09:11 02/09/2011

Buồn, vui từ đường dây tư vấn HIV/AIDS

Một trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách y tế HIV/AIDS, một tấm gương của chàng trai miền biển nhiễm HIV đã 18 năm vượt qua số phận để sống có ích cho đời…

Một trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách y tế HIV/AIDS, một tấm gương của chàng trai miền biển nhiễm HIV đã 18 năm vượt qua số phận để sống có ích cho đời… Những câu chuyện dù chung, dù riêng này thật sự là những ngọn lửa ấm áp để tiếp thêm sức mạnh, nghị lực sống, giúp những người nhiễm HIV có niềm tin và nghị lực sống, chống lại bệnh tật.

“Tôi là Lê Thị C., mẹ cháu Nguyễn Minh Đ.. Cháu Đ. không may bị nhiễm HIV qua bố mẹ. Khi cháu đến tuổi đi học mẫu giáo, tôi có làm đơn gửi Ban giám hiệu Trường mầm non tại xã A, huyện C, tỉnh T, xin cho cháu được đi học nhưng nhà trường không chấp nhận. May nhờ có sự can thiệp của trung tâm, nay cháu Đ. đã được đến trường…”. Đây chỉ là một trong rất nhiều lá thư cảm ơn của người nhiễm HIV/AIDS hoặc gia đình họ gửi đến Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách y tế HIV/AIDS, Hội Luật gia Việt Nam.

Thiếu thông tin về HIV/AIDS

Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách y tế HIV/AIDS nằm khép mình trong một ngõ nhỏ phố Núi Trúc, Hà Nội. Và nếu là người mới tới Trung tâm lần đầu tiên, hẳn sẽ rất tò mò vì không khí vắng lặng, chẳng nhộn nhịp cảnh người vào ra như vẫn thấy tại những trung tâm khác.

“Trung bình mỗi ngày có 10 - 15 khách hàng cần Trung tâm tư vấn, hỗ trợ về pháp lý. Vì e ngại nên ít người nhiễm HIV/AIDS trực tiếp tìm đến, mà phần lớn đều liên hệ qua số điện thoại 18001521. Có người còn giả vờ “hỏi hộ người quen” hoặc nhờ người khác hỏi hộ, chị Nguyễn Thị Ngọc, một tư vấn viên của Trung tâm, cho biết.

Nhân viên y tế tư vấn, cung cấp dịch vụ cho người có nguy cơ cao. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Theo chị Nguyễn Thị Ngọc, qua những cuộc điện thoại từ mọi miền đất nước có thể thấy, thiếu kiến thức về Luật Phòng, chống HIV/AIDS là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp không sẵn sàng tiếp nhận người nhiễm HIV và khiến nhiều người nhiễm HIV tự đánh mất cơ hội có việc làm ổn định.

Lan, vốn là một giáo viên tiểu học tại tỉnh T. Sau khi biết Lan nhiễm HIV, nhà trường nơi Lan dạy đã chuyển Lan sang làm tạp vụ. Thời gian này, Lan rất đau khổ vì nghĩ mình không còn đủ tư cách để đứng trên bục giảng. Hơn nữa, Ban lãnh đạo nhà trường nơi Lan công tác cũng tỏ rõ thái độ không muốn ký hợp đồng lao động tiếp với Lan. Bởi vậy, Lan đã làm đơn xin thôi việc.

Sau khi về Bắc Ninh sinh sống, sinh hoạt trong nhóm tự lực của những người nhiễm HIV, Lan tâm sự rằng rất ân hận vì đã xin thôi việc quá vội vàng. Giờ đây, Lan mong ước có được một công việc phù hợp với khả năng, nhưng điều đó là quá khó.

Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách y tế HIV/AIDS kể, trong những cuộc gọi đến đường dây nóng, bà không thể nào quên cuộc điện thoại nhờ tư vấn của một chàng trai tên Qu, người Hà Nội. Do bị lôi kéo, Qu “dính” nghiện hút và nhiễm HIV. Bố mẹ Qu rất buồn và xấu hổ, cấm không cho Qu vào nhà vì sợ làm ảnh hưởng đến vong linh tổ tiên và làm lây nhiễm HIV cho những người trong gia đình. Bố mẹ dựng một cái chòi ở ngoài vườn và bắt Qu ra đó sống. Hàng ngày, bà mẹ mang cơm ra cho Qu ăn.

Chỉ tới khi được một người bạn cùng cảnh ngộ giới thiệu, Qu mới biết, tìm tới Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách y tế HIV/AIDS, đề nghị được giúp đỡ.

Trợ giúp hơn10.000 bệnh nhân nhiễm HIV

Ngày càng có nhiều người nhiễm HIV/AIDS từ khắp các tỉnh, thành gọi điện đến đường dây nóng nhờ được trợ giúp pháp lý. Từ 2007 đến nay, có khoảng 8.000 cuộc gọi về đường dây nóng 18001521 và khoảng 2.500 trường hợp đến Trung tâm để được trợ giúp, trong đó có rất nhiều người đã được tư vấn và trợ giúp pháp lý thành công.

Vui với niềm vui của nhiều người nhiễm HIV/AIDS khi họ tìm lại được điểm tựa để tiếp tục làm việc và sống có ích hơn, song bà Trâm và những cộng sự vẫn không khỏi trăn trở vì sự kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng vẫn khá nặng nề. Ngay cả đại diện các trường học cũng chưa nhận thức đầy đủ về Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Tại một số tỉnh, thành trong cả nước vẫn còn tình trạng trẻ em nhiễm HIV không được đến trường hoặc bị gây khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ giáo dục. Số giáo viên nhiễm HIV “cầu cứu” sự can thiệp của Trung tâm để được tiếp tục đứng trên bục giảng vẫn tiếp tục tăng lên...

Một điều nữa mà bà Trâm cũng đang rất lo lắng, đó là thời gian tới, liệu nhà tài trợ là Tổ chức USAID tài trợ thông qua Dự án Sáng kiến chính sách về y tế Việt Nam (Health Policy Initiative) có còn duy trì nguồn tài trợ như hiện nay hay không. “Nếu nhà tài trợ cắt giảm kinh phí hoặc chấm dứt tài trợ thì sẽ rất đáng tiếc. Bởi lẽ, nhu cầu tư vấn về pháp lý cho người nhiễm HIV/AIDS ngày một tăng. Hơn nữa, để xây dựng được một đường dây nóng, là nơi được người nhiễm HIV/AIDS tin tưởng, nhờ cậy thì không dễ chút nào”, bà Trâm chia sẻ.

Phương Liên