nơi tận cùng của đất nước lại có một khu công nghiệp mang tầm cỡ quốc gia như hiện nay. Từ chủ trương của Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã đầu tư tại Cà Mau một công trình có thể nói làm động lực thúc đẩy cho Cà Mau trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chỉ sau vài năm kể từ ngày đưa vào sử dụng, Cụm công nghiệp đã hỗ trợ cho Cà Mau trên 2.000 tỷ đồng thông qua chính sách xã hội, nhiều công trình phúc lợi như đường giao thông nông thôn, trường học, nhà tình nghĩa được xây dựng từ công trình này. Ngoài ra mỗi năm còn nộp vào ngân sách địa phương hàng ngàn tỷ đồng.

Trong tương lai, người dân tỉnh Cà Mau sẽ còn tiếp tục hưởng lợi từ công trình đồ sộ này, đặc biệt là người dân xã Khánh An, huyện U Minh, nơi có hàng ngàn hộ dân nhường đất xây dựng công trình. Về phía Tập đoàn dầu khí nói chung, cụm công nghiệp khí - điện - đạm nói riêng đang từng bước thể hiện sự biết ơn của mình đối với những người người dân giúp họ xây dựng công trình.

Chưa có lúc nào tỉnh Cà Mau có nhiều cơ hội để phát triển như hiện nay, đó là có 3 thế mạnh ngư - nông - lâm nghiệp đang được đánh thức, khai thác có hiệu quả, có cụm công nghiệp làm động lực. Đặc biệt là có được sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tỉnh Cà Mau đang nắm bắt cơ hội vàng này để phát triển bền vững trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trần Thành Nên