01:07 29/01/2017

Buýt nhanh BRT, lời giải cho vận tải khách cộng cộng năm 2017

Không ít người dân đã hoài nghi buýt nhanh BRT Hà Nội có chạy nhanh hơn buýt thường, hiệu quả có tương xứng với giá trị đầu tư hay không... Nhưng sau hơn 1 tháng vận hành, lộ trình, thời gian, vận tốc, biểu đồ chạy đều đạt, vượt chỉ tiêu đề ra, hành khách gia tăng từng ngày, đã chứng minh hiệu quả của loại hình vận tải công cộng này.

Bắt đầu từ ý thức của người dân

Làn đường dành riêng cho buýt nhanh.

Trên thực tế, qua ghi nhận ý kiến của người dân, hầu hết số đông đều tư duy hiệu quả của xe buýt nhanh nằm ở mức độ nhanh chóng về thời gian. Nhưng theo các chuyên gia giao thông, không nên hiểu chữ "nhanh" theo kiểu chạy nhanh hơn vài phút. Về dài hạn, để xe  buýt nhanh không bị vướng vào ùn tắc, luôn luôn có giờ chạy ổn định, tạo ra tính nhanh “bền vững” mới là điểm mấu chốt. 

Các vấn đề này đang dần hiện thực hóa. Đặc biệt, trong bối cảnh phương tiện không ngừng gia tăng, gây áp lực trực tiếp lên hạ tầng, thì xe buýt thường càng khó duy trì tốc độ hiện nay. Như vậy, việc phát triển buýt nhanh theo cách Hà Nội đang triển từng bước là cần thiết.

Có làn đường riêng, buýt nhanh vận hành hiệu quả trên tuyến theo lộ trình.

Nhiều quốc gia lân cận như Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan hay các nước phát triển như Úc, Thụy Sỹ… hiện nay đã chứng minh buýt nhanh là hướng đi tất yếu cho vận tải khách công cộng. Lúc đầu, khi buýt nhanh phải đối mặt với tình trạng hạ tầng với ùn tắc, thì loại hình này thường chịu sự phản ứng quyết liệt của số đông người sử dụng xe cá nhân. Tuy nhiên, phải đưa vào vận hành trong thực tế này, vừa chạy vừa điều chỉnh, mới thu được hiệu quả.

Thực tế, sau hơn 1 tháng hoạt động, buýt nhanh chưa chứng minh được sự tích cực, vì dù có làn đường riêng, nhưng buýt nhanh vẫn bị nhiều chủ phương tiện khác tạt đầu, đến đèn đỏ vẫn phải dừng chờ và vẫn phải nhường đường do các phương tiện khác. Nhưng rõ ràng, đây không phải lỗi của buýt nhanh, mà do ý thức tự giác của không ít chủ xe tham gia giao thông chuyển biến chậm. 


“Buýt nhanh BRT sẽ khó nhanh khi ý thức tự giác chấp hành luật giao thông chỉ nửa vời, còn các lực lượng chức năng chưa kiên quyết dành làn riêng cho loại hình giao thông này”, TS Phan Lê Bình, chuyên gia Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhận định.

Ngồi xe buýt dọc trục đường Giảng Võ – Láng Hạ, Lê Văn Lương - Tố Hữu, hầu hết hành khách khi được hỏi đều thừa nhận ý thức của nhiều người tham gia giao thông rất hạn chế. Vào ngày nghỉ, giờ thấp điểm hay cao điểm, khi lưu thông đến các nút giao, phần đường dành cho buýt nhanh gần như bị chắn hoàn toàn bởi các phương tiện khác. Mặc cho lái xe BRT bấm còi, đạp phanh liên tục, nhưng vẫn phải nhường đường cho xe khác. 

Khắc phục các bất cập

Cần điều chỉnh hệ thống đèn và lắp giải phân cách cứng suốt tuyến để giảm xung đột giữa buýt nhanh với phương tiện khác khi vào các nút giao.

Trong điều kiện giao thông chưa đồng bộ của Hà Nội hiện nay, buýt nhanh có thể chưa vận hành hiệu quả như mong đợi, vì không ai chỉ sử dụng riêng buýt nhanh để di chuyển, mà mọi người cần phải đi bộ hoặc sử dụng các phương tiện giao thông khác để đi từ nhà đến nhà chờ xe BRT  và đi bến xe BRT tới điểm đến cuối cùng. 

Thực tế, khi hành khách muốn di chuyển sang tuyến khác sẽ phải đi bộ khá xa. Do vậy, việc kết hợp buýt nhanh với các phương tiện giao thông công cộng hay những phương tiện lưu thông khác là một yếu tố quan trọng để đảm bảo tính hiệu quả. Bên cạnh đó, đường dẫn vào các nhà chờ buýt nhanh khá dài, khiến nhiều người dân ái ngại. Thậm chí, nhiều người cao tuổi, khuyết tật vẫn còn chưa biết lối hoặc chưa có lối đi riêng…

Do đó, song song với việc vận hành hoạt động tuyến xe buýt nhanh, các lực lượng chức năng cần phải theo dõi, điều chỉnh, khắc phục những phát sinh giữa xe buýt nhanh với các phương tiện giao thông cá nhân khác để giảm ùn tắc xảy ra vào giờ cao điểm. Cần có một hệ thống đèn tín hiệu giao thông riêng dành cho xe buýt BRT và các phương tiện khác tại mỗi nút giao, tránh trường hợp xe buýt nhanh phải dừng lại chờ các phương tiện khác qua đường.

Và các cấp chính quyền cần tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân bằng những biện pháp như: Tăng cường tuyên truyền thông qua báo chí; tạo ý thức cho người dân về việc ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng. Từ đó, để cộng đồng thông cảm và chia sẻ những khó khăn trong việc tiếp nhận thêm một luồng tuyến giao thông công cộng mới. 

Mặc dù áp lực giao thông sẽ ảnh hưởng đến vận hành tuyến xe buýt nhanh, nhưng với sự phối hợp của các lực lượng chức năng cùng với sự thông cảm, chia sẻ của cộng đồng sẽ góp phần làm thay đổi ý thức giao thông của người dân, xây dựng nếp sống văn minh hiện đại.

Theo khảo sát của phóng viên, đối tượng đi xe buýt nhanh khá đa dạng so với các tuyến buýt thường, không chỉ là học sinh, sinh viên, mà có đông hành khách là cán bộ, nhân viên văn phòng, người cao tuổi, trẻ em và có cả người khuyết tật. 

Không thể phủ nhận những tính năng ưu việt của buýt nhanh BRT khi đưa vào vận hành. Việc số hành khách sử dụng tăng nhanh là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy buýt BRT đang dần được hành khách đón nhận, ủng hộ.

Theo Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) sau 1 tháng vận hành chính thức, tuyến buýt BRT 01 Bến xe Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa đã chạy đầy đủ theo biểu đồ, đạt 358 lượt xe/ngày, tỷ lệ xuất bến đúng giờ đạt 99,7%, trung bình mỗi nhà chờ đón gần 500 khách/ngày. Có làn đường riêng, buýt nhanh đạt vận tốc trung bình tối đa 30 – 35 km/giờ và từ 40 – 45 phút/chuyến.

Bài và ảnh: Đăng Sơn