03:09 15/03/2011

Buôn lậu xăng dầu qua biên giới: Chưa được giải quyết từ “gốc”

Hầu hết các đại biểu tham gia Hội nghị bàn những giải pháp chống xuất lậu xăng dầu do Bộ Công Thương tổ chức ngày hôm qua (14/3) tại TP Hồ Chí Minh đều có ý kiến như vậy.

Hầu hết các đại biểu tham gia Hội nghị bàn những giải pháp chống xuất lậu xăng dầu do Bộ Công Thương tổ chức ngày hôm qua (14/3) tại TP Hồ Chí Minh đều có ý kiến như vậy.

“Nóng” buôn lậu qua biên giới

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 127 TW, tình trạng xuất lậu xăng dầu ở khu vực biên giới Tây Nam tiếp giáp với nước bạn Campuchia đang diễn ra hết sức phức tạp. Nguyên nhân: Giá dầu thế giới liên tục tăng kéo theo sự điều chỉnh về giá của các nước láng giềng. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước vẫn thấp hơn từ 2.000-3.000 đồng/lít so với thị trường các nước láng giềng. Những địa bàn đang nóng bỏng tình trạng buôn lậu xăng dầu bao gồm: khu vực huyện Tân Biên, Tân Châu (Tây Ninh), thị trấn Long Bình, Tịnh Biên (An Giang), Mộc Hóa, Đức Hòa (Long An)…

Vận chuyển xăng dầu trên Tỉnh lộ 793, khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh để vào các đường nhỏ ra biên giới. Ảnh: Vũ Tiến Lực – TTXVN


Ông Nguyễn Lộc Tuấn, Cục phó Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan cho biết, đối tượng tham gia hầu hết là dân nghèo ở khu vực biên giới với thủ đoạn mua xăng dầu vào can nhựa loại 5-10 lít, sau đó đổ vào can nhựa loại 30 lít hoặc túi nylon để vận chuyển sang biên giới bằng xe máy, xe đạp hay vác bộ. Không ít cửa hàng tại khu vực này đã thỏa thuận với các đầu nậu, rằng bán xăng dầu cho đối tượng xuất lậu được nhận thêm 20.000 đồng/can 30 lít. Số lượng xăng dầu bán ra của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở đây hiện đã tăng lên hơn 200.000 lít/tháng, cao hơn 2 lần so với đầu năm.

“Ngoài ra, một số tàu, thuyền lợi dụng việc đánh bắt hải sản trên biển (hoặc chuyên chở hàng hóa qua lại biên giới) chở xăng dầu để xuất lậu. Do các cây xăng biên giới bị siết chặt, hiện các đối tượng buôn lậu đang tổ chức thu gom ở các cây xăng nằm sâu trong nội địa”, ông Tuấn nói thêm. Khảo sát của Ban chỉ đạo 127 TW cho thấy, chỉ tính 2 tháng đầu năm 2011, tỉnh Tây Ninh đã xử lý 44 vụ vận chuyển xăng dầu lên biên giới, tước quyền kinh doanh đối với 2 cửa hàng vi phạm; tỉnh Kiên Giang xử lý 5 vụ; An Giang xử lý 4 vụ… Nhưng theo đánh giá của Ban chỉ đạo, đây chỉ là phần nổi; thực tế số vụ xuất lậu xăng dầu qua biên giới nhiều hơn hàng chục lần với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp.

Chỉ mới giải quyết từ ngọn

Ông Võ Văn Quyền- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nhận định, công tác ngăn chặn của các lực lượng chức năng đang gặp rất nhiều khó khăn do đầu nậu luôn giấu mặt. Việc bố trí mạng lưới các cây xăng quá dày, đã tạo thêm điều kiện cho việc xuất lậu. Chế tài xử phạt các hành vi đầu cơ, buôn lậu và gian lận thương mại, đặc biệt những vi phạm quy định quản lý trong kinh doanh xăng dầu, còn nhiều bất cập và chưa nghiêm khắc. “Dù giá xăng dầu của Việt Nam đã được điều chỉnh tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với nước bạn. Đây có lẽ là cốt lõi của vấn đề”, ông Quyền ưu tư.

Mang can không về sau khi vận chuyển trót lọt xăng dầu qua biên giới Tây Ninh. Ảnh: Vũ Tiến Lực – TTXVN


Đại diện doanh nghiệp Petrolimex cho hay, chênh lệch giá xăng dầu giữa các nước có đường biên giới tiếp giáp với Việt Nam (bao gồm Trung Quốc, Campuchia và Lào) đang ngày càng xa. Các nước bạn liên tục điều chỉnh, thiết lập mặt bằng giá mới theo sát với những biến động của thị trường đã tạo sự chênh lệch lớn về giá. Khảo sát của đơn vị, 2 tháng đầu năm 2011 doanh số bán ra đã tăng 35-40% và Petrolimex đang gồng mình để cân đối, giảm thiệt hại trong kinh doanh. Hiện hầu hết các DN đầu mối xăng dầu đang phải nhập khẩu giá cao và bán giá chưa tương xứng.

Liên quan đến kiến nghị của các đại biểu về một cơ chế thị trường đầy đủ cho việc kinh doanh xăng dầu để giải quyết rốt ráo tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, Chính phủ đã có lộ trình cụ thể cho 3 loại hàng hóa cơ bản của nền kinh tế là điện, than và xăng dầu sẽ vận hành theo cơ chế thị trường. Kết hợp với Bộ Tài chính, ngành công thương đang xây dựng các giải pháp tiếp cận phù hợp nhằm tránh gây sốc cho nền kinh tế.

N.V Nghĩa